Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đau đầu lo kinh phí
Đề án thí điểm xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với lợn và gà tại 7 tỉnh nhằm hướng tới XK là kỳ vọng lớn của ngành chăn nuôi nước ta trước ngưỡng cửa nhiều thách thức hội nhập, nhưng việc triển khai vấp phải không ít khó khăn.
Quá sức địa phương
Cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT cùng 7 tỉnh thí điểm thực hiện đề án đã có cuộc họp bàn các giải pháp nhằm khơi thông cho việc triển khai.
Qua gần một năm thí điểm triển khai, đề án xây dựng cơ sở, vùng ATDB hướng tới XK đã tạo thêm cú hích ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại 5 tỉnh thí điểm đối với gà tại phía Nam gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Theo Cơ quan Thú y Vùng VI, tính từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015, tại 5 tỉnh thí điểm ở phía Nam đã có 255 cơ sở chăn nuôi gà đã được thẩm định điều kiện ATDB.
Trong đó, 176 cơ sở được công nhận ATDB (gồm 123 cơ sở đạt ATDB đối với cả 2 bệnh CGC và Newcatsle; 24 cơ sở ATDB với Newcatsle; 29 cơ sở ATDB đối với CGC).
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB cũng đang vấp phải không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề gánh nặng kinh phí.
Theo ông Phan Minh Báu – PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, với số lượng cơ sở chăn nuôi khổng lồ, mỗi năm kinh phí tỉnh phải chi tới trên 60 tỉ đồng cho việc tiêm phòng cho gia súc gia cầm.
Việc triển khai tiêm phòng, đặc biệt là cho các hộ chăn nuôi nhỏ (dưới 100 con lợn và 100 con gia cầm) vô cùng khó khăn.
“Lực lượng thú y quá vất vả, phải trang bị cả đèn pin để đi tiêm phòng vào ban đêm, nhưng với số lượng trang trại quá lớn, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ mỗi trại mấy chục con thì không cách gì có thể tiêm đạt tỉ lệ được” – ông Báu kêu khó.
Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Phước cho biết, tổng kinh phí dành cho phòng chống dịch, kể cả tiêm phòng chỉ có 3,5 tỉ đồng/năm. Nếu phải tiêm cho tổng đàn gia cầm của tỉnh này mỗi năm 2 lần, kinh phí địa phương không thể nào kham nổi.
“Công tiêm phòng hiện nay chỉ quy định 100 nghìn đồng/ngày nên không thể thuê được người, chưa nói đi tiêm phòng toàn phải tiêm ban đêm do phải chờ chủ nhà có mặt” – ông Hải than thở.
“Mục đích cuối cùng của xây dựng vùng ATDB là giúp DN xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi theo yêu cầu thị trường, qua đó tạo nguồn tiêu thụ cho người chăn nuôi. Vì vậy, phải có DN vào cuộc thì mới làm vùng ATDB, chứ không xây dựng vùng ATDB tràn lan rồi để đó. Trước mắt, đề nghị UBND các tỉnh sớm phê duyệt đề án cụ thể để triển khai, đề án của Bộ NN-PTNT đã có rồi, phải thực hiện. Trước mắt, cần tập trung kinh phí xây dựng cơ sở ATDB trước, sau đó mới tính tiếp tới vùng ATDB” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám. |
Không chỉ các tỉnh phía Nam, tại phía Bắc, hai tỉnh thí điểm xây dựng vùng ATDB đối với bệnh lở mồm long móng (LMLM) là Thái Bình và Nam Định cũng đang đau đầu với bài toán kinh phí.
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định ái ngại: Để đạt tỉ lệ bảo hộ, mỗi con lợn sẽ phải tiêm ít nhất 2 lần vacxin LMLM. Nam Định hiện thường xuyên duy trì tổng đàn khoảng 140 nghìn con lợn nái và khoảng hơn 600 nghìn đầu lợn thịt, tính sơ sơ sẽ phải chi khoảng gần 60 tỉ đồng/năm nếu tiêm phòng LMLM. Đây là nguồn kinh phí quá sức của tỉnh.
Cùng lo lắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thái Bình, ông Nguyễn Văn Đức tính toán: Thái Bình thường xuyên có 1 triệu đầu lợn. Hàng năm UBND tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí tiêm phòng dịch tả lợn và một ít vacxin cho trâu bò, nhưng kinh phí tiêm phòng đã lên tới hàng chục tỉ đồng. Nếu phải tiêm vacxin LMLM cho toàn bộ đàn lợn, bài toán kinh phí sẽ vô cùng nan giải.
Băn khoăn chuyện tiêm phòng
Trong khi việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB đối với gia cầm (gà) tại 5 tỉnh phía Nam diễn ra khá thuận lợi, thì việc triển khai trên lợn tại 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định vẫn đang dậm chân tại chỗ do chưa có phương án thực hiện cụ thể.
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định băn khoăn: Mặc dù Đề án xây dựng cơ sở, vùng ATDB đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, tuy nhiên Cục Thú y là đơn vị được giao hướng dẫn chi tiết vẫn chưa có hướng dẫn nào, khiến cả Thái Bình và Nam Định không biết phải triển khai ra sao.
Cụ thể theo ông Hiểu có mấy vấn đề:
Một là theo yêu cầu về xây dựng vùng ATDB do Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), nếu sử dụng vacxin LMLM thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt trên 90% tổng đàn, đây là điều không thể bởi lực lượng thú y hiện quá mỏng, kinh phí quá lớn.
“Chúng ta cần đặt câu hỏi có nên đổ một số tiền quá lớn như vậy nhằm mục đích gì, có nên tiêm phòng hay không, bởi mục tiêu cuối cùng để xây dựng vùng ATDB theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) là không tiêm phòng. Nên chăng, cần cân nhắc cho phép sử dụng biện pháp khoanh vùng, tiêu hủy gia súc khi có dịch, tiến tới khống chế và loại bỏ hoàn toàn virus LMLM tại các địa bàn nhất định” – ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định. |
Quan trọng hơn, việc sử dụng vacxin LMLM phải theo chỉ định của OIE. Điều tra dịch tễ ở Nam Định mấy năm gần đây cho thấy có lưu hành rất nhiều typ virus LMLM.
Virus LMLM hiện nay có tới 7 chủng, và vacxin cũng có 3-4 loại, nào typ O, typ A, nào nhị typ 0-ASEAN, vacxin tam giá... Vì thế nếu có tiêm phòng thì tỉnh cũng chẳng biết chọn loại vacxin nào.
“OIE cũng yêu cầu tỉ lệ bảo hộ sau tiêm phòng phải đạt trên 80%, trong khi tỉ lệ bảo hộ đối với vacxin LMLM trên thực tế chúng tôi kiểm tra thường chỉ 60-65%, nếu chọn không đúng chủng vacxin, tỉ lệ bảo hộ không đạt yêu cầu thì ai chịu trách nhiệm đây?” – ông Hiểu lo lắng.
Thứ hai, theo yêu cầu về điều tra huyết thanh giám sát lưu hành virus sau tiêm phòng, ít nhất phải có 5% gia súc tiêm phòng được lấy mẫu ngẫu nhiên để giám sát hiệu quả tiêm phòng.
Nếu tạm tính Nam Định hiện có 600 nghìn con lợn thịt, việc phải lấy mẫu huyết thanh, rồi xét nghiệm với số lượng mẫu tới 5% của con số 600 nghìn con lợn theo định kỳ là điều không hề dễ.
Thứ ba, yêu cầu xây dựng vùng ATDB là phải đánh dấu nhận dạng gia súc tiêm phòng, với một số lượng lớn gia súc, lại chăn nuôi nhỏ lẻ như Nam Định và Thái Bình thì đây là điều vô cùng khó khăn tốn kém.
“Câu chuyện bấm thẻ tai cho lợn đã là một bài học. Chúng tôi tính nếu chỉ bấm cho 40% tổng đàn lợn thịt của tỉnh thì kinh phí cho việc này đã lên tới 33 tỉ đồng trong 3 năm tới” – ông Hiểu tính toán.
Trước những băn khoăn này, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị thời gian tới, Cục Thú y phải tiếp tục đàm phán với OIE, nếu cần thiết phải xem xét điều chỉnh các yêu cầu, tiêu chí về vùng ATDB, đồng thời nghiên cứu phương án có thể xây dựng vùng ATDB bằng cách không tiêm phòng được hay không.
Có thể bạn quan tâm
Vụ đông xuân năm 2023 - 2024, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị.
Mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới, nông dân canh tác tôm - lúa rút ngắn thời gian thu hoạch, tôm đạt kích cỡ lớn, cho năng suất, lợi nhuận cao.
Mô hình kết hợp 4 trong 1 gồm tôm, cua, cá và sò huyết mang lại hiệu quả cao cho nông dân Bạc Liêu.
Khi chiếc chành được nhẹ nhàng nhấc lên khỏi mặt nước, hàng chục cá thể tôm cỡ ngón tay nhảy lao xao.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Phú Lương đã từng bước đưa những giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao.