Nông Dân Bắc Cạn Không Muốn Thu Hoạch Hàng Trăm Ha Dong Riềng
Hy vọng trồng dong riềng thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha như những năm trước, năm 2013 nông dân Bắc Cạn ồ ạt trồng dong riềng dẫn đến sản lượng quá nhiều, bị các cơ sở thu mua dìm giá xuống thấp. Giá bán củ dong riềng không bù đắp được chi phí thu hoạch, hiện nay vào cuối vụ, nông dân không muốn thu hoạch hàng trăm ha dong riềng.
Năm 2012 giá bán củ dong riềng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đạt từ 1.500- 1.600 đồng/ kg, giá bán tinh bột đạt 15.000-16.000 đồng/kg, mang lại cho nông dân thu nhập 70-80 triệu đồng/ha, nhiều nơi chăm sóc tốt có thể thu hàng trăm triệu đồng/ha; các cơ sở chế biến tinh bột cũng có lãi lớn.
Năm 2013, nông dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt trồng dong riềng, đồi bãi trống đều được trồng dong riềng, diện tích tăng đột biến với 2.943 ha, tăng gần một nghìn ha so với năm trước.
Những năm trước, dong riềng chủ yếu chỉ được trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, “đầu ra” của dong riềng là tinh bột, miến dong chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội, Thái Nguyên và các tỉnh miền xuôi. Từ năm 2013, thấy dong riềng có thu nhập cao, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên nhiều tỉnh miền núi phía bắc cũng trồng dong riềng, trong khi đó thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền xuôi.
Dong riềng được trồng quá nhiều, sản lượng lớn nên đã bị các cơ sở thu mua chế biến tinh bột, từ tinh bột chế biến ra miến ép giá. Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, nông dân chỉ bán được 700-800 đồng/kg củ, chỉ bằng một nửa so với năm trước mà cũng rất khó bán, dong riềng vốn nặng, cồng kềnh mà phải chở đến tận cơ sở thu mua thì mới bán được, trong khi đó những năm trước các cơ sở đến tận nơi thu mua rồi vận chuyển về chế biến.
Một ngày, một lao động chỉ có thể thu hoạch được một tạ củ dong riềng, lại phải mất công gánh gồng, thồ, chở xe máy, công nông đến cơ sở thu mua mới bán được 70-80 nghìn đồng, chỉ bằng một nửa so với đi làm các việc khác cho nên đến nay là thời điểm cuối vụ, trên địa bàn tỉnh có gần 200 ha dong riềng mà nông dân chán không muốn thu hoạch.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Hoàng Văn Mão cho biết: “Mùa này nông dân trong huyện vào rừng đào măng nứa, mỗi ngày thu nhập 300-400 nghìn đồng cho nên bỏ không thu hoạch dong riềng. Chúng tôi vận động nông dân dỡ dong riềng để giải phóng đất mà nông dân cũng không làm”.
Không bán được dong riềng, nông dân xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn sau một năm vun trồng, đầu tư chăm sóc mà đến vụ không bán được nên rất bức xúc.
Nhiều người bàn nhau chở dong riềng đến trụ sở “bắt đền” chính quyền xã. Lãnh đạo huyện phải dày công thuyết phục, vận động bà con, rằng tiền thuê xe để vận chuyển dong riềng đến trụ sở xã còn cao hơn giá bán nên bà con mới nguôi bức xúc.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn Hà Văn Khoát cho biết: Ngay từ giữa năm 2013 bản thân tôi đã tiên liệu diện tích trồng dong riềng tăng đột biến, sản lượng nhiều, tiêu thụ không hết sẽ bị các cơ sở thu mua ép giá nên đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn, ngành chức năng, các địa phương yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến dong riềng, đặc biệt là những cơ sở được ngân sách, dự án hỗ trợ vốn mua sắm thiết bị, tập huấn nghề phải tìm mọi cách tiêu thụ hết sản phẩm, không được ép giá nông dân. Nhưng cuối cùng vẫn không đạt yêu cầu đề ra. Từ năm 2014 phải tổ chức lại từ việc trồng đến chế biến dong riềng.
Trước mắt, Bí thư Khoát yêu cầu năm 2014 toàn tỉnh chỉ trồng 1.700 ha dong riềng (giảm 1.200 ha so với năm trước), trồng ở những nơi gần đường giao thông, tiện vận chuyển để giảm chi phí. Các cơ sở chế biến dong riềng trong tỉnh phải có cam kết giá thu mua dong riềng hợp lý để nông dân yên tâm; tăng cường tuyên truyền, quảng bá miến dong Bắc Cạn có thương hiệu là chứng nhận nhãn hiệu tập thể để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Trong khi giá dong riềng xuống rất thấp thì năm 2013, Công ty TNHH Hoàng Giang có Nhà máy chế biến tinh bột, miến dong ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể vẫn thực hiện nghiêm cam kết thu mua cho nông dân với giá 1.200 đồng/kg ở những nơi công ty này hỗ trợ vốn ban đầu cho nông dân trồng, chăm sóc.
Tuy nhiên, công ty này ký cam kết về giá với nông dân chỉ tập trung ở một số xã thuộc huyện Ba Bể, sản lượng được thu mua với giá cam kết rất thấp so với số dong riềng của toàn tỉnh.v
Có thể bạn quan tâm
Qua kết quả triển khai, các hộ dân đăng ký trồng gấc được 33 ha tại các xã Xuân Giang, Tiên Nguyên, Tân Bắc, Yên Thành, Yên Hà, Tân Trịnh, Bản Rịa, Bằng Lang. Trong tháng 6 vừa qua, huyện đã đã tiến hành giao giống và gieo trồng được 4.497 cây.
Ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, kể: “Vị Thủy là vùng đất trũng, thuần nông, tập quán sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, còn nhiều tàn tích chiến tranh. Hồi đó, cuối tháng 10, tháng 11 (âm lịch) nước vẫn còn ngập tràn đồng, hàng năm chỉ làm một vụ lúa, vậy mà giờ đây đã khác. Sự thay đổi ở huyện này cũng bắt đầu từ nông nghiệp...”.
Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định tiền thân là Xí nghiệp Đông lạnh thịt xuất khẩu thành lập từ năm 1989. Năm 2000, Xí nghiệp chuyển đổi thành Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định với số vốn điều lệ 3,7 tỷ đồng; ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là: chế biến thịt gia súc, gia cầm xuất khẩu…
Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, trong cả 3 lô hàng rau gia vị bị phát hiện có côn trùng từ đầu năm đến nay, thì cả 3 đều thuộc về một doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Anh Nhân, địa chỉ 42/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh.
Hôm qua 13.10, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn cho biết, lực lượng thú y huyện và chính quyền địa phương vừa tiến hành tiêu hủy khẩn cấp đàn vịt thịt 35 ngày tuổi gồm 1.000 con của bà Hà Thị Linh ở thôn Phong Nhị, xã Điện An.