Nông Dân Bắc Cạn Không Muốn Thu Hoạch Hàng Trăm Ha Dong Riềng
Hy vọng trồng dong riềng thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha như những năm trước, năm 2013 nông dân Bắc Cạn ồ ạt trồng dong riềng dẫn đến sản lượng quá nhiều, bị các cơ sở thu mua dìm giá xuống thấp. Giá bán củ dong riềng không bù đắp được chi phí thu hoạch, hiện nay vào cuối vụ, nông dân không muốn thu hoạch hàng trăm ha dong riềng.
Năm 2012 giá bán củ dong riềng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đạt từ 1.500- 1.600 đồng/ kg, giá bán tinh bột đạt 15.000-16.000 đồng/kg, mang lại cho nông dân thu nhập 70-80 triệu đồng/ha, nhiều nơi chăm sóc tốt có thể thu hàng trăm triệu đồng/ha; các cơ sở chế biến tinh bột cũng có lãi lớn.
Năm 2013, nông dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt trồng dong riềng, đồi bãi trống đều được trồng dong riềng, diện tích tăng đột biến với 2.943 ha, tăng gần một nghìn ha so với năm trước.
Những năm trước, dong riềng chủ yếu chỉ được trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, “đầu ra” của dong riềng là tinh bột, miến dong chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội, Thái Nguyên và các tỉnh miền xuôi. Từ năm 2013, thấy dong riềng có thu nhập cao, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên nhiều tỉnh miền núi phía bắc cũng trồng dong riềng, trong khi đó thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền xuôi.
Dong riềng được trồng quá nhiều, sản lượng lớn nên đã bị các cơ sở thu mua chế biến tinh bột, từ tinh bột chế biến ra miến ép giá. Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, nông dân chỉ bán được 700-800 đồng/kg củ, chỉ bằng một nửa so với năm trước mà cũng rất khó bán, dong riềng vốn nặng, cồng kềnh mà phải chở đến tận cơ sở thu mua thì mới bán được, trong khi đó những năm trước các cơ sở đến tận nơi thu mua rồi vận chuyển về chế biến.
Một ngày, một lao động chỉ có thể thu hoạch được một tạ củ dong riềng, lại phải mất công gánh gồng, thồ, chở xe máy, công nông đến cơ sở thu mua mới bán được 70-80 nghìn đồng, chỉ bằng một nửa so với đi làm các việc khác cho nên đến nay là thời điểm cuối vụ, trên địa bàn tỉnh có gần 200 ha dong riềng mà nông dân chán không muốn thu hoạch.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Hoàng Văn Mão cho biết: “Mùa này nông dân trong huyện vào rừng đào măng nứa, mỗi ngày thu nhập 300-400 nghìn đồng cho nên bỏ không thu hoạch dong riềng. Chúng tôi vận động nông dân dỡ dong riềng để giải phóng đất mà nông dân cũng không làm”.
Không bán được dong riềng, nông dân xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn sau một năm vun trồng, đầu tư chăm sóc mà đến vụ không bán được nên rất bức xúc.
Nhiều người bàn nhau chở dong riềng đến trụ sở “bắt đền” chính quyền xã. Lãnh đạo huyện phải dày công thuyết phục, vận động bà con, rằng tiền thuê xe để vận chuyển dong riềng đến trụ sở xã còn cao hơn giá bán nên bà con mới nguôi bức xúc.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn Hà Văn Khoát cho biết: Ngay từ giữa năm 2013 bản thân tôi đã tiên liệu diện tích trồng dong riềng tăng đột biến, sản lượng nhiều, tiêu thụ không hết sẽ bị các cơ sở thu mua ép giá nên đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn, ngành chức năng, các địa phương yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến dong riềng, đặc biệt là những cơ sở được ngân sách, dự án hỗ trợ vốn mua sắm thiết bị, tập huấn nghề phải tìm mọi cách tiêu thụ hết sản phẩm, không được ép giá nông dân. Nhưng cuối cùng vẫn không đạt yêu cầu đề ra. Từ năm 2014 phải tổ chức lại từ việc trồng đến chế biến dong riềng.
Trước mắt, Bí thư Khoát yêu cầu năm 2014 toàn tỉnh chỉ trồng 1.700 ha dong riềng (giảm 1.200 ha so với năm trước), trồng ở những nơi gần đường giao thông, tiện vận chuyển để giảm chi phí. Các cơ sở chế biến dong riềng trong tỉnh phải có cam kết giá thu mua dong riềng hợp lý để nông dân yên tâm; tăng cường tuyên truyền, quảng bá miến dong Bắc Cạn có thương hiệu là chứng nhận nhãn hiệu tập thể để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Trong khi giá dong riềng xuống rất thấp thì năm 2013, Công ty TNHH Hoàng Giang có Nhà máy chế biến tinh bột, miến dong ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể vẫn thực hiện nghiêm cam kết thu mua cho nông dân với giá 1.200 đồng/kg ở những nơi công ty này hỗ trợ vốn ban đầu cho nông dân trồng, chăm sóc.
Tuy nhiên, công ty này ký cam kết về giá với nông dân chỉ tập trung ở một số xã thuộc huyện Ba Bể, sản lượng được thu mua với giá cam kết rất thấp so với số dong riềng của toàn tỉnh.v
Related news
Với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, ít ai nghĩ đây là tiền lãi ông Lê Hoàng Buôl, ấp 7, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) kiếm được từ nghề gặt lúa mướn. Ông không gặt thủ công tốn kém mà gặt mướn bằng máy gặt đập liên hợp.
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) về đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho khu vực miền núi phía Bắc để thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hôm qua 13.8, tại xã Tam Thành (Phú Ninh), Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả của các mô hình sản xuất trình diễn giống lúa thơm chất lượng cao SV181.
Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị), nhiều người dân đã phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, trong đó, hợp tác xã (HTX) Thống Nhất (khu phố 4, thị trấn Cam Lộ) là đơn vị tiên phong với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, những hộ nuôi vịt đẻ trên địa bàn TX. Gò Công và huyện Gò Công Tây đứng ngồi không yên vì giá trứng vịt giống giảm. Nhiều người đã phải bán đi đàn vịt đẻ của mình vì thua lỗ.