Kinh Nghiệm Luân Canh Rau Màu Của Nông Dân Hải Dương

Những năm qua, tại tỉnh Hải Dương đã hình thành và phát triển nhiều vùng rau màu chuyên canh, điển hình như vùng rau Đồng Gia, Tam Kì huyện Kim Thành, trên 10 vùng rau tại huyện Gia Lộc, Vùng rau Phạm Kha huyện Thanh Miện, vùng rau Nhân Huệ thị xã Chí Linh...
Qua nhiều năm thâm canh rau màu, từ những thành công cũng như thất bại gặp phải, nông dân nơi đây đã học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm hay và phát triển sản xuất rau theo hướng luân canh tốt hơn. Nhiều vụ rau màu đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm quý báu đó để nông dân các địa phương tham khảo.
+ Chọn đất, chọn cây: Mỗi loại cây rau màu ưa những chân đất khác nhau: Có cây ưa đất thịt giàu sét, cây lại ưa đất pha cát, đất giàu mùn...Vì vậy, nông dân chuyên canh rau Hải Dương trước khi bố trí một vụ rau màu trên đồng ruộng nhà mình, họ đều tìm hiểu đặc điểm của từng giống, cây từ cán bộ nông nghiệp, từ tài liệu, sách báo, đồng thời xem xét, đánh giá thành phần đất mỗi ruộng để bố trí cây trồng thích hợp.
Ngoài ra, đa số các cây rau ăn lá đều cần đất giàu mùn, đất có thành phần cơ giới nhẹ nên hầu hết các vùng đất chuyên canh rau màu của Hải Dương đều được nông dân chú trọng bổ sung nguồn phân chuồng (phân gà), trấu mục hoặc phân hữu cơ vi sinh hay đổ thêm đất phù sa cho ruộng thêm màu mỡ. Sau mỗi vụ thu hoạch họ không quên để lại thân lá cây trồng, chất thành đống và ủ thành phân bón trả lại ruộng nguồn chất hữu cơ.
Nông dân Bùi Văn Thành – ở thôn Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, cho biết: Mỗi vụ, với diện tích rau màu chuyên canh của cả gia đình là 5 sào, anh mua khoảng 2 tấn phân gà để bón lót ruộng.
Vì thực tế cho thấy, nếu không có phân chuồng cung cấp cho rau thì cày bừa đất rất khó, cây rau màu lại hay bị sâu bệnh, chất lượng, mẫu mã rau không cao, tốn nhiều phân bón hóa học để bón...
Anh còn cho biết thêm, cây rau có thời gian sinh trưởng ngắn lại cho năng suất cao nên nó lấy đi từ đất rất nhiều dinh dưỡng để nuôi cây mà bón phân hóa học nhiều thì rau không chất lượng.
+ Luân canh rau màu: Những năm trước đây, nông dân vùng chuyên canh rau Hải Dương chủ yếu là phát triển độc canh một loại cây trồng nhất định để thuận tiện bán hàng và dễ chăm bón. Song, hầu hết đều gặp thất bại ở những vụ rau liên tiếp sau này. Hiện nay, thông qua cán bộ khuyến nông tư vấn, qua sách, báo, đài họ đã biết cách luân canh 4 vụ rau màu/năm đạt hiệu quả.
Công thức luân canh 4 vụ/năm cũng đã được nhiều Trạm Khuyến nông trong tỉnh lựa chọn để làm mô hình trình diễn cho nông dân. Ví dụ như các công thức luân canh: Dưa chuột xuân - Hành lá - Su hào vụ sớm - Cà chua đông; Cà chua xuân hè - Dưa hấu hè thu - Rau cải dưa - Khoai tây đông; Dưa lê thơm vụ xuân - Đậu đũa – Ớt chỉ thiên - Rau đông ngắn ngày. Thậm chí còn có nhiều hộ bố trí gieo trồng đều là các cây rau ăn lá ngắn ngày. Bà con thâm canh, xen canh quay vòng đất 7-8 vụ/năm đạt 120-130 triệu đồng/ha/năm.
Không như trước đây - dưa hấu nối tiếp dưa hấu, dưa lê hoặc cà chua liền vụ cà chua...Nay nhờ nhận biết được các cây trồng cùng họ và biết cách bố trí các cây trồng khác họ giữa các vụ liền nhau, nên năng suất rau màu luôn cao.
+ Bón phân cân đối: Ngoài nguồn phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh dùng để bón lót cho rau, nông dân chuyên canh rau Hải Dương cũng rất thành thạo về cách lựa chọn phân bón hóa học và bón lót, thúc phân cho rau. Để tránh thất thoát phân hóa học và đỡ tốn công đi bón, bà con bón lót phân hóa học với lượng rất lớn, từ 40-70%.
Họ đúc rút ra kinh nghiệm đó là, càng trồng những cây rau ngắn ngày cho thu hoạch 1 lần thì càng phải quan tâm và bón lót nhiều phân; Các cây rau ăn lá thì cần nhiều phân đạm hơn nhưng vẫn phải có kali đi kèm ở mỗi lần bón để cây rau ít bị sâu bệnh, chất lượng cao hơn...Các cây trồng ăn quả, củ thì thời kì quả chín, củ to phải thúc kali định kì cho mẫu mã quả đẹp, độ ngọt cao hơn, củ quả to hơn...
Với những kinh nghiệm trong nhiều năm, bà con chỉ cần nhìn cây mà bón chứ không cần dùng đến bảng so màu. Thậm chí, các cây rau bị bệnh sinh lý do thiếu vi lượng họ cũng nhận biết khá rõ. Ngoài nguồn phân bón hữu cơ, phân đa lượng đạm, lân, kali, nông dân Hải Dương cũng rất quen thuộc và sử dụng thường xuyên các loại phân siêu vi lượng bón rễ và phun qua lá nhằm đạt một kết quả cao cho chất lượng và mẫu mã rau.
Các loại phân bón được nông dân chọn hình thức bón vùi là chính để cây hấp thu tốt hơn và tránh thất thoát.
+ Phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng: Từ các lớp tập huấn VietGAP do Dự án Q-seap triển khai để hỗ trợ địa phương, hầu hết nông dân các vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn toàn tỉnh đều được trang bị những kiến thức về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, nông dân ở đây đã biết cách giảm thiểu các mối nguy hại trong các khâu sản xuất, nhất là việc sử dụng thuốc BVTV và bón u-rê.
Bà Nguyễn Thị Đông – nông dân vùng rau Nhân Huệ - thị xã Chí Linh cho biết: Do tiếp thu khoa học từ các lớp tập huấn khuyến nông, Dự án rau VietGAP mà bây giờ bà biết chọn thời điểm phun thuốc sâu bệnh, dùng thuốc có vạch độc màu gì, cách ly bao nhiêu ngày...Nhờ vậy, bà đã tiết kiệm được chi phí mua thuốc, giảm công phun thuốc, hiệu quả cao hơn.
Chính quyền địa phương từ huyện cho đến xã đều ghi nhận, đánh giá cao về những kết quả đạt được của nông dân chuyên canh rau màu và quan tâm, ưu tiên về mọi mặt để nông dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Như NNVN từng phản ánh, đợt rét đậm rét hại kèm sương muối năm 2010 đã hạ gục trên 1.000 ha cao su mới trồng tại Hà Giang. Sau cú sốc lớn, tỉnh Hà Giang thận trọng không mở rộng mà chỉ quyết tâm khôi phục diện tích cao su bị chết, nhưng sự đương đầu này quá mạo hiểm.

Còn hơn một tháng nữa là đến mùa trồng sắn, người dân không thể hiểu nổi giá sắn năm nay lại rớt thảm hại như vậy. Những tỉnh trồng nhiều sắn như Lào Cai, Yên Bái hiện còn cả chục ngàn ha sắn, nhổ cũng chết mà không nhổ cũng chết.

Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất nhiễm phèn vốn không phù hợp với việc nuôi cá tra. Vậy mà hiện nay, mỗi năm đã có hàng chục ngàn tấn cá tra được nuôi ở ĐTM nhờ sức sáng tạo của nông dân địa phương. Một hướng đột phá độc đáo đang mở ra triển vọng lớn cho ĐTM và cả nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưa chuộng các loại thịt động vật ngoài những gia súc truyền thống, nhiều hộ dân ở các huyện ngoại thành (TP.HCM) đang rộ lên phong trào nuôi con đặc sản (thỏ, ếch, nhím, cá sấu…) để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu. Nghề này có thể giúp người dân thu lãi lớn nhưng cũng đối mặt với không ít rủi ro...

Thời điểm khoảng 10 năm trước đây, diện tích cây mãng cầu ta tại Bình Thuận lên đến hơn 1.200 ha. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, nhất là do năng suất và chất lượng không như mong đợi nên người trồng chặt bỏ thay thế bằng cây trồng khác. Chính vì vậy mới đây, đơn vị chức năng ở địa phương đã tiến hành thực hiện đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tìm lại “chỗ đứng” cho cây mãng cầu ta…