Nỗi Lo Trong Vụ Tôm Mới Ở Mộ Đức (Quảng Ngãi)

Dọc theo con đường ven biển từ Đức Chánh đến Đức Phong - vùng nuôi tôm tập trung của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), chúng tôi không còn thấy sự bận rộn, hồ hởi của người dân nơi đây khi các hồ tôm đã cạn nước, trơ đáy mặc dù đang vào vụ nuôi tôm chính trong năm...
Hơn một tháng nay, những người nuôi tôm ở Mộ Đức cảm thấy vô cùng bất an vì dường như chuyện dịch bệnh ở tôm đang lập lại ở vùng đất cát khô cằn này.
Anh Phạm Hồng Danh - người nuôi tôm thẻ lâu năm ở Đức Phong cho biết: "Cách đây bốn năm, vào thời điểm sau Tết, tôm vẫn có hiện tượng bỏ ăn, nhưng chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày, mức độ thiệt hại thấp. Năm nay, đa số các hộ nuôi tôm đều thất bại. Nhiều người cho rằng, do giống chất lượng thấp. Thế nhưng, những hộ mua giống của công ty lớn, chuyên sản xuất tôm giống trong Bình Thuận, mà tôm vẫn chết như thường.
Nhiều hộ xử lý đủ cách, dùng đủ loại thuốc, nhưng thả đợt nào thất bại đợt đó. Vụ tôm này gia đình anh Danh thả nuôi 4 hồ khoảng 40 vạn giống. Hiện tôm được 75 ngày tuổi, nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 30%. Với tỷ lệ sống như vậy, nhẩm tính tôi lỗ cả trăm triệu đồng''.
Nhìn dàn máy sục khí trị giá 30 triệu đồng vừa mua, anh Nguyễn Văn Giáo thở dài: “Tôi phơi hồ 2 tuần nay để nghe ngóng các hộ bên cạnh. Chỗ nào nuôi được là tôi chạy sang hỏi thăm đánh thuốc gì, mua giống ở đâu... để chuẩn bị thả lại. Gia đình tôi lo lắm, 3 đợt vừa rồi lỗ hơn 150 triệu đồng". Sợ vụ tôm mới thất thu, anh Giáo vay tiền đầu tư dàn sục khí đáy 30 triệu đồng, với mong muốn tôm chống chọi được dịch bệnh, nhanh lớn, bán có lãi để trả nợ...
Còn ông Nguyễn Lá, xã Đức Minh thì may mắn hơn. Hiện 4 hồ tôm của ông đều qua "ngưỡng" an toàn. Trong đó có 1 hồ chuẩn bị xuất bán. Ông Lá hồ hởi khoe: “Chỉ ít ngày nữa là tôi xuất bán 1 hồ, chắc cũng kiếm được vài trăm triệu. Có được như vậy là do gia đình tôi đầu tư kỹ lưỡng, nuôi đúng quy trình; đồng thời nuôi xen ghép cua xanh, cá dìa, cá đối. Hơn nữa, mật độ thả 50 con/m2 nên mới được như thế này”.
Không chỉ gia đình anh Giáo rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần mà có trên 90% hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi bị thua lỗ. Nhiều gia đình mất vài trăm triệu sau 3 đợt thả giống thất bại.
Theo các hộ nuôi tôm ở xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Chánh, dịch bệnh năm 2012 được xem là đợt dịch nặng nhất từ trước đến nay đã kéo dài sang năm 2013. Vì vậy, đến thời điểm này, chỉ vài ba hộ ở Mộ Đức nuôi tôm phát triển đến tháng thứ 3. Số còn lại, mọi công sức và tiền bạc đều theo dòng nước đổ ra biển...
Trao đổi vấn đề trên với anh Nguyễn Đức Lam - cán bộ Phòng Nông nghiệp Mộ Đức, chúng tôi được biết: Năm 2013, huyện có kế hoạch nuôi 110,4ha, nhưng nhiều khả năng bà con bỏ trống 50 - 60 ha. Nguyên nhân là những vụ trước bà con lỗ nặng do dịch bệnh, nay không có tiền nuôi lại.
Nói về dịch bệnh, anh Lam cho rằng, nguyên nhân là do bà con không thực hiện theo lịch thời vụ mà nuôi liên vụ, coi thường khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nhiều người không tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi tôm vì cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm. Thêm vào đó là môi trường bị ô nhiễm, giống không được kiểm soát kỹ về chất lượng. Nhiều hồ tôm bị nhiễm hội chứng gan tụy, đốm trắng, khiến dịch bệnh lây lan nhanh gây thiệt hại nặng.
Ông Võ Văn Kỷ - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Để tránh dịch bệnh bùng phát, ngành đã khuyến cáo bà con nắm vững kỹ thuật nuôi tôm; chấp hành tốt lịch thời vụ và chú trọng vệ sinh hồ nuôi cho tốt. Tuy nhiên, đến nay người dân mới thả nuôi 264 ha, nhưng có tới 49 ha thả trước lịch thời vụ. Hậu quả là có 30 ha tôm bị dịch bệnh, trong đó 20 ha tôm vùng triều, 10 ha tôm trên cát ở Mộ Đức và Đức Phổ. Đặc biệt là qua 5 mẫu xét nghiệm thì có 4 mẫu dương tính vi rút đốm trắng, đây là vi rút rất nguy hiểm, chưa có giải pháp chữa trị"
Có thể bạn quan tâm

Liên quan đến thông tin liệu có dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp hay không, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Vẫn tiếp tục chương trình này, vì qua thực tiễn thí điểm, kết quả đạt được tương đối tốt và có nhiều ý kiến đề xuất đưa ra thực hiện đại trà.

Sáng sớm ngày 13-3, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lương 51 tuổi tất bật vào mùa thu hoạch thuốc lá vàng sấy. Anh Lương là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu bảo đảm cuộc sống no ấm từ đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Anh vận động gia đình thi đua sản xuất giỏi tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi thật sự ấn tượng trước mô hình kinh tế gia trại phát triển theo hướng bền vững của ông Huỳnh Miên. Hệ thống gia trại được đầu tư xây dựng nề nếp phản ảnh tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, chung tay xây dựng nông thôn mới của người nông dân có gần nửa thế kỷ gắn bó với vùng đất xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước.

Ngày 29-3, tại khu vực biển Ninh Chử - Bình Sơn, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức thả tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, với số lượng 76 vạn con (post 25). Ngoài ra, Trung tâm giống hải sản cấp 1 cũng hỗ trợ thêm 8 vạn con giống tham gia chương trình.

Năm 1984, ông Phạm Quang Hành ở thôn Hòa Bình, xã Hùng Sơn (Thanh Miện - Hải Dương) nuôi thử 5 đàn ong để lấy mật bồi dưỡng sức khoẻ.