Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Thỏ

Ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) ai cũng biết nông dân Nguyễn Hồng Phúc và vợ là bà Trần Thị Lý Mai đã vươn lên từ nghèo khó, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi thỏ và nuôi chim bồ câu.
Ông Phúc cho biết: “Những năm tháng còn trai trẻ tui theo nghề xây dựng đi đây đi đó nhiều, nhưng cũng chỉ đắp đổi cuộc sống cho bản thân. Cách đây 6 năm, vợ tui thấy một người bạn nuôi thỏ thành công nên học tập làm theo. Thế là tui không theo nghề xây dựng nữa, về nhà cùng vợ quyết chí nuôi thỏ”.
Sẵn đất vườn rộng, ông làm chuồng nuôi thỏ và tận dụng chuồng nuôi bò cũ rộng 32 m2 nuôi nhốt 70 cặp bồ câu. Ban đầu ông mua thỏ giống ở Gia Lai về nuôi và làm chuồng theo kiểu tự phát, vừa tốn vật liệu mà việc chăm sóc thỏ lại khó khăn, ít hiệu quả. Nhờ được Hội Nông dân và ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật nuôi thỏ, rồi ông tham khảo thêm sách, báo, làm chuồng và chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Thức ăn cho thỏ chủ yếu là cỏ và rau lang, rau muống trồng trên 500 m2 đất ruộng và vườn nhà. Nhờ chăm sóc tốt, đàn thỏ luôn khỏe mạnh, chóng lớn.
Ông Phúc cho biết thêm: Chăn nuôi thỏ có ưu điểm là chuồng trại đầu tư đơn giản, quy trình kỹ thuật chăn nuôi dễ dàng, mỗi cặp thỏ giống có thể đẻ từ 6 - 7 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 7 con, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi. Thỏ thường bị bệnh xuất huyết đường ruột nên cần thực hiện tốt khâu tiêm phòng; ngoài ra 1 tuần phun thuốc khử trùng chuồng trại 1 lần, và vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Tui vừa mới xuất 2 tạ thịt thỏ (khoảng 100 con, bình quân 2 kg/con) với giá 80.000 đồng/kg.
Hiện ông Phúc đang nuôi giống thỏ NewZealand và giống thỏ California (Mỹ) do Trạm Thực nghiệm gia súc lớn và đồng cỏ Long Mỹ chuyển giao. Đàn thỏ của gia đình ông gần 350 con, trong đó có 55 con nái đẻ và 6 con đực giống. Bình quân tháng nào ông cũng xuất 2 tạ thịt thỏ cho khách hàng, thu về 16 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50%. Không chỉ thu nhập từ thỏ, mỗi tháng từ bán bồ câu giống ông còn thu nhập thêm 2 triệu đồng. Ông Phúc đang liên hệ với địa phương xin thuê thêm đất để mở rộng cơ sở nuôi thỏ lên thành trang trại trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.

Với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với gia cầm của gia đình thương binh Phí Văn Chắc (thôn Phú Bắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.

Sau thời gian sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 180.000 đ/tạ- 60kg, thì hơn tuần nay giá khoai lang tím Nhật tại Bình Tân (Vĩnh Long) đã tăng trở lại với mức giá từ 400.000 - 500.000 đ/tạ.

Đứng trước vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất cây cao su, để hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá, giảm sức đầu tư cho vườn cây, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã đưa ra nhiều khuyến cáo và có giải pháp giúp doanh nghiệp cũng như bà con có định hướng tốt nhất trước những diễn biến bất lợi như hiện nay…