Nỗi buồn rong mơ
Ồ ạt khai thác…
Thời điểm này, từ sáng sớm, hàng trăm người dân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã có mặt tại bãi biển với nhiều dụng cụ thuyền thúng, kính bơi, lưới vợt. Đó là cách họ khởi đầu ngày mới với công việc hái rong mơ để lấy tiền “tươi” một cách dễ dàng vào thời điểm đầu mùa nóng.
Vừa tấp vào bờ với chiếc thúng đã đầy ụ rong mơ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh khoe rằng đó là thành quả sau 30 phút ngụp lặn dưới làn nước mặn cách bờ hơn 25 mét. “Với giá 5 - 6 nghìn/kg rong đã phơi khô như bây giờ thì hai người làm cả ngày cũng bỏ túi hơn 200 nghìn đồng/người. Khỏe hơn đi thúng đánh lưới nhiều, nên cứ khoảng đầu tháng 5 là vợ chồng tôi rủ nhau đi hái rong mơ kiếm thêm thu nhập”- anh Thanh chia sẻ.
Vừa nói dứt câu, anh Thanh liền giục vợ kéo thúng nhanh vào bờ để phơi “lộc biển” vừa mới hái được ở ngay trên bờ biển. Hai đứa con đang độ tuổi học tiểu học của vợ chồng anh, những buổi không phải tới trường, cũng được “điều động” đến phụ giúp bố mẹ phơi rong. Vừa đổ xong thúng rong đầy ụ, vợ chồng anh Thanh quày quả lôi thúng ra biển tiếp tục công việc hái rong. “Phải tranh thủ chứ không người ta hái hết chỗ gần, mình lại phải bơi ra xa. Giờ càng ngày rong càng hiếm rồi!”- anh Thanh quay đầu nói lại, bước chân tiến về phía biển mỗi lúc một nhanh.
Đúng như lời anh Thanh nói, nếu như trước đây, người dân chỉ cần bước ra biển chừng 5 - 10 mét, sau một cái với tay xuống làn nước mặn đã có thể vớt được từng mảng rong mơ nặng trịch. Nhưng 5 năm trở lại đây, khi biết được nguồn lợi thu nhập từ rong mơ đem lại, người dân ở nhiều xã ven biển như Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải… đã ồ ạt khai thác. Chính vì vậy, cứ qua mỗi mùa rong mơ, người dân lại phải bơi thúng ra biển ngày một xa hơn nhưng khối lượng rong hái được cũng ngày một vơi dần.
…nhưng không tính đến hậu quả
Chứng kiến cảnh người người, nhà nhà đổ ra bờ biển hái rong mơ, phơi khô để đem bán cho các thương lái, cụ ông Trần Tuyền nay đã ngoài 90 tuổi xót xa: “Ngày xưa, loại rong này chả ai đụng tới. Đến nỗi, rong chín già, bứt gốc nổi lềnh bềnh tấp vào bờ biển dày đặc vào độ tháng 6 - 7. Giờ thì chúng được người dân chủ động đi hái ở ngay ngoài biển khi mới nhú. Rong cũng được phơi đen ngòm, dày đặc ngoài bờ biển, nhưng…”. Sau câu nói bỏ lửng, ông Tuyền xua tay, thở dài.
Là người dân bản xứ, quanh năm được biển vỗ về, ông Tuyền và nhiều người khác đều biết được tác dụng hữu ích của rong mơ. Loại rong này thường sống bám vào rạn san hô, các tảng đá ngầm dưới biển. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều hải sản. Người dân khai thác rong bằng cách lặn xuống rạn để bứt hoặc cắt. Khi bứt một bụi rong thường đồng thời cũng giật vỡ đổ một tảng san hô hoặc đạp chân lên san hô, lên tảng đá nên không tránh khỏi làm vỡ đổ rạn san hô hoặc làm nát nơi cư trú của tôm cá. Chính vì vậy, tình trạng khai thác rong mơ mỗi ngày thêm tràn lan, thì các sản vật từ biển như tôm, cá… cũng dần thưa thớt.
Để hạn chế tình trạng khai thác không tính đến hậu quả, chính quyền địa phương đã có thời gian quy định khai thác rong mơ với cách thức phù hợp, không tận diệt loại rong biển hữu ích này. Riêng UBND huyện Bình Sơn đã quy định không được khai thác rong trước ngày 20.6. Đây là thời điểm thu hoạch rong tốt nhất, sản lượng cao nhất, vừa làm sạch biển, tránh cho tàu bè không gặp nguy hiểm khi bị rong quấn vào bánh lái. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn “vô tư” khai thác, đem phơi và bán cho các thương lái với giá cao.
Bởi theo nhiều người dân địa phương, nếu đợi đến thời điểm chính quyền địa phương cho phép, thì rong đã già và giá bán sẽ bị hạ thấp. Nên chỉ khi rong mới nhú, đang độ phát triển thì người dân mới đua nhau đi hái, bứt để có thu nhập cao. Đây là thực trạng đáng buồn, trong khi người dân địa phương đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá, thì ở một số nước lân cận như: Nhật Bản, Hàn Quốc… lại đang bắt tay vào việc trồng, bảo tồn rong mơ để tạo điều kiện phát triển nguồn sinh thái biển ngày càng đa dạng.
Có thể bạn quan tâm
Xuất phát từ nhu cầu trồng trọt bằng giống cây sạch bệnh, chất lượng cao nên việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật cung cấp cho nông dân đang trở thành xu hướng phát triển ở nhiều tỉnh, thành. Tại Bình Thuận, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN Bình Thuận (Sở Khoa học - Công nghệ) hiện là đơn vị đi đầu và làm chủ công nghệ nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật.
Những ngày này đang bước vào thời điểm chính của vụ thu hoạch ớt, nên lượng ớt thu mua hàng ngày tại các đại lý rất lớn. Ông Trương Chiến, ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, T.p Quảng Ngãi - một trong những điểm thu mua ớt lớn nhất nhì trong tỉnh cho biết: Vào đầu vụ thu hoạch là từ tháng 3, lượng ớt mua của người dân chỉ từ 20 - 30 tấn/ngày. Riêng hơn 2 tuần nay lên đến 60 tấn/ngày.
Hàng trăm hộ nông dân huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đang lỗ nặng vì đua nhau chuyển đổi lúa, bắp sang trồng khoai lang tím Nhật Bản.
Vào thời điểm này, nông dân xã Bình Hòa - huyện Tây Sơn - tỉnh Bình Định đang thu hoạch ớt rộ; bà con rất vui vì ớt được mùa, được giá. Nông dân Nguyễn Văn Liễu - ở thôn Vĩnh Lộc, đang thu hoạch ớt trên diện tích hơn 3 sào của gia đình- phấn khởi cho biết: “Năm năm về trước, nông dân Vĩnh Lộc chuyên về cây đậu phụng và cây bắp lai, gần đây chuyển sang đầu tư thâm canh cây ớt.
Trong các năm gần đây, nhiều bà con nông dân TP Cà Mau đã tận dụng diện tích bờ vuông tôm, ruộng lúa, ao cá để phát triển trồng hoa màu. Đây là mô hình phụ nhưng đem lại cho nhiều hộ nông dân nguồn thu nhập không nhỏ, các mô hình này đang được các cấp hội nông dân thành phố nhân rộng.