Nỗi buồn rong mơ

Ồ ạt khai thác…
Thời điểm này, từ sáng sớm, hàng trăm người dân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã có mặt tại bãi biển với nhiều dụng cụ thuyền thúng, kính bơi, lưới vợt. Đó là cách họ khởi đầu ngày mới với công việc hái rong mơ để lấy tiền “tươi” một cách dễ dàng vào thời điểm đầu mùa nóng.
Vừa tấp vào bờ với chiếc thúng đã đầy ụ rong mơ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh khoe rằng đó là thành quả sau 30 phút ngụp lặn dưới làn nước mặn cách bờ hơn 25 mét. “Với giá 5 - 6 nghìn/kg rong đã phơi khô như bây giờ thì hai người làm cả ngày cũng bỏ túi hơn 200 nghìn đồng/người. Khỏe hơn đi thúng đánh lưới nhiều, nên cứ khoảng đầu tháng 5 là vợ chồng tôi rủ nhau đi hái rong mơ kiếm thêm thu nhập”- anh Thanh chia sẻ.
Vừa nói dứt câu, anh Thanh liền giục vợ kéo thúng nhanh vào bờ để phơi “lộc biển” vừa mới hái được ở ngay trên bờ biển. Hai đứa con đang độ tuổi học tiểu học của vợ chồng anh, những buổi không phải tới trường, cũng được “điều động” đến phụ giúp bố mẹ phơi rong. Vừa đổ xong thúng rong đầy ụ, vợ chồng anh Thanh quày quả lôi thúng ra biển tiếp tục công việc hái rong. “Phải tranh thủ chứ không người ta hái hết chỗ gần, mình lại phải bơi ra xa. Giờ càng ngày rong càng hiếm rồi!”- anh Thanh quay đầu nói lại, bước chân tiến về phía biển mỗi lúc một nhanh.
Đúng như lời anh Thanh nói, nếu như trước đây, người dân chỉ cần bước ra biển chừng 5 - 10 mét, sau một cái với tay xuống làn nước mặn đã có thể vớt được từng mảng rong mơ nặng trịch. Nhưng 5 năm trở lại đây, khi biết được nguồn lợi thu nhập từ rong mơ đem lại, người dân ở nhiều xã ven biển như Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải… đã ồ ạt khai thác. Chính vì vậy, cứ qua mỗi mùa rong mơ, người dân lại phải bơi thúng ra biển ngày một xa hơn nhưng khối lượng rong hái được cũng ngày một vơi dần.
…nhưng không tính đến hậu quả
Chứng kiến cảnh người người, nhà nhà đổ ra bờ biển hái rong mơ, phơi khô để đem bán cho các thương lái, cụ ông Trần Tuyền nay đã ngoài 90 tuổi xót xa: “Ngày xưa, loại rong này chả ai đụng tới. Đến nỗi, rong chín già, bứt gốc nổi lềnh bềnh tấp vào bờ biển dày đặc vào độ tháng 6 - 7. Giờ thì chúng được người dân chủ động đi hái ở ngay ngoài biển khi mới nhú. Rong cũng được phơi đen ngòm, dày đặc ngoài bờ biển, nhưng…”. Sau câu nói bỏ lửng, ông Tuyền xua tay, thở dài.
Là người dân bản xứ, quanh năm được biển vỗ về, ông Tuyền và nhiều người khác đều biết được tác dụng hữu ích của rong mơ. Loại rong này thường sống bám vào rạn san hô, các tảng đá ngầm dưới biển. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều hải sản. Người dân khai thác rong bằng cách lặn xuống rạn để bứt hoặc cắt. Khi bứt một bụi rong thường đồng thời cũng giật vỡ đổ một tảng san hô hoặc đạp chân lên san hô, lên tảng đá nên không tránh khỏi làm vỡ đổ rạn san hô hoặc làm nát nơi cư trú của tôm cá. Chính vì vậy, tình trạng khai thác rong mơ mỗi ngày thêm tràn lan, thì các sản vật từ biển như tôm, cá… cũng dần thưa thớt.
Để hạn chế tình trạng khai thác không tính đến hậu quả, chính quyền địa phương đã có thời gian quy định khai thác rong mơ với cách thức phù hợp, không tận diệt loại rong biển hữu ích này. Riêng UBND huyện Bình Sơn đã quy định không được khai thác rong trước ngày 20.6. Đây là thời điểm thu hoạch rong tốt nhất, sản lượng cao nhất, vừa làm sạch biển, tránh cho tàu bè không gặp nguy hiểm khi bị rong quấn vào bánh lái. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn “vô tư” khai thác, đem phơi và bán cho các thương lái với giá cao.
Bởi theo nhiều người dân địa phương, nếu đợi đến thời điểm chính quyền địa phương cho phép, thì rong đã già và giá bán sẽ bị hạ thấp. Nên chỉ khi rong mới nhú, đang độ phát triển thì người dân mới đua nhau đi hái, bứt để có thu nhập cao. Đây là thực trạng đáng buồn, trong khi người dân địa phương đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá, thì ở một số nước lân cận như: Nhật Bản, Hàn Quốc… lại đang bắt tay vào việc trồng, bảo tồn rong mơ để tạo điều kiện phát triển nguồn sinh thái biển ngày càng đa dạng.
Related news

Những ngày gần đây, cá linh non - sản vật thiên nhiên đặc trưng của mùa nước nổi - đã xuất hiện ở một số địa điểm trên sông Tiền thuộc địa phận các huyện đầu nguồn như thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang, thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự của Tỉnh Đồng Tháp.

Sau bốn tháng thả nuôi, nhiều hộ nuôi cá chạch bùn (còn gọi là cá chạch sụn, cá chạch Đài Loan) ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đang bước vào giai đoạn thu hoạch, nhưng giá cá đã giảm khoảng 200.000 đồng/kg, hiện cá loại 20 đến 25 con/kg còn khoảng 80.000 - 90.000/kg.

Trong công tác quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và sở hữu trí tuệ, đơn vị tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm đánh giá trình độ công nghệ cho 6 doanh nghiệp và 3 đơn vị sở, ngành tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ 1 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ASC và GlobalGAP trong nuôi trồng thủy sản với số tiền 120 triệu đồng.

Để nâng cao năng suất cây trồng, chuyển đổi phần diện tích đất trồng lúa, màu kém hiệu quả của bà con, vụ xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình chuyển đổi trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các giống ngô lai đơn NK4300 và NK6654 với quy mô 10ha tại 3 thôn: Pắc Chi, Pặc Pùng và Bản Ngày (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) với sự tham gia của 50 hộ nông dân.

Giống cây ăn quả này được đưa về trồng thử nghiệm tại tỉnh ta từ năm 2010 với 9 hội viên. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 400 hộ gia đình trồng thanh long RĐLĐ1 với tổng diện tích 72,4 ha, 79.632 trụ, trong đó có 42 hộ trồng quy mô hơn 500 trụ trở lên. Các địa phương trồng thanh long RĐLĐ1 quy mô tập trung như: Thạch Thành, Hà Trung, Yên Định, thị xã Bỉm Sơn.