Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗ lực tự chủ nguyên liệu điều

Nỗ lực tự chủ nguyên liệu điều
Ngày đăng: 27/10/2015

Ngoài nguồn nguyên liệu trong nước, hiện các doanh nghiệp đã phải nhập một lượng lớn điều nguyên liệu từ châu Phi hoặc Indonesia để đảm bảo có nguồn cung xuất khẩu ổn định. 

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy (Bình Dương).

Nâng cao năng suất

Để ổn định được nguồn nguyên liệu điều phục vụ tốt cho chế biến xuất khẩu, các ngành chức năng và bản thân doanh nghiệp đang tìm mọi cách để xây dựng ổn định nguồn nguyên liệu trong nước.

Ông Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây điều, cho biết sau khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật bao gồm: thâm canh, tỉa cành, tạo tán, chế độ phân bón hợp lý… nhiều vườn điều đã đạt năng suất từ 2 - 3 tấn/ha. 

Nếu như năm 2014, năng suất điều chỉ đạt trung bình khoảng 1,2 tấn/ha với tổng sản lượng 345.000 tấn thì sang năm 2015 năng suất điều đã tăng lên 1,3 tấn/ha, sản lượng đạt 400.000 tấn. 

Không chỉ năng suất tăng, chất lượng hạt điều sản xuất trong nước cũng đã được cải thiện và nhận được nhiều đánh giá cao từ các bạn hàng.

“Riêng về công tác giống, chúng tôi cũng đã công nhận một số giống điều mới, các giống sản xuất tạm thời, mạnh dạn cho sản xuất giống thử nghiệm… tiến tới cung cấp các loại giống điều cao sản cho nhà nông. 

Tỉnh Bình Phước - thủ phủ của cây điều vừa công nhận 3 vườn giống PN1, MH4/5, MH5/4 đầu dòng và xác định được một số cây điều có năng suất, chất lượng hạt tốt.

Tương tự các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đã xác định được những cây điều có năng suất, chất lượng hạt tốt làm cây đầu dòng đặt cơ sở phục vụ ghép cải tạo”, ông Khanh cho hay.

Theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp, tổng diện tích cây điều có độ tuổi trên 20 năm đang chiếm khoảng 24% trong tổng số 330.000 ha điều cả nước.

Hiện có tới 97 - 98% hộ gia đình có cây điều già cho năng suất thấp đã chuyển sang trồng cây trồng khác như cao su và hồ tiêu để có giá trị kinh tế cao hơn. 

Thực tế, mặc dù có nhiều vườn điều đạt năng suất cao nhưng vẫn còn nhiều vườn điều năng suất rất thấp đã dẫn đến năng suất bình quân không cao. 

9 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu điều đạt khoảng 18 tỉ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhờ sự tăng trưởng của hàng loạt các thị trường như: Đức, Thái Lan, Hoa Kỳ… tính chung 9 tháng qua giá hạt điều xuất khẩu cũng tăng hơn 10%. Dự báo trong năm nay, lần đầu tiên ngành điều Việt Nam sẽ đánh dấu mốc quan trọng khi chiếm đến gần 50% tổng giá trị nhân điều xuất khẩu toàn cầu.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tập trung vào công tác khuyến nông, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phục hồi canh tác, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tăng năng suất cây trồng

. Chủ trương của Bộ thời gian tới là tập trung đầu tư, đẩy mạnh chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, thực hiện thâm canh, cải tạo vườn điều, siết chặt công tác quản lý giống tiếp tục đưa năng suất, chất lượng điều đi lên”, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết.

Chính sách hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ cho chương trình thâm canh cải tạo vườn điều và nghiên cứu giống, hỗ trợ nông dân trồng điều..., ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu điều. 

Khi hình thành, mỗi năm quỹ sẽ thu về khoảng 600.000 USD từ các nguồn: hỗ trợ của Nhà nước, phần thu từ xuất khẩu của tất cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều (1 USD/tấn điều xuất khẩu), nguồn tài trợ… 

Ngoài chi cho việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị chế biến điều, nâng cao chất lượng sản phẩm… phần lớn kinh phí từ quỹ sẽ dành cho việc phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng, năng suất điều.

“Năm nay Bộ NN&PTNT đã giúp Hiệp hội hỗ trợ kinh phí triển khai dự án khuyến nông ghép cải tạo vườn điều.

Chúng tôi đã thuê chuyên gia đánh giá kết quả dự án và chủ động triển khai nhanh 100 điểm ghép cải tạo.

Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu điều sớm đi vào hiện thực sẽ giúp ngành ổn định được sản xuất, cũng như hạn chế được một số rủi ro trong mua bán, xuất khẩu điều”, ông Thanh nói thêm.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp vừa phê duyệt “Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020”.

Hiện các ngành chức năng đang phối hợp với Hiệp hội điều Việt Nam, địa phương trồng điều… thực hiện quyết liệt đề án nỗ lực giúp nông dân sống tốt với cây điều. 

Riêng về vấn đề tăng năng suất, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ phải tiến hành ghép cải tạo thật nhanh phấn đấu đưa năng suất lên gần 2 tấn/ha. 

Ngành đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trồng tái canh, cải tạo, khôi phục và trồng mới bao gồm: hỗ trợ cây giống đạt tiêu chuẩn cho nông dân được sản xuất từ các đơn vị cung ứng giống chỉ định; hỗ trợ phân bón, lãi suất vay ưu đãi khi trồng tái canh hoặc cải tạo, khôi phục và trồng mới giống có chất lượng…

“Trong tương lai, vấn đề tái cơ cấu ngành điều nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm sẽ được tập trung làm mạnh.

Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là đến năm 2020, cả nước sẽ có tổng diện tích điều hơn 350.000 ha, trong đó diện tích thu hoạch chiếm 85%, năng suất bình quân đạt khoảng 1,5 tấn/ha, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điều đạt 2,5 tỷ USD…”, ông Thanh cho hay.


Có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi thành công đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản Chuyển đổi thành công đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt việc chuyển đổi diện tích đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng NTTS tập trung đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM của huyện.

10/09/2015
Bấp bênh trồng lúa trên đất nuôi tôm Bấp bênh trồng lúa trên đất nuôi tôm

Nhiều năm qua, mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL được nhiều nông dân áp dụng. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, hệ thống thủy lợi… Vì vậy, việc sản xuất chưa được như mong muốn.

10/09/2015
Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng mạnh Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng mạnh

Hiện nay đang vào mùa mưa, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bước vào vụ thả tôm nuôi mùa nước lợ. Đối tượng thả nuôi năm nay chủ yếu là tôm càng xanh, do vụ mùa qua, nhiều nông dân trúng đậm vụ tôm càng xanh trên ruộng lúa, nhiều hộ đạt lợi nhuận gần 30 triệu đồng/ha.

10/09/2015
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong vòng xoáy giá giảm Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong vòng xoáy giá giảm

Ngày 4/9/2015, Bộ NN và PTNT tổ chức cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh XK nông lâm thủy sản do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì. Đại diện VASEP, Phó Tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam đã báo cáo về tình hình XK thủy sản 8 tháng đầu năm và kiến nghị giải pháp thúc đẩy thủy sản, đặc biệt trong bối cảnh nông sản nói chung và thủy sản nói riêng đang chịu trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp.

10/09/2015
Các lều nước mắm nhộn nhịp trong vụ cá nam Các lều nước mắm nhộn nhịp trong vụ cá nam

Từ đầu vụ cá nam đến nay, sản lượng khai thác cá cơm của ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận) đạt năng suất cao. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho những người trực tiếp đánh bắt, mà các cơ sở sản xuất nước mắm cũng phấn khởi vì có đủ nguyên liệu cho vụ muối chượp 2015.

10/09/2015