Trồng thanh long trên vùng đất phèn và những vấn đề đặt ra
Diện tích tăng nhanh
Về xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước) trong những ngày của tháng 10 này, đi dọc tuyến đường Nam kinh Tràm Mù về UBND xã, trước mắt chúng tôi là những vườn thanh long trải dài ngút ngàn.
Nhiều diện tích khác đã được xây trụ xi măng chuẩn bị trồng thanh long.
Anh Ngũ Tấn Lũy, ngụ ấp 2, xã Thạnh Tân cho biết, cách đây 3 năm khi thấy nhiều nông dân trong vùng lên liếp trồng thanh long nên anh trồng theo.
Lúc đầu, anh chưa có kinh nghiệm nên khi trồng xuống không ít cây bị chết, xử lý cho trái nghịch vụ đợt đầu đạt năng suất không cao.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn, hội thảo và học hỏi những người đi trước nên giờ đây vườn thanh long của anh Lũy phát triển rất tốt.
Qua 2 năm rưỡi trồng, dù cho trái chưa nhiều nhưng năm 2014 vườn thanh long 1,5 ha của anh đã cho thu hoạch bán được 600 triệu đồng.
Năm nay, thanh long cho trái nhiều hơn nên anh ước khả năng thu hoạch bán được khoảng 800 triệu đồng.
“Từ khi thanh long cho trái đến giờ, vườn của tôi chỉ bị lỗ 1 lần, các đợt thu hoạch trái còn lại đều có lời.
Qua ngần ấy thời gian trồng, tôi thấy cây thanh long phát triển tốt trên vùng đất này.
Vì thế, tôi sẽ chuyển 1,5 ha đất trồng khóm còn lại lên mô trồng thanh long”.
Anh Ngũ Tấn Lũy, xã Thạnh Tân đang chăm sóc thanh long.
Anh Nguyễn Duy Khiêm, cán bộ Nông nghiệp xã Thạnh Tân cho biết, cây thanh long xuất hiện trên địa bàn xã cách nay 4 năm với 7 ha, hiện nay đã phát triển lên 60 ha.
Cũng như Thạnh Tân, nhiều xã khác của huyện Tân Phước diện tích trồng thanh long cũng đang phát triển khá nhanh.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phòng NN&PTNT huyện cho biết, dù xuất hiện khoảng 4 năm nay nhưng thanh long chỉ phát triển mạnh trong 2 năm trở lại đây, tập trung ở các xã: Tân Lập 1 (60 ha), Thạnh Tân (60 ha), Hưng Thạnh (40 ha), Thạnh Mỹ (20 ha), Tân Hòa Đông (20 ha)...
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, đầu năm 2014 huyện có 80 ha thanh long, hiện tại có 254 ha (80% diện tích là thanh long ruột đỏ).
Hiện cây trồng này đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều diện tích đã được lên liếp, mô, lắp trụ xi măng chuẩn bị trồng thanh long.
Vấn đề đặt ra và giải pháp
Theo ngành Nông nghiệp huyện Tân Phước, thời gian qua, một số mô hình trồng thanh long được đầu tư bài bản, trồng đúng quy trình kỹ thuật đang phát triển rất tốt, hiệu quả kinh tế khá cao (có mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP), giúp người dân trên địa bàn dần định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long.
Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cây trồng này trên vùng đất phèn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Theo ghi nhận từ ngành Nông nghiệp huyện, sau khoảng 4 năm xuất hiện và phát triển trên vùng đất này, đến nay cây thanh long đã có mặt và phát triển rộng khắp 11 xã trong huyện nhưng phần lớn là trồng manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát, trong đó có những vùng đất còn nhiễm phèn nặng, chất lượng nguồn nước không bảo đảm cho cây trồng này phát triển.
Bên cạnh đó, do chạy theo phong trào, không ít nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long nên chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật lên liếp, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như xử lý ra hoa, cho trái; cơ sở hạ tầng hạn chế.
Vì thế, những vườn thanh long này chỉ cho trái mùa thuận nên đầu ra, giá cả khá bấp bênh.
Trong khi đó, việc trồng thanh long trên vùng đất phèn đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao so với các loại cây trồng khác.
Do phát triển nhanh diện tích, trong khi kỹ thuật trồng, khâu chăm sóc, xử lý cho trái và phòng trừ sâu bệnh của người trồng hạn chế nên hiện nay đã có một số diện tích xuất hiện sâu bệnh, nhất là bệnh đốm nâu.
Không chỉ thế, ông Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, tại hội thảo về phát triển bền vững thanh long trên huyện Tân Phước vừa qua, các nhà chuyên môn cho rằng một số vườn lên liếp, mô trồng thanh long thấp, sau thời gian trồng rễ cây có khả năng ăn đụng tầng phèn sẽ làm cho cây bị chựng phát triển.
Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước tưới chủ yếu từ mương phèn; trồng không đúng kỹ thuật cũng sẽ làm cho cây phát triển không tốt.
Từ đó, các nhà khoa học khuyến cáo, để phát triển bền vững cây thanh long trên vùng đất phèn, vấn đề quan tâm là quy hoạch vùng trồng; nông dân chỉ nên trồng thanh long ở những nơi thổ nhưỡng, nguồn nước tưới bảo đảm cho cây phát triển bình thường.
Nếu trồng thanh long ở những nơi các điều kiện trên không bảo đảm, nhà vườn cần xử lý độ phèn trong đất và nước bảo đảm phù hợp trước khi trồng, tưới cho cây; trồng trong ô bao để tránh nước lũ; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý cho trái và phòng trừ sâu bệnh.
Thêm vào đó, việc phát triển thanh long cần theo sát nhu cầu, định hướng thị trường, bảo đảm chất lượng trái là rất cần thiết trong tình hình cây thanh long đang phát triển mạnh ở nhiều nơi trong nước và thế giới.
Trước các vấn đề đặt ra trên, thời gian qua, huyện Tân Phước cùng các cấp, các ngành tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý cho trái, cũng như phòng trừ sâu bệnh.
Hiện nay, huyện Tân Phước đã xác định thanh long là cây ăn trái ưu tiên phát triển trong thời gian tới với dự kiến mở rộng diện tích trồng lên trên 1.000 ha vào năm 2020.
Để phát triển thanh long hiệu quả, bền vững, ngành Nông nghiệp huyện đã tham mưu cho lãnh đạo huyện đề xuất với tỉnh cho tiến hành Dự án lập quy hoạch phát triển bền vững cây thanh long giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện.
Trong thời gian chờ tỉnh cho chủ trương lập dự án, trước mắt, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục tổ chức hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long cho nông dân, khuyến cáo nông dân chỉ trồng thanh long ở những nơi điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước thích hợp cho cây trồng này phát triển; trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây đúng quy trình và kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Điều Việt Nam vừa có văn bản khẩn cảnh báo doanh nghiệp chế biến xuất nhập khẩu hạt điều về giá cả và thị trường xuất khẩu Trung Quốc.
Một số chủ lồng nuôi khẳng định, cá chết một phần do nguồn nước thải chưa qua xử lý tại khu vực chợ, khu dân cư chạy theo hệ thống cống rãnh đổ xuống khu vực chân cầu Lăng Cô. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở thôn Hói Mít, Hói Dừa sau khi lén lút thu hoạch tôm chân trắng đã xả nước thải xuống đầm Lập An, ảnh hưởng đến nguồn nước vùng nuôi cá mú
Xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có làng thanh niên lập nghiệp gồm 100 hộ sinh sống với diện tích đất nông nghiệp gần 550 ha
Dễ trồng, đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế rất cao. Đó là đánh giá về hiệu quả trồng cây măng tây xanh của người dân phường Văn Hải, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Quốc đảo Philippines từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp dừa và các sản phẩm từ dừa lớn nhất thế giới. Một phần ba dân số của Philippines sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp dừa. Nhóm phóng viên VTC16 đã đến tìm hiểu về ngành công nghiệp đã đem lại kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đất nước này.