Nỗ lực truy tận gốc chất tạo nạc
Trước vụ việc một số người chăn nuôi heo dùng chất tạo nạc để trục lợi bất chính diễn ra trên diện rộng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc truy tận nơi sản xuất chất cấm này. Bước đầu đã hé lộ những đối tượng vi phạm.
Người chăn nuôi nói không với chất tạo nạc
Tại Hội thảo “Nuôi heo nạc không sử dụng chất cấm”, do Phân viện Chăn nuôi Đông Nam bộ, Hiệp hội Chăn nuôi và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Đồng Nai tổ chức ngày 24/8, hơn 300 hộ chăn nuôi heo đã ký cam kết chăn nuôi không sử dụng chất cấm.
Bà Bùi Thị Nhị (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) - chủ hộ chăn nuôi gia đình ký cam kết không sử dụng chất tạo nạc trong đợt này - bày tỏ: Một số hộ chăn nuôi heo bị thương lái dụ dùng chất tạo nạc để nuôi heo kiếm lời là hành vi bất chính, gây ảnh hưởng đến toàn ngành chăn nuôi. Để loại bỏ tình trạng làm ăn gian dối này, nhà nước nên xử lý mạnh tay cả người chăn nuôi lẫn người bán thuốc cấm.
Theo ông Bùi Duy Hoàng (phụ trách Câu lạc bộ chăn nuôi heo tại thị xã Long Khánh), nhà nước nên có cách tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ chất cấm, tránh nguy cơ người tiêu dùng “tẩy chay” sản phẩm chăn nuôi của cơ sở làm ăn chân chính.
Ông Đỗ Đình Sĩ (một hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất) đề nghị, không chỉ có hơn 300 hộ nuôi heo ký kết mà tất cả người chăn nuôi heo ở Đồng Nai đều phải cam kết như vậy nếu không muốn ngành này bị phá sản.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang - cho rằng, việc yêu cầu người chăn nuôi ký cam kết là giải pháp để chấn chỉnh việc sử dụng chất tạo nạc tràn lan. Ngoài tăng cường kiểm soát tình trạng sản xuất cám, quy trình chăn nuôi, ngành thú y sẽ truy xuất nguồn gốc từng đơn vị, cá nhân sử dụng chất tạo nạc và cương quyết xử lý.
Truy tìm nơi cung cấp, sản xuất chất cấm
Sau khi các vụ dùng chất tạo nạc được phát hiện, Bộ Công an cùng với Bộ NN & PTNT đã vào cuộc truy tìm nơi cung cấp, sản xuất chất cấm.
Ngày 19/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) cùng với thanh tra Bộ NN & PTNT kiểm tra Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện công ty này đang sản xuất thuốc cấm họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine), còn gọi là chất tạo nạc, tăng trọng, bị nghiêm cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Công ty Khoa Nguyên không có giấy phép sản xuất thuốc thú y, chỉ đăng ký sản xuất 19 sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung nhưng lại sản xuất trên 300 sản phẩm thuốc thú y trái quy định. Trong hơn 300 sản phẩm nghiêm cấm sản xuất, sử dụng, một lượng lớn bột nguyên liệu (trọng lượng 1 kg/gói) đang chuẩn bị đóng gói xuất ra thị trường mang tên “KN - SAMURAI”, còn gọi là chất tạo nạc, bung đùi, nở mông vai, được phân phối tại thị trường Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang…
Mới đây, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn heo của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào thành phố để xét nghiệm. Kết quả, tình trạng heo sử dụng chất cấm vẫn không giảm, trong đó nhiều nhất là tỉnh Đồng Nai.
Ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh - cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, chi cục đã xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 24 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngành Thú y thành phố đang tăng cường kiểm soát chặt thịt gia súc ngay cửa vào thị trường, đồng thời thường xuyên, đột xuất lấy mẫu thịt để kiểm tra nhằm loại bỏ thịt bẩn trước khi người tiêu dùng sử dụng.
7 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp lấy 84 mẫu nước tiểu heo tại 84 cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai, phát hiện 17 mẫu có kết quả dương tính với chất cấm salbutamol; trong khi năm 2014, lấy 156 mẫu nước tiểu, phát hiện 12 mẫu dương tính với chất cấm này.
Có thể bạn quan tâm
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nắng hạn đang diễn biến gay gắt, độ mặn cao đã gây bất lợi xuất hiện dịch bệnh cho mùa vụ nuôi tôm tại Cà Mau. Qua hai tháng đầu năm, nhất là từ sau Tết Quý Tỵ đến nay, toàn tỉnh đã có gần 140 ha diện tích ao đầm nuôi tôm sú công nghiệp bị dịch bệnh chết trắng, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.
Công ty Công nghệ sinh học TransGenada ở Arizona đã được Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc gia (NIFA) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tài trợ cho hoạt động nghiên cứu dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.
Thông tin từ lãnh đạo Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến cuối tháng 5-2012, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt 72/130 ha, tương đương với lượng tôm giống được di ương về là 72 triệu con.
Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” không những tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn tăng lợi nhuận giá thành sản phẩm, nhất là hiện nay, khi giá lúa nằm ở mức thấp, việc áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân.