Làng Nghề Chế Biến Cá Khô Bình Thắng Vào Xuân
Trời vừa hửng nắng, ở Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, không khí lao động rất khẩn trương. Các hộ dân làng nghề tất bật xử lý cá nguyên liệu để phơi kịp nắng, chuẩn bị nguồn cá khô phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2014 sắp đến.
Bà Võ Thị Việt Đức là một trong những người khởi xướng làm khô tẩm ướp ở làng nghề chế biến khô Bình Thắng, cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ khô tẩm ướp sôi động hơn lúc nào hết. Nhu cầu của người tiêu dùng mua các loại khô tẩm ướp để làm quà biếu tăng đáng kể, trong khi nguồn cá nguyên liệu làm khô ngày một khan hiếm, nên giá bán ra cũng tăng theo. Cơ sở của bà Đức sản xuất thường xuyên từ 6-7 loại khô tẩm ướp.
Thời điểm này, cá đù tại địa phương không có, nên bà phải mua từ TP Hồ Chí Minh về chế biến. Bà Đức nói: "Cơ sở tôi làm các loại khô tẩm ướp đảm bảo vệ sinh, không tẩm ướp các loại gia vị gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, nên khách hàng đến mua về ăn rồi dần dần trở thành mối quen". Những ngày thường, cá nguyên liệu chế biến đem phơi nắng vài giờ đồng hồ cho vào túi và để vào 2 tủ đá, loại chứa khoảng 300kg/tủ để bảo quản và bán.
Cận Tết, bà Đức phải tăng thêm 1 tủ đá, loại chứa 500kg khô nhưng bán vài ngày phải làm thêm. Theo bà Đức, nhiều năm gắn bó với nghề làm khô, sống được với nghề do bà luôn quan tâm đến uy tín, chất lượng sản phẩm, không chạy theo số lượng mà bán cho người tiêu dùng sản phẩm kém chất lượng. Khô tẩm ướp của cơ sở bà Đức bán giá từ 80.000 - 250.000 đồng/kg. Loại đắt tiền nhất vẫn là khô cá đù một nắng.
Theo bà Đức, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá khô tẩm ướp cứ tăng dần. Sức mua tăng, khô sản xuất có giới hạn nên mỗi cơ sở tùy tiện nâng mức giá. Có cơ sở nâng giá mỗi ký khô lên đến 50.000 đồng so với ngày thường.
Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng là làng nghề lớn nhất tỉnh Bến Tre, ngoài chế biến khô tẩm ướp, thì tôm khô cũng là mặt hàng chủ lực ở đây. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất cho biết, tôm khô năm nay sẽ khan hiếm trong dịp Tết.
Hiện xã Bình Thắng chỉ còn 1 cơ sở sản xuất tôm khô quy mô lớn do tôm thiên nhiên không còn nhiều, phương tiện đánh bắt gần bờ giảm đáng kể, giá tôm khô cao ngất ngưởng. Theo ông Bùi Minh Hồng, Trưởng Ban quản lý làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, làng nghề hiện có 20 hộ thành viên, trong đó hơn phân nửa số hộ sản xuất khô mặn. Ông Hồng cho biết: Mùa chướng biển thường hay bị động nên sản lượng đánh bắt luôn giảm.
Vào đầu mùa Nam, sản lượng đánh bắt không nhiều, gần kết thúc mùa Nam, các tàu đánh bắt mới trúng đậm. Tàu đánh bắt xa bờ cặp cảng cá Bình Thắng bán sản phẩm cho các vựa, làng nghề cử người đại diện đến thu mua cá nguyên liệu và phân chia cho từng hộ thành viên. Trung bình mỗi hộ được phân chia từ 1-3 tấn cá nguyên liệu để làm khô, 1 tấn cá nguyên liệu chế biến được từ 420 - 450kg khô.
Và hộ dân tiếp tục mua nguyên liệu về để làm khô. Thời điểm này, nguồn nguyên liệu làm khô mặn lẫn khô tẩm ướp đều khan hiếm. Năm 2013, một số chi phí đầu vào phục vụ cho đánh bắt tăng nên chủ tàu nâng giá bán sản phẩm từ 5.000 - 6.000 đồng/kg kéo theo giá cá nguyên liệu làm khô cũng tăng. Tuy vậy, từ đầu năm 2013 đến nay, khô sản xuất được thị trường tiêu thụ khá ổn định, phần lớn hộ dân sản xuất khô đều có lãi, mức trung bình 70 triệu đồng/năm.
Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hộ sản xuất khô tạo việc làm ít nhất từ 2-3 lao động và cao nhất 4-5 lao động, với tiền công từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Hiện làng nghề vẫn cố gắng tìm nguyên liệu để các hộ sản xuất khô mặn cung cấp cho thị trường Tết.
Bên cạnh sự nỗ lực của làng nghề chế biến khô, thì địa phương cũng có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển ổn định. Ông Đào Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 1180/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, với tổng mức vốn đầu tư hơn 77,6 tỉ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, vốn địa phương và các nguồn vốn khác, thời gian thực hiện từ năm 2013-2017.
Khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt từ Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng; góp phần khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường tại địa phương và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; đảm bảo hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt các tiêu chuẩn về môi trường, ngăn chặn sự phát sinh các khu vực bị ô nhiễm để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn Châu (ấp Thạnh Hòa, xã Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang) cho biết, ông thu hoạch 2 công ớt cách đây gần 1 tháng, năng suất 1 tấn/công chỉ bán được giá 14.000-15.000 đồng/kg. Hiện nay, giá ớt đã tăng vọt 36.000-38.000 đồng/kg nhưng ông không còn ớt để bán. Ông Huỳnh Quang Phục (ấp Bình Tây 1, xã Phú Bình, Phú Tân) chia sẻ: “Hơn 20 ngày trước, tôi thu hoạch gần 7 công ớt, bán 15.000-16.000 đồng/kg, vừa trồng lại đợt ớt mới thì ớt tăng giá mạnh”.
Bên cạnh cái lợi là tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân thì nuôi trồng thủy hải sản trên cát lại tiềm ẩn không ít hiểm họa. Đó là môi trường xung quanh ao nuôi bị ô nhiễm, kéo theo dịch bệnh, thất thu…
Tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở các vùng nuôi tôm của Quảng Ngãi đang được các thương lái nước ngoài đến thu mua và đẩy giá lên cao khiến nhiều người dân đổ xô làm hồ nuôi tôm. Hồ tôm “mọc” lên trong vườn nhà, thậm chí có hộ dỡ nhà lấy mặt bằng làm hồ tôm khiến nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm.
Quảng Trị có thế mạnh phát triển đàn bò thịt không chỉ ở quy mô nông hộ nuôi dưới 10 con mà còn phát triển thành trang trại lớn để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Hiện tại nguồn bò thịt ở địa phương này không đủ cung cấp cho thị trường.
Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, ảnh hưởng đến chăn nuôi và trồng trọt. Để giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.