Nỗ Lực Thí Điểm Giống Cao Su Chịu Lạnh Ở Hà Giang

Sau những khó khăn từ năm 2010, với tinh thần vượt lên khó khăn, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần cao su (CPCS) Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm giống cao su có thể thích nghi với thời tiết tỉnh nhà. Hơn 1 năm triển khai trồng thử nghiệm giống cao su chịu lạnh và từ thực tế những cây đã trồng cách đây gần 5 năm, đã và đang củng cố niềm tin cho tương lai phát triển cây cao su.
Từ quan điểm thống nhất giữa tỉnh và Tập đoàn CNCS Việt Nam về kế hoạch, quy mô trồng thí điểm 1.100ha cao su chịu lạnh tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình; Công ty CPCS Hà Giang chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo diện tích trồng được giao. Cuối năm 2012, cán bộ, công nhân viên Công ty đã triển khai trồng tái canh và trồng mới đạt trên 700ha với cơ cấu giống chủ yếu là VNg 77-4 và IAN 873. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty CPCS Hà Giang cho biết: Nhờ trồng đúng thời vụ và quy trình kỹ thuật, chăm sóc nghiêm ngặt, cơ cấu chất lượng giống đảm bảo theo chỉ đạo của Tập đoàn và tỉnh; đến nay, qua theo dõi, kiểm tra của Công ty, địa phương và của Tập đoàn, các diện tích cao su đang sinh trưởng, phát triển tốt. Dù còn nhiều khó khăn đã và đang đặt ra, nhưng cán bộ, công nhân viên Công ty luôn sát sao công việc, làm tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh cho cây...
Với kinh nghiệm qua các năm, trong vụ Đông – xuân năm nay, Công ty đãchủ động chăm sóc, bảo vệ vườn cây theo đúng quy trình để phòng, chống rét. Theo đánh giá, các diện tích mới tái canh thể hiện sự kháng chịu lạnh và phát triển rất tốt. Nhìn thực tế từ các vườn cây cao su thực nghiệm ở xã Vô Điếm và Trung Thành, có thể thấy những cây cao su chịu lạnh đầu tiên được trồng từ năm 2008, đến nay đã gần 5 năm tuổi, đang phát triển khá tốt.
Chủ động hoàn thành kế hoạch trồng thử nghiệm trong vụ Xuân 2013, ngay từ cuối năm 2012, Công ty tập trung chuẩn bị chăm sóc tốt trên 240.000 cây giống đã cắm bầu. Anh Nguyễn Xuân Phú cho biết thêm, qua kinh nghiệm sản xuất cho thấy, việc trồng vụ Xuân sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng, phát triển, kịp thời thích ứng với thời tiết cuối năm. Từ đó, Công ty đẩy mạnh chuẩn bị đất trồng, vật tư, nhân lực... đảm bảo trồng 400ha cao su giống chịu lạnh vụ Xuân 2013 này. Trên tinh thần đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bắt đầu từ ngày 25.3, Công ty đã tích cực ra quân trồng cao su tại các xã của huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, như: Vô Điếm, Kim Ngọc, Bằng Lang, Vĩ Thượng, Tiên Yên, Trung Thành với diện tích đã trồng đạt 100ha. Dự kiến từ nay đến tháng 6, Công ty tập trung trồng đạt 300ha nữa, nâng tổng số diện tích cao su giống chịu lạnh lên 1.100ha. Việc mở rộng diện tích trồng không chỉ đảm bảo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân lao động trực tiếp tại các tổ, đội sản xuất, mà còn tạo thêm việc làm cho không ít lao động địa phương.
Qua những vườn cao su tái canh bằng giống chịu lạnh, mới thấy hết những nỗ lực và niềm lạc quan của cán bộ, công nhân viên Công ty. Những lô cao su ở xã Trung Thành và các vùng trồng cao su ở Hà Giang đang cho thấy sự phát triển ổn định, khẳng định niềm tin, sự vươn lên của người và cây nơi miền đất nhiều thử thách. Bên những công nhân đang miệt mài tại các vườn cao su, chúng tôi nhớ lại lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi thăm và làm việc với cấp ủy, chính quyền, công nhân và bà con vùng trồng cao su ở tỉnh ta hồi đầu năm, đó là: Trước khó khăn, cần phải có quyết tâm vươn lên, không để tâm lý chán nản làm mất hy vọng, không nên khoanh tay ngồi chờ, đó mới là thái độ cách mạng. Chủ tịch nước nhấn mạnh, bên nước bạn Trung Quốc gần với Hà Giang đã phát triển được cây cao su, các tỉnh Tây Bắc cũng phát triển loại cây mới này khá tốt. Vấn đề là ở chỗ, vùng Đông Bắc phải lựa chọn giống cho phù hợp.
Hy vọng một vài năm tới, Hà Giang sẽ xác định được vùng trồng cao su và giống cao su phù hợp, để từ đó tìm ra phương thức tốt nhất xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

“Thấy những sản phẩm thải ra từ trại gà phải vứt đi nghĩ cũng uổng phí”, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) mang niềm trăn trở đi tìm một mô hình chăn nuôi kết hợp “đặng làm sao tận dụng được nguồn thức ăn phong phú từ trại gà”!

Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Sau 10 năm lên Điện Biên lập nghiệp, nhờ mô hình chăn nuôi, đến nay gia đình anh Phan Văn Chung ở đội 4, khu Pom Lót, xã Sam Mứn huyện Điện Biên đã có cơ ngơi khang trang. Gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá trong vùng.

Được ông Mào Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Chang Váng Sinh dân tộc Hà Nhì ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của mảnh đất vùng biên giới - nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe.

Những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) luôn xác định thực hiện tốt chương trình liên kết với ngân hàng chính là khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giúp nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi về lãi suất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.