Nỗ Lực Thí Điểm Giống Cao Su Chịu Lạnh Ở Hà Giang

Sau những khó khăn từ năm 2010, với tinh thần vượt lên khó khăn, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần cao su (CPCS) Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm giống cao su có thể thích nghi với thời tiết tỉnh nhà. Hơn 1 năm triển khai trồng thử nghiệm giống cao su chịu lạnh và từ thực tế những cây đã trồng cách đây gần 5 năm, đã và đang củng cố niềm tin cho tương lai phát triển cây cao su.
Từ quan điểm thống nhất giữa tỉnh và Tập đoàn CNCS Việt Nam về kế hoạch, quy mô trồng thí điểm 1.100ha cao su chịu lạnh tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình; Công ty CPCS Hà Giang chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo diện tích trồng được giao. Cuối năm 2012, cán bộ, công nhân viên Công ty đã triển khai trồng tái canh và trồng mới đạt trên 700ha với cơ cấu giống chủ yếu là VNg 77-4 và IAN 873. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty CPCS Hà Giang cho biết: Nhờ trồng đúng thời vụ và quy trình kỹ thuật, chăm sóc nghiêm ngặt, cơ cấu chất lượng giống đảm bảo theo chỉ đạo của Tập đoàn và tỉnh; đến nay, qua theo dõi, kiểm tra của Công ty, địa phương và của Tập đoàn, các diện tích cao su đang sinh trưởng, phát triển tốt. Dù còn nhiều khó khăn đã và đang đặt ra, nhưng cán bộ, công nhân viên Công ty luôn sát sao công việc, làm tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh cho cây...
Với kinh nghiệm qua các năm, trong vụ Đông – xuân năm nay, Công ty đãchủ động chăm sóc, bảo vệ vườn cây theo đúng quy trình để phòng, chống rét. Theo đánh giá, các diện tích mới tái canh thể hiện sự kháng chịu lạnh và phát triển rất tốt. Nhìn thực tế từ các vườn cây cao su thực nghiệm ở xã Vô Điếm và Trung Thành, có thể thấy những cây cao su chịu lạnh đầu tiên được trồng từ năm 2008, đến nay đã gần 5 năm tuổi, đang phát triển khá tốt.
Chủ động hoàn thành kế hoạch trồng thử nghiệm trong vụ Xuân 2013, ngay từ cuối năm 2012, Công ty tập trung chuẩn bị chăm sóc tốt trên 240.000 cây giống đã cắm bầu. Anh Nguyễn Xuân Phú cho biết thêm, qua kinh nghiệm sản xuất cho thấy, việc trồng vụ Xuân sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng, phát triển, kịp thời thích ứng với thời tiết cuối năm. Từ đó, Công ty đẩy mạnh chuẩn bị đất trồng, vật tư, nhân lực... đảm bảo trồng 400ha cao su giống chịu lạnh vụ Xuân 2013 này. Trên tinh thần đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bắt đầu từ ngày 25.3, Công ty đã tích cực ra quân trồng cao su tại các xã của huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, như: Vô Điếm, Kim Ngọc, Bằng Lang, Vĩ Thượng, Tiên Yên, Trung Thành với diện tích đã trồng đạt 100ha. Dự kiến từ nay đến tháng 6, Công ty tập trung trồng đạt 300ha nữa, nâng tổng số diện tích cao su giống chịu lạnh lên 1.100ha. Việc mở rộng diện tích trồng không chỉ đảm bảo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân lao động trực tiếp tại các tổ, đội sản xuất, mà còn tạo thêm việc làm cho không ít lao động địa phương.
Qua những vườn cao su tái canh bằng giống chịu lạnh, mới thấy hết những nỗ lực và niềm lạc quan của cán bộ, công nhân viên Công ty. Những lô cao su ở xã Trung Thành và các vùng trồng cao su ở Hà Giang đang cho thấy sự phát triển ổn định, khẳng định niềm tin, sự vươn lên của người và cây nơi miền đất nhiều thử thách. Bên những công nhân đang miệt mài tại các vườn cao su, chúng tôi nhớ lại lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi thăm và làm việc với cấp ủy, chính quyền, công nhân và bà con vùng trồng cao su ở tỉnh ta hồi đầu năm, đó là: Trước khó khăn, cần phải có quyết tâm vươn lên, không để tâm lý chán nản làm mất hy vọng, không nên khoanh tay ngồi chờ, đó mới là thái độ cách mạng. Chủ tịch nước nhấn mạnh, bên nước bạn Trung Quốc gần với Hà Giang đã phát triển được cây cao su, các tỉnh Tây Bắc cũng phát triển loại cây mới này khá tốt. Vấn đề là ở chỗ, vùng Đông Bắc phải lựa chọn giống cho phù hợp.
Hy vọng một vài năm tới, Hà Giang sẽ xác định được vùng trồng cao su và giống cao su phù hợp, để từ đó tìm ra phương thức tốt nhất xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Related news

Cơ sở ấp trứng gia cầm của gia đình chị Dương Thị Thư, ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình - Thái Nguyên) mỗi năm cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng

Hiện nay, điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi cho hoạt động thả tôm giống vụ nuôi cuối năm, do đó, nông dân cần tranh thủ thả tôm giống, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.

Ngày 24/4/2015, ổ dịch đầu tiên được xuất hiện tại hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Diễn Trung, với diện tích ao nuôi bị nhiễm bệnh là gần 0,3 ha. Và chỉ trong một thời gian ngắn dịch đã xuất hiện ở nhiều diện tích nuôi tôm khác trên địa bàn xã Diễn Trung, Diễn Kỷ và Diễn Vạn, huyện Diễn châu, tỉnh Nghệ An.

Dọc tuyến đường quốc phòng từ các xã ven biển vùng Ngũ Điền và xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho thấy, môi trường biển ở đây đang bị đe dọa bởi hàng trăm ha tôm của các công ty và nhóm hộ.

Trong khi thị trường xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn thì con cá rôphi nổi lên như một đối tượng thay thế đầy triển vọng nhờ thị trường tương đối mở. Do khá dễ nuôi nên việc chuyển đổi nuôi từ cá tra sang cá rôphi đang được một số dn như công ty cp chế biến thực phẩm sông hậu (sohafood) thực hiện.