Nỗ Lực Nâng Cao Thu Nhập Cho Người Dân

Một trong những tiêu chí được Đoàn thẩm định xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đánh giá cao ở xã Hồng An (Hưng Hà) trong buổi thẩm định xét đạt chuẩn NTM tại địa phương cuối tháng 10 vừa qua là tiêu chí thu nhập.
Hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM là sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng An, không chỉ đổi thay ở diện mạo nông thôn, đời sống của người dân cũng chuyển biến tích cực. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong năm 2014, cấp ủy, chính quyền xã Hồng An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí.
Xác định tăng thu nhập cho người dân là điểm tựa thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng NTM, thông qua việc vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường tham gia các ngành nghề phi nông nghiệp, những năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở Hồng An chuyển biến tích cực, năm 2010 là 11,5 triệu đồng/năm, đến nay đạt 30 triệu đồng/năm, bình quân tăng 27,8%/năm.
Ông Lê Nguyên Tân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó nông nghiệp chú trọng phát triển theo hướng “1 cây, 1 con”.
Xã đã tập trung phát triển vùng cây ăn quả với các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao: nhãn muộn Hà Tây, chuối; trong chăn nuôi, ổn định và nhân rộng đàn bò lai sin. Đây được xác định là hướng đi mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Đến nay, toàn xã có trên 30ha nhãn muộn Hà Tây trồng trên vùng chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao; 110ha vùng bãi trồng chuối, bình quân thu nhập từ trồng trọt đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Ông Trần Tiến Hồng, thôn Bắc Sơn là một trong những người đi đầu trong việc mở rộng diện tích trồng chuối.
Nhận thấy chuối là cây dễ trồng, dễ bán, phù hợp với đồng đất bãi nên ông mày mò sang Hưng Yên học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Mỗi sào trồng khoảng 70 cây, sau 1 năm cho thu hoạch, với giá bán từ 100.000 - 300.000 đồng/buồng tùy theo thời điểm, ngoài ra hoa và lá cũng tận dụng để bán; trừ mọi chi phí 1ha chuối cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Trần Thị Vỹ, thôn Việt Thắng đã mạnh dạn đầu tư trồng chuối từ năm 2011, hiện gia đình chị trồng 4 mẫu chuối. Chị Vỹ cho biết: Trước đây, vùng đất bãi chủ yếu là trồng ngô, nhiều diện tích bỏ hoang.
Qua học hỏi kinh nghiệm của các hộ đi trước, được xã khuyến khích chuyển đổi, gia đình chị mạnh dạn đầu tư cải tạo 4 mẫu, đưa vào trồng gần 3.000 cây chuối. Nhờ thu hoạch đúng thời điểm (từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch) nên giá bán cao, bình quân đạt 250.000 đồng/buồng, trừ mọi chi phí, gia đình chị thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Để mở rộng diện tích trồng chuối, xã Hồng An luôn tạo mọi điều kiện động viên, khuyến khích người dân như: xây dựng cơ chế chuyển đổi thông thoáng; quy hoạch đồng bãi; hệ thống giao thông, tưới, tiêu; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ người dân mua phân bón trả chậm…
Nhờ đó, từ 2ha ban đầu đến nay toàn xã đã phát triển được 110ha trồng chuối các loại. Ngoài ra, xã cũng đã quy hoạch 52ha vùng sản xuất lúa hàng hóa, 10ha vùng sản xuất rau quả sạch, 10ha vùng trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Hồng An cũng là một trong những xã đi đầu trong phong trào trồng cây vụ đông với diện tích hàng năm đạt 90% so với tổng diện tích gieo trồng toàn xã.
Trong chăn nuôi, từ năm 2010 đến nay, đàn bò lai sin của xã phát triển từ 500 con lên tới 1.650 con, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, làm giàu nhờ nuôi bò như: hộ anh Nguyễn Văn Tâm, thôn Đồng Trang, anh Trần Quang Lũy, thôn Việt Thắng… Cùng với những chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, Hồng An phát triển tiểu thủ công nghiệp với phương châm đa dạng hóa các ngành nghề.
Toàn xã có 135 máy dệt, 1.250 máy may công nghiệp, các ngành nghề: cơ khí, hàn xì, vận tải phát triển mạnh. Tuy mang tính thời vụ nhưng nghề truyền thống sản xuất long nhãn ngày càng phát triển ở Hồng An, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Mỗi vụ nhãn (trong 1 tháng) sản xuất khoảng 200 tấn long nhãn, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Với các giải pháp tích cực trong thực hiện tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể, từ 7,2% năm 2010 còn 2,64% năm 2014; số hộ thuần nông hiện còn 5%.
Theo ông Lê Nguyên Tân, Bí thư Đảng ủy xã, thành công trong xây dựng NTM chính là tạo được diện mạo mới cho nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; quan trọng hơn nữa, sự đổi thay ấy được người dân ghi nhận. Cùng với việc củng cố và giữ vững 19 tiêu chí NTM, Hồng An tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất, phát triển các ngành nghề sẵn có tại địa phương để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.
Nguồn bài viết: http://baothaibinh.com.vn/60/33146/No_luc_nang_cao_thu_nhap_cho_nguoi_dan.htm
Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của VN trong tháng 4-2014 đạt 2,63 tỉ USD, qua đó đưa tổng kim ngạch mặt hàng nông sản trong bốn tháng đầu năm lên gần 9,7 tỉ USD.

Cuộc đời lão là những chuyến đi rong ruổi khắp các miền quê để lấy hoa thơm hương lạ cho đàn ong làm mật. Suốt mấy chục năm qua, lão coi đàn ong là bạn và cũng là “cỗ máy” kiếm tiền cho lão. Lão làm nhà, mua đất, mua xe rồi cho các cháu, các em của mình công ăn việc làm cũng từ đàn ong.

Sâm cầm hồ Tây, chè long nhãn hạt sen Phố Hiến, gà Đông Tảo được coi là những món ăn tiến vua đắt đỏ, trong khi rau muống tiến vua Sen Chiểu giá chỉ 500 đồng/mớ.

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Duy Tuấn, chị Đoàn Thị Toan ở thôn 4, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chủ cơ sở SX rau mầm Châu Anh, một trong 5 đơn vị đầu tiên được Chi cục BVTV Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhờ mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi xen ghép, gia đình ông La Kế - hội viên ND thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thoát nghèo, trở thành hộ điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập hàng năm 150 triệu đồng.