Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗ Lực Cứu Ruộng Đồng

Nỗ Lực Cứu Ruộng Đồng
Ngày đăng: 19/06/2013

Ruộng đồng khô hạn kéo dài và chuột cắn lúa non trên diện rộng khiến nhiều nông dân tại miền Trung bỏ lúa trồng các loại hoa màu chịu hạn để mong có cái ăn, cái mặc. Cùng lúc, nông dân Trần Văn Cạn, thôn Nam Phù, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có cách diệt chuột độc đáo đang được nhân rộng.

Vua diệt chuột đồng

Là nông dân, nhưng cách diệt chuột độc đáo và hiệu quả của ông Cạn lại có một không hai. Mọi người gọi ông là “vua” hay “chuyên gia” diệt chuột vì mỗi đêm ông có thể bắt được 200 - 300 con chuột đồng.

Vứt xâu chuột khoảng 10 con lớn nhỏ vừa giết chết giữa đồng ruộng vào một góc trước khi cắt đuôi giao nộp cho chính quyền địa phương, ông Cạn mở đầu câu chuyện: “Phải mất nhiều đêm nằm ngoài ruộng lúa, tui mới tìm ra quy luật hoạt động của chúng. Chuột cắn lúa mạnh nhất từ 2 - 4 giờ sáng và đi về một đường”. Ông Cạn mua hàng chục chiếc bẫy đem đặt khắp các lối mòn trên ruộng. Nhưng chỉ vài con dính bẫy dù ông đã thức khuya dậy sớm. Thất bại, ông Cạn mày mò cải tiến cách soi bắt ếch để diệt chuột. Ban ngày ông đi khảo sát những ruộng lúa bị chuột cắn phá để về đêm dùng đèn pin và cây lao chế tác từ tre cán giáo dài 2 - 3m, gắn 4 - 5 cái đinh nhọn đầu để săn bắt chuột… Đi dọc bờ ruộng, đám chuột cắn phá lúa thấy động, đua nhau bò chạy, nhảy cả xuống kênh bơi thoát thân, thế là ông Cạn rọi đèn pin và tức tốc phóng lao tiêu diệt bọn chúng.

Ông Cạn bật mí, gặp pha đèn pin, mắt chuột sáng đỏ, chớp chớp nhanh lẹ là phải tấn công ngay. Mọi động tác phải phối hợp ăn rơ với nhau. Đầu tiên ánh đèn pin phải luôn theo sát hành động và ánh mắt chuột. Khi thấy chúng xuất hiện, cây lao trên tay rơ rơ nhè nhẹ rồi đâm chúng một cách dứt khoát.

Đáng lưu tâm nhất là vụ lúa hè thu 2013 ruộng khô ráo, chuột vô tư sinh sôi phá hại mùa màng. Nhiều địa phương trích kinh phí hàng tỷ đồng từ ngân sách để thu mua mỗi đuôi chuột từ 1.000 - 2.000 đồng và hỗ trợ người dân mua bẫy, thuốc diệt chuột. Tuy nhiên, số lượng chuột quá nhiều lại sinh sôi nảy nở nhanh nên diệt không xuể. Ông Lê Văn Xê, Phó Chủ nhiệm HTX Phú Hòa, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nhờ cách làm sáng tạo của nông dân Trần Văn Cạn mà phong trào diệt chuột tại địa phương và các vùng lân cận phát huy hiệu quả.

Tiết kiệm nước tưới

Tại Quảng Bình, cả 5 dòng chảy chính là sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ ngắn và dốc khiến nước mặn xâm nhập sâu ngay từ đầu vụ hè thu 2013. Giải pháp lấy nước từ hạ nguồn các con sông này tưới cho đồng ruộng gần như không có.

Sở NN-PTNT Quảng Bình đang tính đến giải pháp hỗ trợ nguồn nước tưới từ lưu vực này sang lưu vực khác như lấy nước từ hồ Thác Chuối hỗ trợ chống hạn cho đuôi hồ Vực Nồi và vùng phụ cận; hồ Vực Tròn hỗ trợ chống hạn bổ sung cho các hồ Tiên Lang, Bàu Sen, Trung Thuần... thuộc lưu vực sông Gianh.

Ngoài ra, các địa phương thực hiện quy trình tưới nước luân phiên, vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau nhằm tránh lãng phí nước và gây ngập úng tại vùng đầu kênh, khô hạn cuối kênh; kiên quyết xử lý những trường hợp lấy nước không theo quy định, lãng phí...

Trong khi đó, để có nước tưới cho 44.000ha lúa hè thu 2013, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các địa phương quyết liệt triển khai phương châm “lấy nước điều hành thời vụ”, tập trung gieo cấy lúa hè thu đồng loạt trong thời gian ngắn nhất.

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhờ chuyển đổi cơ cấu giống dài sang sử dụng giống lúa cực ngắn ngày mà Hà Tĩnh đã tiết kiệm được ít nhất khoảng 70 triệu m3 nước tại các hồ chứa. Sở NN-PTNT Hà Tĩnh chỉ đạo các huyện vùng cao Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… tuyệt đối không gieo cấy lúa trên những diện tích không có khả năng cung cấp nước hoặc nước tưới không ổn định.

Trồng sen nuôi cá trên đất lúa

Những thửa đất chiêm trũng, chua phèn tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị thường trồng một vụ lúa vì ngập nước, nhiễm mặn, nay sen hồng bạt ngàn đua nở hoa và cả những ao hồ nuôi cá với thu nhập hàng trăm triệu đồng/hécta.

Lão nông Nguyễn Văn Sơn được mệnh danh “vua sen” vùng trũng tại xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, so sánh, trồng lúa nếu gặp thời tiết thuận lợi thì cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/sào, nhưng một sào sen có thể bỏ túi từ 5 - 7 triệu đồng. Trồng sen rất dễ, có thể nói là nghề “làm chơi, xơi thật” vì không cần tốn nhiều công chăm bón, không có sâu bệnh, mức đầu tư cũng rất thấp.

Một hécta đất trồng lúa một vụ cải tạo thành ao hồ thả khoảng 25 - 30 gốc sen hết gần 1 triệu đồng, sau 2 năm, bình quân một hécta sen cho thu hoạch 2 tấn hạt sen tươi/năm, giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg hạt tươi. Mỗi năm, người trồng sen có thể thu trên 40 triệu đồng/ha/năm, chưa kể tiền bán hoa và ngó sen từ 3 - 5 triệu đồng.

Ngoài ra, bụi sen con là nơi trú ngụ cho tôm cá tự nhiên và cá nuôi phát triển nên sau khi thu hoạch sen, lại bắt tay ngay vào thu hoạch vụ cá với lãi ròng 30 - 40 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình trồng sen - cá còn có thể cấy thêm một vụ lúa chiêm. Nếu áp dụng tốt công thức luân canh này thì mỗi hécta trồng sen - cá có thể thu trên 100 triệu đồng/năm.

Hiện chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp các huyện Quảng Điền, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) và huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đang khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá.


Có thể bạn quan tâm

Canh tác lạ: Trên Canh tác lạ: Trên "treo" gấc, dưới trồng đinh lăng, lãi 120 triệu/năm

Mô hình trồng gấc cao sản xen canh lạc, đinh lăng, cây dược liệu của ông Nguyễn Như Thuận đang mang lại cho ông lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ.

15/11/2017
Thu tiền triệu mỗi ngày nhờ trồng cây chanh máu đỏ lạ mắt, thơm ngon nức tiếng Thu tiền triệu mỗi ngày nhờ trồng cây chanh máu đỏ lạ mắt, thơm ngon nức tiếng

Kỹ thuật trồng cây chanh máu đỏ cũng không khác gì so với các loại chanh thông thường có điều nên lựa chọn điều kiện đất, thời tiết và cách chăm sóc

16/11/2017
Kính nể vườn cam thu 5 tỷ đồng/năm của 'vua' cam Khe Mây Kính nể vườn cam thu 5 tỷ đồng/năm của 'vua' cam Khe Mây

Mỗi vụ cam ông Oánh thu về xấp xỉ 5 tỷ đồng nhờ biết cách “xếp” quả cho 10.000 gốc cam trên diện tích 20ha tại vùng kinh tế trang trại Khe Mây.

17/11/2017
Ngày Nhà giáo Việt Nam: Ngày Nhà giáo Việt Nam: "Thầy giáo tỷ phú" có 8ha cam VietGAP

Là người đầu tiên đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ, đến nay ông Trần Văn Bình ở thôn Báo Đáp đã có 8ha trồng cam theo quy trình VietGAP

20/11/2017
Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi cây trồng, sống chung với lũ Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi cây trồng, sống chung với lũ

Trong những ngày này, về thăm khu vườn sầu riêng của ông Huỳnh Văn Sẵn khiến ai cũng phải trầm trồ trước những cây sầu riêng trĩu trái, chuẩn bị cho thu hoạch

21/11/2017