Vụ Cà Phê 2014-2015 Nông Dân Phấn Khởi Chuẩn Bị Vào Mùa Thu Hoạch
Vụ cà phê 2014-2015 đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Không khí chuẩn bị cho mùa vụ mới diễn ra sôi động ở các nông hộ. Phấn khởi hơn, năm nay, không chỉ giá cả ở mức cao mà năng suất cà phê cũng tăng hơn năm trước, hứa hẹn một năm trúng mùa đến với bà con nông dân.
Sẵn sàng vào vụ
Khoảng cuối tháng 10 này, nhiều vùng trồng cà phê trên những vùng đất có độ dốc như Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, Đắk Song…, bà con nông dân sẽ bước vào thu hoạch cà phê đại trà. Còn các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô, thời điểm này, cà phê mới bắt đầu chín bói.
Tại các hộ trồng cà phê ở các địa phương, không khí chuẩn bị vào vụ khá khẩn trương, hầu hết các hộ trồng cà phê đã làm xong công đoạn xử lý vườn cây như làm sạch cỏ, quét dọn lá khô trong gốc cà phê… Cùng với đó, các khâu quan trọng phục vụ thu hoạch như mua sắm bạt lót, bao bì, dọn sân phơi, tìm nhân công… đều đang trong tư thế chuẩn bị ra đồng.
Tất cả các hộ trồng cà phê đều rất phấn khởi vì năng suất vườn cây năm nay đạt khá cao, đồng thời, giá cà phê có nhiều tín hiệu khả quan hơn so với các niên vụ trước và có xu hướng tăng lên từng ngày, giúp bà con phấn khởi hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn 2, xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết: “Không như những năm trước, mới bước vào đầu vụ mà giá cả đạt mức khá cao và năng suất vườn cây khả năng cao hơn năm trước. Gia đình tôi có 2 ha cà phê, dự tính vụ này thu trên 22 tấn cà phê tươi, cao hơn năm trước khoảng 4 tấn. Hiện gia đình tôi chỉ mới thu bói một ít và đã bán với giá 7.500 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn thời điểm này năm trước 2.000 đồng/kg”.
Còn gia đình ông Nguyễn Thanh Lâm ở xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) cũng canh tác gần 1,5 ha cà phê, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị để thu hái cà phê đã hoàn tất. Theo ông Lâm thì hiện cà phê chưa chín đều nên gia đình không hái vì thu hoạch như vậy rất tốn công và nếu sơ sót hái nhiều trái xanh cà phê sẽ kém chất lượng. Do đó, khoảng nửa tháng nữa thì gia đình mới bắt đầu vào thu hoạch rộ. Gia đình ông chủ động sân xi măng để phơi và cất giữ tại nhà kho của gia đình chứ không bán tươi như nhiều hộ nông dân khác.
Theo bà con nông dân, thông thường như mọi năm thì vào đầu vụ, giá cà phê hạ xuống đến mức thấp nhất, sau đó mới dần dần nhích lên ở giữa và cuối vụ. Năm nay, mới chớm vụ thu hoạch mà giá vẫn ở mức cao, nếu diễn biến giá cả vẫn giữ ở nhịp độ như thế này cho đến cuối vụ thì năm nay các hộ trồng cà phê sẽ có một vụ cà phê thắng lợi.
Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng cũng còn lời 35-40 triệu đồng/ha. Dù chưa chính thức thu hoạch, nhưng theo tính toán của những người trồng cà phê, năng suất vụ này chắc chắn sẽ cao hơn năm trước khoảng 10% vì thời tiết năm nay khá thuận lợi, ít khô hạn và cũng không gặp mưa bão.
Tuân thủ quy trình thu hoạch, chế biến cà phê
Cứ đến vụ thu hoạch cà phê, nhiều người lại lo lắng tình trạng thu hái cà phê xanh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê sau này. Thế nhưng, dạo qua các nhà vườn thì được biết, hiện tại, phần đông người dân đã ý thức được việc hái cà phê non cũng đồng nghĩa với giảm năng suất và chất lượng quả.
Ông Trần Văn Khiêm ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho hay: “Yêu cầu đầu tiên đối với việc thu hái cà phê là phải hái đúng tầm chín. Theo đó, tỷ lệ quả chín và quả vừa chín là 90- 95%. Tuy nhiên, nhiều hộ lỡ hái quá nhiều quả xanh nhưng do điều kiện thiếu sân phơi, kho chứa nên bà con không thể lựa chọn quả kém chất lượng ra phơi riêng được”.
Rút kinh nghiệm trong những lần hái bị lẫn nhiều quả xanh, nhiều hộ trồng cà phê đã chia ra làm 2 đợt hái. Theo bà con nếu hái tuốt hết một lần thì chắc chắn chất lượng cà nhân sẽ không cao, từ đó ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm. Tại một số địa bàn có diện tích cà phê lớn như Ðắk Song, Đắk Mil…, nhiều hộ trồng cà phê đã mạnh dạn đầu tư xây dựng máy sấy cà phê để tránh nấm mốc, thối hạt cà phê.
Từ những nỗ lực trong đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch, cho thấy, việc thu hái, bảo quản đúng cách cũng dần được người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện khá tốt nhờ các cấp, ngành và chính quyền các địa phương đưa ra những biện pháp tích cực, khuyến khích người dân thực hiện đúng quy trình thu hoạch và chế biến.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì để giảm thất thoát cà phê trong và sau thu hoạch, hàng năm, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê theo đúng quy trình đề ra. Qua đó, các huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến tới bà con các kỹ thuật từ khâu hái đến phơi sấy và bảo quản, do đó, chất lượng cà phê nhân của địa phương đang ngày một nâng cao.
Nhiều hộ dân ở các vùng trồng cà phê lớn trong tỉnh còn đầu tư xây dựng các lò sấy, với số tiền đầu tư hàng chục triệu đồng để sấy cà phê khi hái về hàng loạt... Hoạt động này không chỉ nâng cao chất lượng cà phê nhân mà còn góp phần giảm tổn thất cho bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Vùng cực nam Trung Bộ vừa trải qua một vụ nóng hạn tồi tệ. Cuộc sống con người bị chao đảo vì thiếu nước. Những cánh đồng nứt nẻ, cây trồng héo khô. Nhiều đàn gia súc ốm o, xơ xác vì khát. Những hình ảnh này gợi lên suy nghĩ về nhu cầu khẩn thiết là nước ngọt cho chăn nuôi.
Không chỉ mất cân đối về quy hoạch giữa nguồn lương thực xuất khẩu và nguồn nguyên liệu chăn nuôi trong nước, gây những xáo trộn mà những quan sát mới nhất từ các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, vị thế cây lúa đã qua “thời gái son”, không chỉ thị trường xuất khẩu co hẹp mà còn đang làm sụt giảm đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp...
Những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều hướng người chăn nuôi sản xuất theo hướng tập trung, chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn duy trì và hằng năm cung ứng một sản lượng không nhỏ phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT khẳng định tiếp tục bám sát mục tiêu đề ra, song vẫn có những hỗ trợ cần thiết cho chăn nuôi nhỏ lẻ, từng bước chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật thích hợp vào nuôi thủy sản ngày càng phát triển tích cực, đặc biệt là việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học vì giúp nâng cao sức tăng trưởng, đề kháng của tôm, cá và hạn chế việc lưu tồn mầm bệnh trong nước, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện các bước lập quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ.