Nợ Đè Người Trồng Dưa
Trung tuần tháng 3, nông dân Phú Yên thu hoạch lứa dưa đợt đầu nhưng gặp nhiều khó khăn do giá giảm. Hiện nay người trồng dưa đang thu hoạch lứa 2 và cũng đối mặt với giá rẻ như cho không. Dưa rớt giá liên tục làm người trồng dưa lỗ vốn, lâm cảnh nợ nần.
Đứng cạnh đống dưa vừa bị thương lái bỏ ra, ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) ngậm ngùi: “Ban ngày nắng nóng, dưa thu hoạch bị xốp trong ruột, thương lái chê nên tối qua tôi thức đêm hái dưa rồi thuê người gánh ra cạnh đường.
Thấy dưa chất đống to tôi mừng. Sáng gọi thương lái đến, họ dùng tay trỏ búng mạnh, trái nào kêu boong boong, trọng lượng 4kg trở lên thì mua, còn trái nào kêu bộp bộp thì họ cho là dưa xốp trong ruột chở đi xa bị hư nên không mua”. Đống dưa ông Toàn hái ước chừng trên 7 tấn nhưng thương lái bỏ lại 4 tấn, 3 tấn cân bán với giá 2.800 đồng/kg, rẻ hơn so với lứa dưa đợt đầu hơn 1.200 đồng/kg (dưa đợt đầu 4.000 đồng/kg).
Cạnh đó ông Nguyễn Văn Trang, quê ở Bình Định đến xã Sơn Thành Tây thuê đất trồng dưa cho biết: “Thương lái hỏi mua dưa đi Trung Quốc bán, họ phân ra 2 loại: loại 1, dưa “đúng tuổi” đạt 5 kg/trái trở lên mua với giá 3.000 đồng; loại 2: 4kg/trái, giá mua 2.500 đồng; còn lại bán dưa xô 1.000 đồng/kg. Dưa rẻ lại còn bị thương lái chê đủ điều”.
Cùng cảnh ngộ đó, ruộng dưa gần 8 sào của ông Nguyễn Văn Nhớ ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) còn “thảm” hơn. Do nắng hạn không đủ nước tưới nên dưa trái nhỏ, cả 8 sào dưa đều bán theo giá 800 đồng/kg. Ông Nhớ thở dài: “Lúc giữa vụ, dưa trồng bị thiếu nước nên tôi bỏ tiền mua thêm ống dây để đưa nước lên đồi tưới cho cây dưa, nhưng do nắng nóng kéo dài, nguồn nước lại khan hiếm nên tưới không xuể. Năm ngoái, tôi đầu tư 1ha dưa hơn 80 triệu đồng, nay tăng lên trên 100 triệu đồng. Vụ này đành chấp nhận thua lỗ gần 60 triệu đồng. Số tiền này tôi vay ngân hàng, mượn thêm họ hàng”.
Còn vợ chồng bà Trần Thị Sang ở Bình Định đến thuê 12 sào đất ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) trồng dưa. Ròng rã gần 3 tháng trời, vợ chồng bà dựng chòi “ăn ngủ” với dưa. Cuối vụ, thương lái lựa mua được ít, số còn lại ông đành bán đổ bán tháo lỗ gần 40 triệu đồng.
Dưa rớt giá không chỉ người trồng dưa điêu đứng mà người “kinh doanh dưa” cũng méo mặt. Ông Nguyễn Văn Ty ở xã Sơn Phước (Sơn Hòa) mua lại 1ha ruộng dưa của một người ở Bình Định với giá 60 triệu đồng; vừa qua bán chỉ thu được 50 triệu đồng. “2 vợ chồng người Bình Định đến đây thuê đất trồng dưa, khi dưa vừa ra trái to bằng cái tô thì người chồng bị tai nạn giao thông, người vợ kêu bán. Lúc đó giá dưa 8.000 đồng/kg, đến khi tôi thu hoạch, giá chỉ còn gần 3.000 đồng/kg. Tính ra tôi lỗ gần 10 triệu đồng”.
Vụ dưa hấu năm nay, toàn tỉnh trồng hơn 750ha tập trung ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, người trồng dưa phải bán “rẻ như cho không”. Hậu quả là nhiều người trồng dưa rơi vào cảnh nợ nần. Để giải quyết “bài toán” này, các địa phương cần hướng dẫn cho bà con nông dân chuyển đổi cây trồng hợp lý, tránh tình trạng thua lỗ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2015 sắp khép lại, những khó khăn được dự báo từ đầu năm đã lộ diện và từng bước được tháo gỡ. Việt Nam đang đứng trước cánh cửa hội nhập sâu rộng khi đàm phán ký kết hiệp định TPP được hoàn tất và cánh cửa hội nhập AEC đã cận kề.
Những ngày này, trên nhiều cánh đồng lúa của tỉnh, bà con nông dân đang tranh thủ vệ sinh đồng ruộng và tất bật xuống giống lúa Đông xuân 2015-2016 theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Sau gần 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Với hiệu quả đáng tin cậy từ những vườn tiêu đã cho thu hoạch ở địa phương, hiện nay, nhiều người dân xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) đang đổ xô trồng tiêu với số lượng và quy mô ngày càng lớn, trên hầu hết diện tích chân cao đất sỏi ở địa phương.
Là 1 trong 2 xã được huyện Tây Sơn chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011-2015, đến nay, xã Tây An đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.