Ninh Thuận Nuôi Tôm Nước Lợ Theo Kỹ Thuật VietGAP
Tỉnh Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Tổng diện tích thả nuôi hiện nay là 1.040 ha; trong đó, tôm sú 40 ha, tôm thẻ chân trắng 1.000 ha, tổng sản lượng đạt gần 9.000 tấn/năm. Nghề nuôi tôm nước lợ đang ngày càng phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Tuy nhiên, điểm hạn chế là vẫn còn nhiều hộ sản xuất mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng tôm thịt thấp.
Để thúc đẩy nghề nuôi tôm nước lợ phát triển bền vững, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Dự án Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chí VietGAP. Sau 4 năm thực hiện, đến nay mô hình đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm này. Mô hình bắt đầu triển khai từ vụ 1 (năm 2011), với quy mô 12 ha.
Theo đó, 3 hộ thực hiện mô hình ở xã An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) được hỗ trợ kỹ thuật và một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi như hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước chuyên biệt. Anh Nguyễn Văn Dương, hộ nuôi tôm thành công ở An Hải cho biết: Nuôi tôm VietGAP theo quy trình khép kín, con giống được kiểm định chặt chẽ, kỹ thuật thả nuôi, lót bạt đáy ao, hệ thống sục khí đầu tư hiện đại.
Nhờ có sự hỗ trợ của dự án, anh đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống ao nuôi như xây tường quanh ao chắn cát bụi, dùng lưới che tránh con vật trung gian (chim trời) khuếch tán dịch bệnh, sử dụng chế độ thức ăn hợp lý, tuyệt đối không dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm. Do đó, tôm nuôi đạt tỷ lệ sống cao, kích cỡ đồng đều, màu sắc sáng bóng, năng suất trung bình đạt từ 20 đến 25 tấn/ha, cao hơn sản xuất thông thường 2 tấn/ha.
Từ kết quả vụ đầu, mô hình tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo. Đến nay, mô hình đã khẳng định được ưu điểm vượt trội như hạn chế dịch bệnh, năng suất và chất lượng tôm ngày càng được nâng cao. Theo anh Ngô Văn Hải, ở xã Phước Dinh, qua thực hiện mô hình, anh đã tiếp cận được kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến. Trước đây, việc vệ sinh ao, cho ăn, phòng bệnh không theo quy trình nào nên tôm vừa phát triển chậm, lại vừa chi phí cao. Từ khi nuôi theo tiêu chí VietGAP, năng suất ổn định, có vụ tăng vọt lên đến 40 tấn/ha.
Đánh giá kết quả mô hình, anh Vũ Hoài Chung, cán bộ Chi cục Nuôi trồng Thủy sản cho biết: Nuôi tôm theo tiêu chí VietGAP đã giải quyết được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, là hướng đi đúng, có lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng. Các tiêu chí VietGAP giúp nông dân quản lý tốt ao nuôi, nhận biết, xác định được ưu, khuyết điểm trong quá trình nuôi, tránh nhiều rủi ro, khó khăn thường gặp trước đây.
Việc ghi chép theo các tiêu chí đánh giá VietGAP giúp hộ nuôi am hiểu hơn về kỹ thuật, ý nghĩa của các thông số môi trường, thành thục hơn trong việc sử dụng thuốc, hóa chất điều trị bệnh, xử lý môi trường, giảm chi phí đầu tư, khả năng thành công và giá sản phẩm cao hơn so với nuôi thông thường.
Với ưu thế vượt trội của mô hình này, ngành Thủy sản đang đặt ra mục tiêu theo lộ trình trong năm 2015, có 30% diện tích ao nuôi áp dụng kỹ thuật VietGAP, đến năm 2020 tăng lên 80%.
Để nhân rộng mô hình, cơ quan chức năng đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết lại theo tổ, nhóm, hợp lực đầu tư cải tạo hạ tầng vùng nuôi trên quy mô công nghiệp để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, lấy doanh nghiệp thu mua, chế biến làm vai trò hạt nhân của các mối liên kết.
Có thể bạn quan tâm
Bò lai chiếm ưu thế so với bò cỏ cả về trọng lượng lẫn chất lượng thịt. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên đàn bò lai tăng nhanh, nhiều gia đình chỉ nuôi từ 1-2 con vài năm trước, giờ đã tăng đàn bò lên gần chục con. Hiện tổng đàn bò toàn tỉnh Bình Định gần 247 ngàn con, trong đó có khoảng 169 ngàn con bò lai, chiếm 68,7% tổng đàn.
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tăng cường phát triển các Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi nhằm nâng cao ý thức của người dân từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý trang trại đến bao tiêu sản phẩm.
Với giá trị kinh tế cao, hiện chưa có dấu hiệu dịch bệnh, sá sùng đang được xem là đối tượng nuôi mới, phù hợp ở vùng ven biển Khánh Hòa.
Khoảng vài năm trở lại đây, người dân ở đây đầu tư nuôi bò, có hộ vài con, có hộ lên tới hàng chục con.
Trong khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang mở rộng chuỗi sản xuất bằng cách mở rộng sang lĩnh vực nuôi trồng với nhiều lợi thế từ vốn, kỹ thuật, số nông hộ nuôi cá tra đang ngày trở nên yếu thế, hoặc bỏ nghề hoặc làm thuê cho doanh nghiệp.