Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ninh Thuận Nuôi Tôm Công Nghiệp Không Sử Dụng Kháng Sinh, Hóa Chất Theo VietGAP

Ninh Thuận Nuôi Tôm Công Nghiệp Không Sử Dụng Kháng Sinh, Hóa Chất Theo VietGAP
Ngày đăng: 16/01/2015

Năm 2014, diện tích thả tôm giống toàn tỉnh Ninh Thuận đạt 1.000 ha tôm thẻ chân trắng và 46 ha tôm sú, sản lượng thu hoạch khá 8.940 tấn, đạt 112 % kế hoạch và 113 % so năm 2013.

Năm vừa qua, tỷ lệ diện tích tôm nuôi bị bệnh giảm ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây: diện tích tôm bệnh là 105 ha chiếm 10% diện tích thả nuôi, chủ yếu ở giai đoạn 10 - 30 ngày tuổi với các dấu hiệu của bệnh do môi trường, đốm trắng, gan tụy.
Để hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP tại vùng nuôi trên cát thôn Hòa Thạnh, xã An Hải quy mô 2 ha với 5 hộ tham gia. Sau thời gian chuẩn bị kỹ về chỉnh trang ao, đìa, giăng lưới ngăn chim, nhà kho, hệ thống nước cấp và thải, xây dựng WC, cải tạo ao, chọn giống… tập trung thả tôm giống vào đầu tháng 8/2014.
Kết quả thực hiện mô hình, sau 71 ngày nuôi thu hoạch được 30 tấn (tôm cỡ 52 - 54 con/kg), giá bán 162 - 186.000 đồng/kg (do giá trên thị trường tăng cao) doanh thu 5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,4 tỷ đồng.
Tôm nuôi VietGAP nhanh lớn (do mật độ vừa phải), màu sắc đẹp, tỷ lệ sống cao, không bị bệnh, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, tôm nuôi VietGAP, có giá bán cao hơn tôm nuôi thường 12.000 - 15.000 đồng/kg vì hạn chế hoặc không dùng kháng sinh, do vậy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu dễ dàng.
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi, để thực hiện nuôi tôm theo quy trình VietGAP, không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi tôm, các bước thực hiện gồm có:
Bước 1: Chuẩn bị nước vào ao lắng (ao lót bạt):
Sau khi đã chuẩn bị ao chu đáo (tháo cạn, rửa sạch bạt, phơi khô, khử trùng), chăng lưới ngăn chim và lưới ngăn cua, còng, cáy… người nuôi lấy nước vào qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng, tôm, cua, còng cáy, cá tạp, côn trùng…(chờ con nước sạch mới lấy), dùng CLO để khử trùng nước, liều lượng 2kg/1000m³ nước, quạt nước liên tục trong 1 ngày rồi dùng tiếp BKC, liều lượng 2lít/1000m³ nước, 2 ngày sau dùng vôi (CaC03) liều lượng 70kg/1000m³, hòa tan té xuống ao để ổn định pH, dùng EDTA liều lượng 5kg/1000m³ nước để khử kim loại nặng và ổn định độ kiềm.
Bước 2: Gây màu nước tại ao nuôi:
Khi đã đưa nước vào ao nuôi, tiến hành gây màu nước theo công thức 4:2:1 (cứ 4 kg đường mật + 2 kg thóc xay + 1 lít E.M), ủ với 40 lít nước, thời gian 4 - 5 ngày, sau khi đã lên men, té xuống ao để gây màu nước với liều lượng 400 lít/1000m³ nước, té liên tục trong 3 ngày là màu nước lên đẹp, đảm bảo cho tôm phát triển tốt.
Bước 3: Chọn và thả tôm giống

+ Chọn tôm giống: Thả tôm giống P15, tôm có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, tôm âm tính về các bệnh: MBV, đốm trắng, đầu vàng, IMNV, gạn tụy…
+ Thả đúng mùa vụ, chọn thời điểm mát để thả (chiều tối), mật độ 100 con/m².
Bước 4: Chăm sóc, quản lý
+ Cho ăn: Chọn loại thức ăn có độ đạm từ 32 - 38%, có nhãn mác rõ ràng, có uy tín, cho ăn 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng địa điểm), kích cỡ thức ăn theo độ tuổi của tôm. Ngày cho ăn 4 lần (sáng, gần trưa, đầu giờ chiều, chiều tối), đặc biệt phải chú ý dùng quạt nước 24/24 giờ để tôm đủ oxy.
Sau khi nuôi được 3 ngày bắt đầu dùng chế phẩm sinh học E.M, liều lượng 1 lít/1000m³ nước, định kỳ 5 - 7 ngày bón một lần (tùy theo màu nước để quyết định bón E.M, nếu màu nước đậm đặc không bón nữa). Nếu nước xuất hiện nhiều tảo lam thì tiến hành thay nước (1/3 nước trong ao), chú ý phải thay vào ban đêm, sáng hôm sau bón tiếp chế phẩm sinh học E.M. Khi nhiệt độ cao hơn 34 độ C và thấp hơn 24 độ C, giảm 20% thức ăn.
Trong ao nuôi tôm, chế phẩm sinh học (CPSH) rất hữu ích vì CPSH phân hủy hết các chất hữu cơ, thức ăn thừa, khí độc…làm sạch đáy ao, ổn định màu nước, ức chế các vi sinh vật có hại, thúc đẩy các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng sức khỏe cho tôm, do đó tôm lớn nhanh, ít bệnh, hiệu quả cao hơn hình thức nuôi khác rất nhiều.
+ Chăm sóc: trong quá trình nuôi, người nuôi cần luôn quan sát màu nước và sức khỏe tôm để xử lý hàng ngày (quyết định lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, bổ sung nước…). Thường xuyên bổ sung khoáng vào môi trường nước và thức ăn cho tôm, ngoài ra còn phải cho tôm ăn thêm vitamin C, bổ gan, cho ăn liên tục từ khi tôm được 20 ngày tuổi cho đến lúc thu hoạch. Chi phí sử dụng chế phẩm sinh học và các chất bổ sung khoảng 10.000 đồng/kg tôm thương phẩm.
+ Quản lý môi trường nước: Hàng ngày người nuôi cần tiến hành đo các yếu tố như nhiệt độ, pH, DO, NH3, độ mặn, độ kiềm để xử lý kịp thời…
Trong điều kiện giá tôm chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu ngày càng chịu sự kiểm tra gắt gao của nước nhập khẩu có quy định chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng các chất kháng sinh (yếu tố hóa học) và tồn tại của vi khuẩn độc hại (yếu tố sinh học); quy trình sản xuất sạch của mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP sẽ tạo bước đột phá, giúp nghề nuôi tôm thương phẩm tỉnh Ninh Thuận phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Mùa Ủ Ướp Mùa Ủ Ướp

Những ngày này, đi dọc tuyến đường vào các khu sản xuất thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), các xã Tân Lập hay Vân Hồ (Mộc Châu), thấy từng đoàn xe chở cây ngô đã băm vụn về khu vực chăn nuôi bò sữa làm ủ ướp. Dưới cái nắng dịu của miền thảo nguyên, đi qua những đồng cỏ xanh mượt, tôi đã ngửi thấy mùi ngai ngái của cỏ, của ngô cây từ những hầm ủ ướp đang giai đoạn lên men. Mùa ủ ướp đang rộ.

12/08/2013
Hơn 90% Tàu Đánh Bắt Cá Ngừ Không Hoạt Động Hơn 90% Tàu Đánh Bắt Cá Ngừ Không Hoạt Động

Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, từ tháng 4-2013 đến nay, chỉ có 117/973 tàu công suất trên 90CV tham gia đánh bắt hải sản xa bờ, số còn lại phải hầu như không hoạt động.

12/08/2013
“Cánh Đồng Mẫu” Giúp Tăng Năng Suất, Chất Lượng, Hiệu Quả Sản Phẩm “Cánh Đồng Mẫu” Giúp Tăng Năng Suất, Chất Lượng, Hiệu Quả Sản Phẩm

Liên kết trong sản xuất giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và Ngân hàng là một trong những mô hình được thực hiện khá hiệu quả ở Bến Tre trong hơn 3 năm qua, trong đó, vai trò của DN là rất quan trọng. Cánh đồng mẫu của Chi cục Bảo vệ thực vật là một điển hình.

13/08/2013
Phương Thức Chăn Nuôi Vịt Cá Lúa Kết Hợp Phương Thức Chăn Nuôi Vịt Cá Lúa Kết Hợp

Trên một diện tích đồng ruộng từ trước tới nay chỉ thu 1 sản phẩm độc canh là lúa thì nay thu 3 loại sản phẩm là lúa, cá, vịt. Ở những vùng phèn mặn thì từ 1 vụ lúa bấp bênh nay có thể sản xuất 2 – 3 vụ lúa ăn chắc do có bờ bao giữ cá, giữ nước, ngăn được nước mặn, nước phèn và lũ lụt.

31/07/2013
Chăm Sóc Vườn Cây Ăn Quả Trong Mùa Mưa Chăm Sóc Vườn Cây Ăn Quả Trong Mùa Mưa

Tỉa cành, tạo tán cây thích hợp trước mùa mưa: Cắt tỉa những cành tăm trong khung tán lá, cành có sâu bệnh, cành đã thu quả, cành vượt, tạo khung tán lá có dạng hình cái dù hoặc mâm xôi, làm cho vườn cây thông thoáng. Với những loại cây mà bộ rễ ăn nông (ví dụ như đu đủ) nên cắm cọc ở gần gốc cây rồi buộc cây vào cọc để chống đổ ngã (tốt nhất là cắm 3 cọc chụm lại theo kiểu hình chóp). Khơi thông cống rãnh xung quanh và mặt vườn để thoát nước nhanh.

14/08/2013