Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhập Nhằng Phân, Thuốc Lúa Đẹp, Hạt Lép

Nhập Nhằng Phân, Thuốc Lúa Đẹp, Hạt Lép
Ngày đăng: 29/07/2014

Một số thương lái thua lỗ nặng khi mua phải lúa hàng hóa sử dụng sản phẩm phân bón "đẹp màu". Thực chất công dụng của sản phẩm này chỉ sử dụng cho rau màu nhưng nhiều nông dân phun trên cây lúa.

Lúa đẹp mã, chất lượng kém

Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân ấp Phú Thọ, xã Tân Phú, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) nói: "Hiện có rất nhiều sản phẩm phân bón phun trên lá bày bán ngoài thị trường. Nông dân chúng tôi rất rối trí khi chọn mua phân bón để phun cho cây trồng. Điển hình là các sản phẩm siêu ra hoa, đậu trái, hạ phèn, ra rễ nhanh, to hạt, đẹp màu.

Nếu nông dân mua sử dụng cho cây trồng thì sẽ thu được kết quả là... siêu tốn tiền. Công dụng của một số sản phẩm chỉ sử dụng cho rau màu nhưng nông dân phun cho lúa.

Kết quả hạt lúa rất sáng đẹp nhưng lúc thu hoạch hạt không no, có hiện tượng nứt vỏ trấu, làm gạo hư, lúa thu hoạch chỉ qua đêm bốc mùi chua, có chất nhớt. Do phân bón dạng nước quá hỗn loạn, nhà nông nghe đồn đại sản phẩm nào tốt thì liền tìm mua về sử dụng.

Tôi đã từng mua Lacasoto về định phun cho 3,5 ha lúa nhưng khi nghe thương lái phản ứng tình trạng chất lượng hạt lúa giảm, thế là bỏ toàn bộ".

Ông Trương Phước, nông dân ở tỉnh Vĩnh Long, từng làm cộng tác viên cho hơn chục Cty phân bón chia sẻ: "Thị trường phân bón dạng chai nước không sao kể hết và việc kinh doanh là do đạo đức nghề nghiệp của các đại lý.

Nhiều Cty SX, kinh doanh phân bón dạng nước vì lợi nhuận, nghĩ ra rất nhiều chiêu thức để móc túi nhà nông như: Bán hàng trực tiếp, thông qua các Chi hội Nông dân hoặc mượn danh nghĩa của Ban Nông nghiệp xã bán hàng theo hình thức hỗ trợ thực hiện mô hình, hội thảo.

Họ bán một lần... không quay trở lại. Nếu tiêu thụ thông qua hệ thống đại lý cấp 2 thì mức chiết khấu từ 30 - 40%. Nhãn hiệu hàng hóa thì Cty nhái gần giống nhãn hiệu của DN uy tín, giá bán thì đẩy lên gần với các sản phẩm chính hiệu để đánh lừa nhà nông".

Vị giám đốc một Cty phân bón lá đề nghị: "Ngành hữu quan cần có biện pháp thật quyết liệt và phải nghiêm minh trong việc xử lý những Cty SX hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi phát hiện cần thông tin rộng rãi lên báo, đài và phải áp dụng biện pháp truy nguyên nguồn gốc của lô hàng và buộc Cty phải bồi thường cho toàn bộ nông dân đã sử dụng phải lô hàng kém chất lượng căn cứ theo ngày SX".

Giám đốc một Cty phân bón lá nói: "Trên thị trường phân bón dạng nước hiện nay chỉ khoảng 20 Cty giữ được uy tín và chất lượng. Những Cty mới chưa có tên tuổi đi chào hàng thông qua các nhân viên thị trường thì làm ăn theo kiểu chộp giựt.

Việc đăng ký giấy phép kinh doanh quá đơn giản, lệ  phí chỉ 500.000 đồng. Có nhiều ông giám đốc cùng một lúc có thể cầm trong tay vài giấy phép kinh doanh phân bón và khi đó sẽ có nhiều nhãn hiệu phân bón rởm đi theo.

Khi bị ngành chức năng phát hiện thì họ sẵn sàng bỏ giấy phép, bỏ nhãn hiệu. Nếu bị xử phạt, mức phạt tối đa 60 triệu đồng/mẫu thì chưa đủ sức răn đe. Chỉ cần trót lọt một lô hàng là họ thu lợi rất nhiều so với mức đóng phạt".

Chờ Thông tư

Bà Đặng Thị Hoàng Anh, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Vĩnh Long, nói: "Theo Nghị định mới về quản lý phân bón thì ngành nông nghiệp chỉ có quyền quản lý, kiểm tra phân hữu cơ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm Thanh tra Sở đã tiến hành lấy 7 mẫu tại các đại lý phân bón kiểm tra.

Kết quả đều đảm bảo chất lượng. Còn đối với lĩnh vực phân vô cơ, việc kiểm tra, thu thập mẫu thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Công thương".

Ông Nguyễn Thành Phước, Chánh Thanh tra Sở Công thương Vĩnh Long, cho biết: "Nghị định quản lý phân bón mới đã ban hành cuối năm 2013, theo đó phân vô cơ giao cho Thanh tra Sở Công thương quản lý.

Tuy nhiên, để thực hiện được Nghị định này thì Sở đang chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương. Chính vì lẽ đó mà từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở vẫn chưa thể tổ chức thực hiện được cuộc thanh, kiểm tra độc lập nào.

Mặt khác, lực lượng Thanh tra Sở từ trước đến nay chỉ có 3 người và tất cả không có nghiệp vụ về chuyên ngành quản lý phân vô cơ. Hiện tại, việc quản lý, thanh kiểm tra mặt hàng phân bón phải phối hợp với Chi cục Quản lý Thị trường thực hiện.

Giải pháp của tỉnh Vĩnh Long là đang sử dụng lực lượng liên ngành của Ban Chỉ đạo 389. Chỉ có lực lượng này mới được phép kiểm tra, lấy mẫu và xử phạt các cơ sở SX và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng".

Với việc phân cấp quản lý, phải chờ lộ trình thực hiện và từ nay đến ngày có Thông tư hướng dẫn thì thị trường phân bón vẫn còn lộn xộn.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Bằng Sông Cửu Long Sẽ Là Vùng Nông Sản Lớn Toàn Cầu Đồng Bằng Sông Cửu Long Sẽ Là Vùng Nông Sản Lớn Toàn Cầu

Phạm vi quy hoạch vùng ĐBSCL gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau

17/03/2011
Họp 4 Bên Về Vấn Đề Cá Tra Tại Thụy Sĩ Họp 4 Bên Về Vấn Đề Cá Tra Tại Thụy Sĩ

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Vasep, ngày 23/3/2011, ông Mark Powell đã đồng ý với đề nghị của VASEP tổ chức một cuộc họp 4 bên (WWF quốc tế, WWF Việt Nam, VASEP và Vinafish).

31/03/2011
Xét Nghiệm Thành Công Bệnh Vi Bào Tử Ở Tôm Sú Xét Nghiệm Thành Công Bệnh Vi Bào Tử Ở Tôm Sú

Ngày 6/4, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu cho biết, sau nhiều tháng theo dõi, nghiên cứu, đơn vị đã thực hiện xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú

16/04/2011
Mô Hình Trang Trại Tổng Hợp Có Mức Tăng Trưởng Cao Mô Hình Trang Trại Tổng Hợp Có Mức Tăng Trưởng Cao

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP Hà Nội, toàn thành phố hiện có 3.200 trang trại sử dụng 8.200ha đất. Qua khảo sát, các trang trại tổng hợp như VAC, VACR có mức tăng trưởng lớn nhất (so với các trang trại chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp).

24/04/2011
Mô Hình Trồng Xoài Bao Trái Hiệu Quả Cao Mô Hình Trồng Xoài Bao Trái Hiệu Quả Cao

Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về cây ăn trái nói chung và xoài nói riêng đang hướng tới chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, mô hình trồng xoài bao trái ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A đang được đông đảo các nhà vườn áp dụng.

10/02/2012