Niên Vụ Cà Phê 2014 - 2015 Dự Kiến Năng Suất Tăng, Sản Lượng Giảm

Vụ cà phê 2014 - 2015 đã bắt đầu thu hoạch. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và của người nông dân trồng cà phê, năng suất cà phê năm nay bằng hoặc cao hơn vụ trước nhưng sản lượng có thể giảm từ 15% đến 20%.
Phấn khởi trước thông tin giá cà phê liên tục tăng trong khoảng 10 ngày trở lại đây, ông Rơ Chăm Ki (làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, không chỉ được giá mà năng suất năm nay nhiều khả năng cao hơn năm trước. Theo ước tính với 2 ha cà phê, gia đình ông thu trên 22 tấn cà phê tươi, cao hơn năm trước khoảng 4 tấn.
Hiện gia đình chỉ mới thu bói một ít và đã bán với giá 7.500 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn thời điểm này năm trước 2.000 đồng/kg. Ông Ki chia sẻ thêm, cũng như mọi năm vì quỹ đất của gia đình đã hết, không có đất làm sân phơi nên thường thu hoạch đến đâu thì sẽ bán ngay cho đại lý và cũng không ký gửi tại đại lý.
Theo ông Ki, hầu như bà con trồng cà phê trong làng thường bán ngay sau khi thu hoạch chứ không để lại phơi, một phần vì thiếu tiền chi tiêu, phần thì không có sân phơi. Chung niềm vui cà phê được giá, ông Rơ Chăm Kuch (người cùng làng Blang 1) cho biết 5 ha cà phê của ông dự kiến thu hoạch rộ vào trung tuần tháng 11 tới, năng suất ước đạt khoảng 15 tấn cà phê tươi/ha, cao hơn năm trước khoảng 2 đến 3 tấn/ha.
Ông Nguyễn Phùng Hưng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Tổng diện tích cà phê toàn huyện Ia Grai là 16.720 ha, trong đó hơn 12.837 ha cà phê của nhân dân, diện tích còn lại của doanh nghiệp. Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện mới thu bói, vào khoảng tháng 11-2014 bắt đầu thu rộ.
Do vụ thu hái cà phê mới bắt đầu nên chưa xảy ra tình trạng thiếu nhân công như những năm trước. Qua khảo sát thực tế các vườn cà phê, dự báo năng suất cà phê năm nay có thể ngang hoặc nhích hơn niên vụ cà phê trước nhưng năng suất tăng thêm không đáng kể. Năng suất bình quân cà phê vụ 2013 - 2014 của huyện đạt 29 tạ/ha.
Không chỉ huyện Ia Grai, mà nông dân trồng cà phê tại các địa phương của tỉnh đã bắt đầu thu hái cà phê bói trong niềm vui khi giá thu mua cà phê thời điểm đầu vụ tăng hơn niên vụ trước. Người trồng cà phê kỳ vọng giá sẽ còn tiếp tục biến động theo hướng có lợi cho người trồng, chí ít là giữ ở mức giá hiện tại để kết thúc niên vụ cà phê thắng lợi.
Dù vụ thu hái cà phê mới bắt đầu, song việc giao thương mua-bán cà phê diễn ra khá sôi động. Bà Kiều-chủ điểm thu mua Thuyết Kiều đứng chân trên địa bàn xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) cho biết: Thời điểm này, người dân chỉ mới thu rải rác nên hái xong thường bán luôn chứ không ký gửi. Giá mua cà phê hiện dao động từ 7 đến 8 ngàn đồng/kg cà phê tươi. Tùy theo chất lượng cà phê chín hay xanh mà giá mua chênh nhau khoảng 1 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Không nhộn nhịp người mua kẻ bán như ở Ia Dêr, các điểm thu mua cà phê tươi tại huyện Đak Đoa vẫn chưa bắt đầu vì hiện cà phê trên địa bàn chưa vào vụ thu hoạch, người dân mới hái bói một số ít.
Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn 2, xã Tân Bình) cho biết, hiện cà phê chưa chín nhiều nên tôi không hái vì thu hoạch như vậy rất tốn công, khoảng nửa tháng nữa thì mới bắt đầu vào thu hoạch rộ. Gia đình ông Sơn cũng như các hộ trồng cà phê khác trên địa bàn hầu như đều chủ động sân phơi (sân xi măng) để phơi chứ không bán tươi hay ký gửi cho các doanh nghiệp, điểm thu mua.
Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, năng suất cà phê niên vụ này bằng hoặc cao hơn năm ngoái nhưng tổng sản lượng niên vụ cà phê 2014 - 2015 của Gia Lai nói riêng và Tây nguyên nói chung sẽ giảm 15 - 20% so với niên vụ trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp sản lượng cà phê của vùng Tây Nguyên liên tiếp giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là diện tích cà phê ở Tây Nguyên đều có tuổi đời từ 20 đến 30 năm khai thác, vườn cây già cỗi nên sản lượng và năng suất đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ.
Có thể bạn quan tâm

Trong tự nhiên, cá rô phi và cá trê lai là loài ăn tạp, bao gồm sinh vật phù du, tảo sợi, rong có lá, động vật đáy, các loài nhuyễn thể, tôm cá con và cả mùn bã hữu cơ. Tính ăn mồi động vật của hai loại cá này tích cực ở giai đoạn cá con, giai đoạn 1 - 9 cm cá ăn mồi sống rất mạnh. Tuy nhiên khi cá lớn, chúng chuyển sang chủ yếu thực vật như rong, tảo, giảm bắt mồi động vật. Nói chung đây là hai loài cá dễ nuôi, dễ ăn, mau lớn. Một ưu điểm nữa của cá trê lai, đó là loài cá có sức chống chịu cao đối với điều kiện xấu của ao nuôi.

Từ đầu tháng 7 đến nay, ngư dân các xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam - Ninh Thuận) được mùa cá cơm. Mỗi ngày có trên 30 lượt tàu, thuyền địa phương và hàng trăm tàu, thuyền vãng lai khác cập cảng Cà Ná.

Một số bà con ở Trà Vinh đang nuôi một giống tép được coi là có sức đề kháng tốt, có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, loài tép này có khả năng không nhiễm các loại bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh gây hoại tử gan tuỵ. Loài thuỷ sản này có tên là tép bạc bông.

Thậm chí có cây chết dần mà chưa rõ nguyên nhân. Ông ba Mau, nhà ở vồ Pháo Binh cho biết, ông trồng hàng chục cây sầu riêng, những năm đầu cho trái rất sai, nhưng chỉ sau vài năm thì sầu riêng cho trái ít lại và không mang lại hiệu quả kinh tế.

Cuối năm 2011, từ Dự án Thoát nghèo bền vững, huyện Thuận Nam đã triển khai Chương trình Nuôi bò vỗ béo cho nông dân Trà Nô, xã Phước Hà. Sau một năm thực hiện, chương trình đã mang lại tín hiệu vui cho nhiều hộ nghèo.