Niềm Vui Từ Vụ Tôm Xuân Hè 2013
Những ngày này, đến vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Giao Phong (Giao Thủy - Nam Định) thấy ai cũng phấn chấn, hồ hởi. Bởi vụ tôm xuân hè năm nay mặc dù gặp khó khăn đầu vụ do dịch bệnh, nhưng nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn được mùa, được giá.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7, tranh thủ thời tiết thuận lợi, hàng trăm người dân xã Giao Phong đổ ra các ao, đầm thu hoạch tôm để bán cho thương lái. Tại vùng nuôi tôm tập trung của HTX nuôi trồng thủy sản I Giao Phong, không khí lao động tấp nập, khẩn trương, người người hối hả chuyền tay nhau những rổ tôm đầy ắp, tiếng nói, cười rôm rả.
Những ao nuôi tôm thu hoạch xong, đang cải tạo, phơi đáy chờ nuôi vụ 2. Anh Phạm Văn Công, ở đội 1 cho biết, vụ này, gia đình anh thả gần 65 vạn con tôm thẻ chân trắng trong 0,8ha ao nuôi, sau gần 3 tháng chăm sóc, anh thu hoạch được trên 8 tấn tôm thương phẩm, lãi ròng trên 300 triệu đồng... Những năm trước, một số hộ đã bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, nhưng do thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên hiệu quả thấp.
Để chuyển đổi các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh sang nuôi công nghiệp, xã Giao Phong đã quy hoạch được vùng nuôi tập trung, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh cấp và tiêu, bảo đảm điều hành nước hợp lý cho các vùng nuôi. Các hộ dân được xã tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT huyện để đầu tư cải tạo ao đầm, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc nuôi tôm.
Trong 2 năm 2011 - 2012, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản đã phối hợp với Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN và PTNT), Phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP), an toàn dịch bệnh (CoC) cho các hộ nuôi.
Một số hộ nuôi trồng thủy sản trong xã đã liên kết thành lập HTX nuôi trồng thủy sản I Giao Phong, để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý môi trường nuôi nhằm tạo ra các vùng nuôi chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, cho hiệu quả bền vững.
Đến nay, HTX nuôi trồng thủy sản I Giao Phong có 47 hộ tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 42ha. Hầu hết các hộ trong HTX đã nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp và áp dụng phương pháp nuôi bền vững theo GAP/CoC. Qua từng vụ, các hộ nuôi đã cải tiến, trên bờ các ao nuôi được xây tường thẳng đứng, cao khoảng 0,4 - 0,5m thay lưới chống cua, đồng thời giữ tôm không văng ra khỏi ao khi gặp gió to, sóng lớn.
Các vị trí thoát nước mưa ở bờ, thoát nước mặt ở ao được bố trí hợp lý để khi gặp mưa lớn, nước mưa không chảy xuống ao, ảnh hưởng đến môi trường nước, tôm không bị sốc. Đáy ao luôn sạch, bảo đảm không còn tồn dư chất thải và thức ăn thừa gây ô nhiễm nguồn nước cũng như không sinh ra các loại khí độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm…
Đầu vụ năm nay thời tiết mưa, nắng thất thường, tại HTX có một số diện tích tôm chết do bệnh đốm trắng và hoại tử gan, tụy. Để tránh lây lan, xã Giao Phong đã cung cấp cho HTX 700kg hoá chất Calcium hypochlorite để khử trùng, làm sạch môi trường, diệt mầm bệnh, đồng thời yêu cầu các hộ có diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh phải tẩy trùng triệt để, khoanh vùng, cách ly; không xả nước thải, tôm chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.
Các cơ quan chuyên ngành đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệm và khuyến cáo kịp thời tới các hộ nuôi. Trại giống Bình Định cam kết hỗ trợ 30% tiền giống cho các hộ nuôi mua giống của trại, nếu xảy ra dịch bệnh trong 1 tháng bắt đầu từ khi thả giống. Các hộ nuôi tôm bị dịch bệnh đã thực hiện tốt việc cải tạo và khử trùng môi trường ao nuôi, đảm bảo nguồn nước sạch để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.
Do triển khai kịp thời các biện pháp xử lý, phòng ngừa dịch bệnh nên tuy vụ tôm xuân hè năm nay không bội thu như năm ngoái, nhưng đến thời điểm này đa phần các ao nuôi đều có lãi. Anh Cao Văn Nhâm ở đội 4 phấn khởi cho biết: “Đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp, hiệu quả kinh tế có thể cho lãi đến 50 - 60%, thời gian nuôi mỗi vụ chỉ từ 65 - 80 ngày.
Gia đình tôi có 1ha ao nuôi, mỗi năm nuôi ăn chắc 2 vụ, tùy điều kiện có thể nuôi thêm vụ thứ 3; riêng năm ngoái, sau khi xuất bán, trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng. Năm nay, vụ 1 gia đình tôi vừa thu hoạch cách đây khoảng nửa tháng được 10 tấn tôm, lãi khoảng 400 triệu đồng.
Hiện tại, gia đình tôi đang thuê máy về cải tạo, đào sâu đáy ao, đắp cao bờ, chuẩn bị nuôi tiếp vụ 2”. Vụ tôm xuân hè năm nay, năng suất bình quân của HTX nuôi trồng thủy sản I Giao Phong đạt 7 tấn/ha. Nhiều hộ đạt năng suất cao tới 10 tấn/ha như hộ các ông: Nguyễn Văn Thắng đội 2, Phạm Văn Huy đội 3, Trần Văn Quynh đội 4…
Theo phản ánh của các hộ nuôi tôm nơi đây, năm nay chi phí đầu tư cho nuôi tôm như thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học, công lao động... tăng cao. Tuy nhiên tại thời điểm xuất bán, giá tôm thương phẩm vụ này cũng cao hơn các vụ trước, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá từ 110 - 135 nghìn đồng/kg; loại 70 con/kg giá từ 135 - 165 nghìn đồng/kg, nên sau khi trừ mọi chi phí, 1 tấn tôm thương phẩm cho lãi ròng từ 30 - 40 triệu đồng.
Sau vụ tôm xuân hè, các hộ nuôi tôm ở xã Giao Phong lại đang chuẩn bị các điều kiện, cải tạo ao đầm nuôi vụ 2, với hy vọng thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ thuận lợi, để nông dân có thêm những vụ nuôi tôm bội thu.
Có thể bạn quan tâm
Theo đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh của tỉnh chỉ còn 4.072ha do có 428ha sẽ chuyển sang nuôi tôm chân trắng; chuyển 202ha tôm sú quảng canh cải tiến sang nuôi tôm chân trắng (diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến còn lại 13.149ha) và 1.280ha nuôi tôm sú - lúa chuyển sang nuôi tôm chân trắng (diện tích mô hình này còn lại 7.620ha).
Mô hình đã thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và ương lươn giống theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thức ăn phù hợp, không sử dụng thuốc hóa học, góp phần giảm chi phí sản xuất, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người nuôi và môi trường xung quanh.
Ngày 20/7, Ban lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam do ông Lê Minh Châu - Phó Tổng giám đốc dẫn đầu đã đi kiểm tra tiến độ trồng cây cao su tại Thanh Chương. Cùng đi có ông Phạm Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An.
Hiện nay, cúc tiger đất và vạn thọ được trồng tập trung ở những khoản đất gò, đê bao hoặc được nông dân xã Tân Khánh Đông lên liếp trồng rải vụ quanh năm cặp sông Tiền với diện tích khoảng 15ha.
Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức dịch vụ bán phân trả chậm cho nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh.