Triển Khai Gói Tín Dụng Hỗ Trợ Ngư Dân
Vụ Tín dụng kinh tế ngành (thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã công bố dự thảo hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản theo chỉ đạo cấp bách của Chính phủ. Gói tín dụng hỗ trợ ngư dân sẽ chính thức được triển khai vào ngày 25.8.
Đối tượng nào được vay?
Theo dự thảo này, các chủ tàu đặt hàng đóng mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên; nâng cấp tàu cũ có công suất trên 400 CV để khai thác và cung cấp dịch vụ khai thác hải sản xa bờ sẽ được tiếp cận với nguồn tín dụng. Nguồn này dự kiến ban đầu gồm 10.000 tỉ đồng từ ngân sách và sẽ tăng lên theo khả năng, tiềm lực tài chính của từng ngân hàng (NH).
Khác với gói cho vay đã triển khai thí điểm trước đó vào năm 1997, Bộ KH-ĐT, Bộ Thủy sản tiến hành phê duyệt cho vay theo đề xuất của UBND các tỉnh, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sự khác biệt nằm ở chỗ các NH thương mại trực tiếp đứng ra thẩm định, phê duyệt cho vay bằng đồng vốn của mình, trên cơ sở hỗ trợ một phần của nhà nước bằng nguồn tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi. Khi đó, đồng tiền sẽ được “bơm” một cách có hiệu quả, chặt chẽ hơn rất nhiều nhưng nó cũng đòi hỏi chủ tàu, ngư dân phải có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả gốc và lãi đúng hạn.
Ngoài điều kiện tàu phải có công suất từ 400 CV trở lên, dự thảo đưa ra hai điều kiện khác bao gồm: Thứ nhất, chủ tàu có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể. Thứ hai, phương án này được các NH thẩm định có hiệu quả, khả thi.
Một “nút thắt” rất lớn trong dự thảo đó chính là “tài sản đảm bảo” được tháo gỡ. Trước kia, ngư dân không thể tiếp cận nổi vốn tín dụng do hầu hết không có tài sản có giá trị để thế chấp, thì nay được thế chấp bằng chính con tàu của mình hình thành bởi nguồn vốn vay.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng, đột phá rõ nhất nằm ở việc chính sách đã không còn mang nặng tính bao cấp, xin - cho. Ông cũng khẳng định điều quan trọng nhất là phải có sự công khai, minh bạch và phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành và địa phương nơi phê duyệt danh sách ban đầu các đối tượng được vay vốn.
Lãi vay trung, dài hạn tối đa 1 - 3%/năm
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, với chính sách mới các chủ tàu được vay tối đa từ 70 đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu với thời hạn vay là 11 năm. Riêng năm đầu tiên được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp.
Đặc biệt, ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1 - 3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Ngoài ra, cho vay vốn lưu động lên tới 70% chi phí cho chuyến đi biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển; mức lãi suất cho vay trong năm đầu tiên là 7%/năm.
Ông Trần Bắc Hà cho biết, hiện BIDV đang triển khai các tổ cho vay cả vốn đóng tàu và lưu động đến từng địa bàn tư vấn, giải thích cho ngư dân về chính sách ưu đãi. BIDV đã đăng ký 15.000 tỉ đồng hạn mức tín dụng cho vay trung dài hạn đóng tàu, cho vay làm dịch vụ hậu cần, vay vốn lưu động…
Ngoài mức lãi suất cho vay trung và dài hạn đóng tàu công suất lớn dao động từ 1 - 3%/năm, BIDV sẽ cho vay lãi suất lưu động vốn ngắn hạn với lãi suất 5%/năm.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mùa năm nay huyện Bạch Thông gieo cấy được 1.600ha lúa. Thời điểm này cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ và làm đòng. Đây là thời kỳ rất mẫn cảm với sâu bệnh hại vì vậy huyện Bạch Thông đang chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã thị trấn tập trung các biện pháp phòng trừ kịp thời.
5 năm về trước, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân ( Nghĩa Hành) từng là “thủ phủ” của nghề trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng từ 60 hộ tham gia, đến nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn 1/4…
Ngày 28/8, Công ty Điện lực Bình Thuận đã có văn bản thông tin công tác bảo dưỡng và thí nghiệm định kỳ lưới điện theo quy định của thông tư 32 Bộ Công thương.
Theo UBND Đắk Mil, toàn huyện hiện có trên 21.100 ha cà phê, trong đó có không ít diện tích do nhân dân trồng không theo quy hoạch, chưa chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, công nghệ thu hoạch, chế biến còn lạc hậu… nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng và Bộ trưởng NN&PTNT, đề nghị có buổi đối thoại công khai vào đầu tháng 9/2014 với doanh nghiệp (DN), liên quan đến Nghị định 36 về cá tra.