Niềm Vui Từ Mô Hình Lúa Xen Hoa
Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên (Quảng Ninh) vừa triển khai thành công mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng các hoạt chất sinh học. Kết quả bước đầu cho thấy, việc triển khai mô hình này đã giúp giảm trừ sâu bệnh hại lúa...
Vụ mùa năm 2014, tham gia mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng các hoạt chất sinh học, gia đình bà Phạm Thị Phu (khu 1, phường Yên Hải) đã gieo thẳng giống lúa Thiên ưu 08 trên diện tích 2 sào canh tác, kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng lúa.
Bà Phu kể: “Như mọi năm, gia đình tôi cấy lúa vụ mùa thì phải tiến hành phun thuốc BVTV từ 4 đến 5 lần, nhưng năm nay, khi thực hiện cấy lúa và trồng hoa ven bờ thế này, tôi thấy sâu bệnh không có nhiều nữa, gia đình tôi đã giảm được 2 lần phải đi xịt thuốc trừ sâu, không những giảm tiền mua thuốc mà còn đỡ tốn công sức đi phun. Thêm một điều nữa là việc sử dụng các hoạt chất sinh học cũng giúp gia đình tôi bớt đi kinh phí mua phân hoá học bón cho cây…”.
Với diện tích 10ha triển khai mô hình, phường Yên Hải có 145 hộ nông dân xã viên HTX Hải Yến tham gia. Trong quá trình thực hiện, các hộ đã nghiêm túc tuân thủ kỹ thuật gieo cấy lúa, trồng và chăm sóc hoa trên bờ xung quanh ruộng và thực hiện đúng nguyên tắc trong sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng. Hiện nay diện tích trồng lúa xen trồng hoa này đều sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Đặng Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX Hải Yến, chia sẻ: “Phải nói, ruộng đồng nhờ mô hình này mà có một cảnh quan thật đẹp; dưới ruộng lúa đang giai đoạn đòng già, trên bờ hoa nở rộ... Bà con xã viên HTX chúng tôi đều thấy rõ lợi ích thiết thực của mô hình đem lại, ai cũng hài lòng vì đỡ tốn công sức, chi phí để chăm sóc mà lúa vẫn phát triển tốt. Điều đó cho thấy sắp tới sẽ có một vụ mùa năng suất, sản lượng cao”.
Mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng hoạt chất sinh học được Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên triển khai thí điểm tại hai địa phương là xã Sông Khoai và phường Yên Hải, với sự tham gia của 264 hộ, tổng diện tích canh tác 20ha.
Mô hình được xây dựng theo quy trình: Gieo sạ giống lúa mới Thiên ưu 08 (là giống lúa thuần chất lượng, cho năng suất cao) và sử dụng chế phẩm sinh học Wehg (là loại chế phẩm có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, làm giảm sâu bệnh có nguồn gốc từ trong đất), kết hợp với việc trồng hoa trên đồng ruộng…
Nói về mô hình này, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên Đoàn Văn Hạnh cho biết: “Đây là mô hình mang tính chất tổng hợp các biện pháp kỹ thuật. Chúng tôi lựa chọn hoa hướng dương và hoa mào gà là hai loại hoa mùa hè, phù hợp với gieo cấy vụ mùa.
Với màu sắc hoa đỏ, vàng, trắng cùng hương thơm toả ngát, các cây hoa này rất dễ thu hút các loài ong, bướm và côn trùng - Những loài thiên địch có ích sẽ giúp cân bằng sinh thái đồng ruộng, giảm mật độ sâu bệnh trên ruộng lúa... Và việc đưa giống lúa Thiên ưu 08 là giống lúa mới là để đánh giá khả năng phát triển của cây lúa đối với đồng đất của địa phương.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, lúa Thiên ưu 08 phát triển tốt, đòng to, nhiều hạt, trên diện tích triển khai mô hình, người nông dân đã giảm được nhiều lần phun thuốc trừ sâu nên hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Ngoài lợi ích về kinh tế, mô hình còn góp phần bảo vệ sức khoẻ người nông dân, bảo vệ môi trường, cảnh quan đồng ruộng ngày càng sạch đẹp hơn, đồng thời tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng và an toàn…”.
Ông Đoàn Văn Hạnh cũng cho biết, việc triển khai mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng hoạt chất sinh học sẽ là hướng sản xuất mới cho nông dân TX Quảng Yên trong việc giảm sâu bệnh gây hại, cân bằng sinh thái đồng ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần đảm bảo chất lượng và tăng giá trị nông sản của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 10 hộ dân xã An Thạnh Trung (Chợ Mới - An Giang) đang thực hiện mô hình nuôi bò cọp đạt hiệu quả kinh tế cao so với giống bò địa phương. Đây là loại bò lai có trọng lượng lớn, tỷ lệ nạc cao, tăng trọng nhanh, thị trường ưa chuộng và bán được giá.
Mô hình trồng rau, hoa, quả trong nhà lồng được nhiều người dân áp dụng thành công nhiều năm nay nhưng làm vườn ươm trong nhà lồng thì rất ít nông dân áp dụng vì chi phí đầu tư cao và rủi ro lớn.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự tàn phá của các đối tượng sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng. Sử dụng thuốc BVTV đúng cách vừa phát huy hiệu quả phòng trừ vừa hạn chế tác hại của hóa chất tới môi trường và bảo đảm an toàn cho chính bản thân người nông dân.
Trong những năm qua, diện tích trồng cây khoai lang dần được mở rộng khắp tỉnh Đắk Nông và đã làm giàu cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Không những thế, khoai lang còn được “xuất ngoại” đến nhiều nước trên thế giới.
Dù có giá trị sản phẩm hàng hóa và hiệu quả sử dụng, cộng với đầu ra tương đối ổn định, nhưng thực tế, những ưu điểm trên của cây ngô vẫn bị người dân lẫn chính quyền địa phương hoài nghi. Nguyên do vì đâu?