Niềm Vui Từ Mô Hình Lúa Xen Hoa

Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên (Quảng Ninh) vừa triển khai thành công mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng các hoạt chất sinh học. Kết quả bước đầu cho thấy, việc triển khai mô hình này đã giúp giảm trừ sâu bệnh hại lúa...
Vụ mùa năm 2014, tham gia mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng các hoạt chất sinh học, gia đình bà Phạm Thị Phu (khu 1, phường Yên Hải) đã gieo thẳng giống lúa Thiên ưu 08 trên diện tích 2 sào canh tác, kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng lúa.
Bà Phu kể: “Như mọi năm, gia đình tôi cấy lúa vụ mùa thì phải tiến hành phun thuốc BVTV từ 4 đến 5 lần, nhưng năm nay, khi thực hiện cấy lúa và trồng hoa ven bờ thế này, tôi thấy sâu bệnh không có nhiều nữa, gia đình tôi đã giảm được 2 lần phải đi xịt thuốc trừ sâu, không những giảm tiền mua thuốc mà còn đỡ tốn công sức đi phun. Thêm một điều nữa là việc sử dụng các hoạt chất sinh học cũng giúp gia đình tôi bớt đi kinh phí mua phân hoá học bón cho cây…”.
Với diện tích 10ha triển khai mô hình, phường Yên Hải có 145 hộ nông dân xã viên HTX Hải Yến tham gia. Trong quá trình thực hiện, các hộ đã nghiêm túc tuân thủ kỹ thuật gieo cấy lúa, trồng và chăm sóc hoa trên bờ xung quanh ruộng và thực hiện đúng nguyên tắc trong sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng. Hiện nay diện tích trồng lúa xen trồng hoa này đều sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Đặng Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX Hải Yến, chia sẻ: “Phải nói, ruộng đồng nhờ mô hình này mà có một cảnh quan thật đẹp; dưới ruộng lúa đang giai đoạn đòng già, trên bờ hoa nở rộ... Bà con xã viên HTX chúng tôi đều thấy rõ lợi ích thiết thực của mô hình đem lại, ai cũng hài lòng vì đỡ tốn công sức, chi phí để chăm sóc mà lúa vẫn phát triển tốt. Điều đó cho thấy sắp tới sẽ có một vụ mùa năng suất, sản lượng cao”.
Mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng hoạt chất sinh học được Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên triển khai thí điểm tại hai địa phương là xã Sông Khoai và phường Yên Hải, với sự tham gia của 264 hộ, tổng diện tích canh tác 20ha.
Mô hình được xây dựng theo quy trình: Gieo sạ giống lúa mới Thiên ưu 08 (là giống lúa thuần chất lượng, cho năng suất cao) và sử dụng chế phẩm sinh học Wehg (là loại chế phẩm có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, làm giảm sâu bệnh có nguồn gốc từ trong đất), kết hợp với việc trồng hoa trên đồng ruộng…
Nói về mô hình này, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên Đoàn Văn Hạnh cho biết: “Đây là mô hình mang tính chất tổng hợp các biện pháp kỹ thuật. Chúng tôi lựa chọn hoa hướng dương và hoa mào gà là hai loại hoa mùa hè, phù hợp với gieo cấy vụ mùa.
Với màu sắc hoa đỏ, vàng, trắng cùng hương thơm toả ngát, các cây hoa này rất dễ thu hút các loài ong, bướm và côn trùng - Những loài thiên địch có ích sẽ giúp cân bằng sinh thái đồng ruộng, giảm mật độ sâu bệnh trên ruộng lúa... Và việc đưa giống lúa Thiên ưu 08 là giống lúa mới là để đánh giá khả năng phát triển của cây lúa đối với đồng đất của địa phương.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, lúa Thiên ưu 08 phát triển tốt, đòng to, nhiều hạt, trên diện tích triển khai mô hình, người nông dân đã giảm được nhiều lần phun thuốc trừ sâu nên hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Ngoài lợi ích về kinh tế, mô hình còn góp phần bảo vệ sức khoẻ người nông dân, bảo vệ môi trường, cảnh quan đồng ruộng ngày càng sạch đẹp hơn, đồng thời tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng và an toàn…”.
Ông Đoàn Văn Hạnh cũng cho biết, việc triển khai mô hình trồng lúa xen hoa và sử dụng hoạt chất sinh học sẽ là hướng sản xuất mới cho nông dân TX Quảng Yên trong việc giảm sâu bệnh gây hại, cân bằng sinh thái đồng ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần đảm bảo chất lượng và tăng giá trị nông sản của địa phương.
Related news

Trước đây, do chỉ độc canh cây lúa, hiệu quả thấp, đời sống gia đình anh Lê Hồng Phương (xã Tân Quý Tây, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thường thiếu trước, hụt sau. Năm 2001, khi về quê vợ ăn giỗ nghe nói ở đây có người “phất” lên nhờ trồng củ cải trắng, thế là anh khăn gói “tầm sư học đạo”.

Trước tình hình khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân ở ĐBSCL, TCty Lương thực Miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang khẩn trương triển khai hoặc chuẩn bị kế hoạch thu mua tạm trữ gần 3 triệu tấn quy gạo.

Cây trồng được cung cấp đầy đủ, cân đối và kịp thời những chất dinh dưỡng cần thiết để cho cây có đủ sức khỏe đạt năng suất cao, phẩm chất tốt; duy trì và không ngừng làm tăng độ phì nhiêu (độ màu mỡ) của đất; đem lại lợi nhuận cao nhất và ổn định cho người sản xuất; phù hợp với tập quán trình độ và điều kiện sản xuất hiện tại.

Trong cuộc gặp gỡ đầu năm của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra chiều 20-2 tại TP HCM, doanh nghiệp tập trung kiến nghị về ba vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh thủy sản hiện nay. Đó là thiếu nguồn giống chất lượng và sạch bệnh, thiếu nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh và hiện trạng không thể kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 29/5/2012 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá khả năng áp dụng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường đối với nuôi cá tra thương phẩm trong phạm vi các hộ nuôi quy mô nhỏ tại Việt Nam” nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các bên liên quan. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan nghiên cứu như Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN và PTNT), Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Tháp và An Giang và đại diện các tổ chức WWF, Oxfam Novib, Trung tâm Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam (ICAFIS) đã tham dự.