Niềm Vui Từ Biển…
Dấu ấn trong khai thác hải sản năm 2014 của Quảng Nam là sản lượng khai thác và đội tàu đánh bắt tại các vùng biển xa đều tăng nhanh. Nhiều ngư dân ra khơi với niềm vui và hy vọng sẽ có thêm những khoang thuyền đầy tôm cá…
Được mùa được giá
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong năm 2014 đạt xấp xỉ 73 nghìn tấn, tăng 8.500 tấn so với năm 2013. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận bởi năm vừa qua, việc khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình căng thẳng ở biển Đông.
“Có chuyến biển gia đình tôi thu được đến 40 tấn mực khô khi sản xuất tại ngư trường Hoàng Sa với 40 lao động trong vòng 90 ngày đêm. Sự đồng đều về sản lượng thu được của các chuyến biển trong năm 2014 đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu vượt trội so với mọi năm, khoảng 11 tỷ đồng.
Trung bình mỗi “bạn” được chia khoảng 150 triệu đồng sau 1 năm bám biển. Ăn tết xong chúng tôi sẽ tiếp tục bám biển Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Lương Văn Cam (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu câu mực khơi QNa-90039 nói. Nhiều ngư dân nói, năm vừa qua nghề mực khơi thu được hiệu quả kinh tế cao do giá mực khô ổn định, trong khi đó giá nhiên liệu giảm mạnh. Trong năm 2014, sản lượng khai thác của nghề câu mực khơi đạt gần 18 nghìn tấn.
Câu mực khơi được mùa lại được giá, còn lưới vây thì liên tiếp có những chuyến biển bội thu đã đem niềm vui đến cho nhiều vùng quê biển. Theo thống kê, sản lượng khai thác của nghề lưới vây đạt 11 nghìn tấn. Như vậy, tổng sản lượng khai thác hải sản của chỉ riêng 2 nghề này đã chiếm hơn 1/3 sản lượng khai thác hải sản chung của toàn tỉnh.
Theo ông Đỗ Nhựt (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành, chủ một phương tiện làm nghề lưới vây ánh sáng), tính trung bình, mỗi chuyến biển trong khoảng 15 ngày với hơn 10 lao động, gia đình ông thu được 20 tấn hải sản từ ngư trường Hoàng Sa, chủ yếu gồm cá ngừ và cá nục. Mỗi năm ít nhất là 12 chuyến biển, tổng doanh thu có thể đạt hàng tỷ đồng.
Sẽ có thêm 57 tàu lớn
Đến thời điểm này, Quảng Nam có 327 tàu khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên, trong đó 13 chiếc có công suất từ 900CV trở lên. Gần đây, nhiều cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đã khuyến khích ngư dân đóng thêm tàu công suất lớn, mở rộng ngư trường. Ông Đỗ Nhựt chia sẻ: “Dành dụm, chắt chiu ròng rã hơn 20 năm trời vậy mà gia đình vẫn không đủ vốn để tậu tàu lớn hơn bởi sản xuất ven bờ không thể dư dôi được nhiều.
May mà nhờ “bà đỡ” là Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam tiếp sức vốn vay không lãi suất nên gia đình chúng tôi đã đóng mới và hạ thủy được chiếc tàu QNa-91134. Nghề lưới vây sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa đã đem lại cho chúng tôi nguồn thu nhập lớn”. Trong năm 2014, ngư dân Quảng Nam đã đóng mới được thêm 24 tàu công suất lớn.
Có trường hợp, như ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Tây, Tam Quang, Núi Thành) đã đóng thêm tàu mới khi đã sở hữu một đội tàu 3 chiếc gồm Qna-91144, QNa-90398 và QNa-90244 có tổng công suất 1.650CV. “Đội tàu lớn thì sẽ tương trợ nhau, giúp đỡ các tàu khác cùng ngư trường được dễ dàng hơn, cả trong điều kiện thời tiết bất lợi lẫn khi tàu nước ngoài tấn công.
Ngư dân chúng tôi rất mong muốn có thêm nhiều tàu lớn để sản xuất đạt hiệu quả và có điều kiện bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Tạo nói.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt 24 hộ và nhóm hộ ngư dân được vay vốn để đóng mới tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tàu cá.
Như vậy, cộng với 33 tàu cá được đã được phê duyệt đóng mới trong đợt 1, thời gian đến, Quảng Nam sẽ có thêm 57 tàu cá có công suất lớn được đóng mới để bám biển tại các vùng biển xa. “Các chi nhánh ngân hàng thương mại nằm trong danh sách sẽ giải ngân cho ngư dân Quảng Nam đóng tàu theo nghị định của Chính phủ đều là thành viên trong hội đồng thẩm định, phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá.
Dù cho đến thời điểm này, vẫn chưa có ngư dân nào được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ thì trong thời gian đến, ách tắc này sẽ được giải quyết” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói. Cách làm của Quảng Nam là sẽ giải ngân nguồn vốn ngay sau khi ngư dân hoàn thành thiết kế và thẩm định giá trị của con tàu. Vậy nên, có thể kỳ vọng, đội tàu sản xuất tại các vùng biển xa của ngư dân Quảng Nam sẽ ngày một hùng hậu thêm.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng một cách hiệu quả, những năm gần đây, năng suất và sản lượng tại nhiều cánh đồng Đại Lộc không ngừng tăng lên.
Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Xuân, chị Phan Thị Thanh Dung, ở xóm 2, thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, với mô hình kinh tế tổng hợp VAC, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Vợ chồng anh Xuân là tấm gương điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đến xã Tân Phú (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) những ngày cuối tháng 4, dưới ánh nắng vàng trải đều trên những cánh đồng dưa nằm xen giữa những vườn cao su, dẫn chúng tôi đi, anh Hồ Sỹ Vân - Chủ tịch xã vui mừng cho biết: "Thêm một vụ dưa hấu mang lại thu nhập cao cho người nông dân, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là năm thứ hai, người dân Tân Phú trồng dưa hấu xen cao su".
Năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi như tai xanh, lở mồm long móng… đã làm ảnh hưởng phần nào đến phát triển chăn nuôi của toàn tỉnh.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ thí điểm nuôi cá diêu hồng lồng bè trên sông Tam Kỳ. Với kết quả khả quan ban đầu, mô hình này mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều người dân.