Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá heo giảm mạnh, người nuôi đập chuồng

Giá heo giảm mạnh, người nuôi đập chuồng
Ngày đăng: 27/08/2015

Thời gian gần đây, giá heo hơi trên thị trường Cà Mau liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn từ 3,4 – 3,6 triệu đồng/100kg, giảm từ 800 ngàn – 1 triệu đồng/100kg so với đầu năm 2015. Tình hình này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của nhiều người dân đất Mũi.

Rớt giá, còn bị ép

Là một trong những hộ nuôi heo lâu năm với quy mô lớn ở ấp 2, xã Khánh Lâm (huyện U Minh), những ngày này gia đình anh Tô Sáng cảm thấy rất bất an vì đàn heo hơi hơn 20 con đang chuẩn bị bán mà giá heo thì cứ liên tục sụt giảm. Theo ước tính của anh Sáng, nếu bán heo ngay thời điểm này, gia đình anh sẽ chắc chắn thua lỗ vì vốn đầu tư cho đàn heo quá cao.

Giá heo liên tục giảm khiến người nuôi ở Cà Mau lỗ nặng.

Anh Sáng chia sẻ: “Lúc mình bắt heo giống giá khá cao, mỗi con 1,5 triệu đồng, rồi tiền thức ăn cho chúng mỗi con cũng ngót nghét gần 1,5 triệu nữa, nếu tính luôn tiền chi phí thuốc men thì chắc chắn lỗ nặng, bởi heo không đạt chuẩn từ 100kg trở lên thương lái mua rẻ hơn từ 100 – 200 nghìn đồng/100kg”.

Cũng là một trong những hộ tham gia nuôi heo nhiều năm nay, gia đình ông Hữu Quốc (ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau) đang hết sức lo lắng. Bởi trước đây, ngoài việc trồng lúa, nuôi tôm thì đàn heo mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay ông còn 32 con heo thịt, 5 con heo nái và hơn 15 con heo con, ước cho thu nhập hàng chục triệu đồng. 

“Đầu năm bán một con heo con giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Bây giờ chỉ bán với giá 800 ngàn đồng nhưng cũng chẳng ai mua”, ông Quốc thở dài. “Đó là tôi còn có đàn heo giống và tận dụng được các loại thức ăn sẵn có xung quanh nhà nên chi phí đầu tư ít, nhưng tính sơ sơ đã lỗ hơn 10  triệu đồng” – ông cho biết thêm. 

Những người nuôi heo quy mô lớn còn như vậy thì những hộ nuôi nhỏ lẻ việc thua lỗ là điều chắc chắn. Bởi họ không chủ động được nguồn con giống, bên cạnh đó lại đa phần là hộ khó khăn nên không đầu tư mua thức ăn được bằng tiền mặt nên phải chịu kê giá của doanh nghiệp kinh doanh vật tư. Nếu hộ nào không đầu tư thức ăn thì heo sẽ chậm lớn, kéo dài thời gian chăn nuôi càng đội thêm chi phí.

Đáng nói, ngoài việc giá heo hơi liên tục giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi còn bị thương lái ép giá, nhất là các hộ nuôi trên khu vực lâm phần rừng tràm do phương tiện đi lại mua bán gặp nhiều khó khăn. Một số hộ chăn nuôi phản ánh, thương lái chỉ mua khi heo bụng đói, nếu cho heo ăn no là họ sẽ hạ giá hoặc không mua. Thông thường, thương lái mua thấp hơn từ 300 – 500 nghìn đồng/100kg so với thị trường. 

Đập chuồng

Bà Hữu Thị Phượng (ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) bày tỏ: “Tôi dành dụm tiền mua được 02 con heo nuôi coi như bỏ ống. Theo ghi chép trong sổ theo dõi của tôi thì hai con heo giống giá 2,8 triệu đồng, rồi còn tiền thức ăn, thuốc men… đến khi bán, heo đã “nuốt” của tôi hơn 8 triệu đồng, nhưng chỉ bán được không tới 6,5 triệu đồng, lỗ hơn 1,5 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền chuồng, tiền công”. 

“Tôi đã bàn với chồng, quyết định đập bỏ chuồng và sẽ không nuôi heo nữa”, bà Phương ngậm ngùi cho biết. Ở xứ của bà cũng đã có nhiều người từ bỏ việc nuôi heo, chuyển sang mô hình khác. 

Giá heo hơi giảm nên việc tái đầu tư sản xuất chăn nuôi heo của người dân giảm đi đáng kể, dẫn đến đàn heo trên địa bàn cũng giảm theo. Cụ thể, cuối năm 2014 đầu năm 2015, trên địa bàn huyện U Minh có tới  khoảng 21.000 con heo thì nay chỉ còn khoảng 17.000 con, giảm gần 4.000 con. 

Nguyên nhân dẫn đến giá heo giảm mạnh như hiện nay được cho là do mức tiêu thụ của thị trường giảm. Một phần do thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ heo bơm nước trước khi giết mổ gây tâm lý hoang mang, e ngại cho người tiêu dùng đối với loại thực phẩm này… 

Tỉnh Cà Mau đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi như đầu tư con giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên nuôi heo nái để chủ động con giống, tận dụng triệt để các nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương… Mặt khác, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất cấm hay bơm nước vào heo trước khi giết mổ… để tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Có như vậy mới ổn định được đầu ra, tạo sinh kế lâu dài cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

Tập Trung Cho Vụ Nuôi Mới Tập Trung Cho Vụ Nuôi Mới

Năm vừa qua, giá tôm ổn định ở mức cao nên có hơn 67% hộ nuôi có lãi, đặc biệt là hộ nuôi thành công đều đạt lợi nhuận trên 40% so với chi phí đầu vào. Tuy sản lượng cao nhưng mức độ tôm nuôi bị thiệt hại cao nhất trong khu vực. Đây cũng là điều mà UBND tỉnh và ngành nông nghiệp đang tập trung mọi biện pháp để giảm tỉ lệ hộ nuôi xuống dưới 20% trong vụ nuôi năm 2015.

12/01/2015
Thủy Sản Việt Nam Kỳ Vọng Bứt Phá Thủy Sản Việt Nam Kỳ Vọng Bứt Phá

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp những khó khăn, thách thức từ nội tại và thị trường nước ngoài, XK thủy sản năm 2014 vẫn đạt khoảng 7,8 - 7,9 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Có kết quả này là do ngành thủy sản đã nắm bắt được một số cơ hội thuận lợi cũng như tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu.

12/01/2015
Chăn Nuôi Thủy Sản Đang Từng Bước Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản Đang Từng Bước Phát Triển

Phát huy lợi thế mặt nước, thực hiện đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nhằm khai thác nguồn lực phục vụ phát triển, thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang được nhiều hộ dân quan tâm, mở rộng quy mô, diện tích chăn nuôi, góp phần đáng kể trong nâng cao thu nhập cho người dân.

12/01/2015
Cá Lau Kiếng Không Chỉ Làm Cảnh Mà Còn Là Món Ngon Cá Lau Kiếng Không Chỉ Làm Cảnh Mà Còn Là Món Ngon

Cá lau kiếng còn gọi là cá dọn bể hay cá tỳ bà, loại cá nước ngọt, có xuất xứ từ Nam Mỹ được người chơi cá cảnh trong nước nhập về để nuôi làm cảnh, nhưng sau đó phát tán ra môi trường tự nhiên khiến chúng sinh sôi và xuất hiện tại hầu khắp các sông, rạch, ao, hồ tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL trong những năm gần đây.

12/01/2015
Tăng Cường Phòng, Chống Dịch Bệnh Thủy Sản Tăng Cường Phòng, Chống Dịch Bệnh Thủy Sản

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững, nhiều địa phương đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2015.

12/01/2015