Niềm Vui Mùa Biển Mới

Mùa biển mới năm 2015, TP Tuy Hòa (Phú Yên) có hơn 140 tàu câu cá ngừ đại dương đang hoạt động trên biển. Một số tàu về bến với sản lượng cao, ngư dân phấn khởi vì chi phí chuyến biển thấp hơn trước đây nhờ giá dầu giảm, việc khai thác gặp nhiều thuận lợi.
Những ngày này, tại cảng cá phường 6 và Đông Tác (TP Tuy Hòa) nhộn nghịp hẳn lên, không khí làm việc rất khẩn trương. Ngư dân chuyển ngư cụ, nhu yếu phẩm lên tàu cho chuyến biển đầu tiên của năm 2015. Một số chủ tàu cho người chuyển cá từ tàu lên bờ bán cho các đầu nậu sau chuyến biển dài ngày.
Ông Phan Thành Đắc, chủ tàu PY96077TS ở phường 4 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Tàu tôi xuất bến đánh bắt chuyến đầu năm 2015 từ ngày 5/1 vừa vào bờ, với 63 con cá ngừ đại dương, tổng trọng lượng hơn 3,2 tấn. Với giá cá 145.000 đồng/kg loại 1, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng. Chúng tôi nghỉ ngơi vài ngày rồi tiếp tục ra khơi cho chuyến biển thứ 2”.
Tàu cá PY96317TS của Hợp tác xã Nghề cá Quyết Thắng (TP Tuy Hòa) cũng cập cảng sáng 27/1 với đầy ắp cá. Theo thuyền trưởng Phạm Hùng cho biết, tàu xuất bến vào ngày 5/1, câu được 52 con cá ngừ đại dương, tổng trọng lượng gần 2,2 tấn, lãi hơn 150 triệu đồng.
Theo ông Phan Thành Đắc, chuyến biển đem lại thu nhập cao là nhờ giá dầu giảm hơn 10.000 đồng/lít, ra khơi lại gặp luồng cá. “Với chuyến biển này, tàu cá tôi tiêu tốn gần 7.500 lít dầu, giảm khoảng 75 triệu đồng so với trước đây. Nếu giá dầu ổn định ở mức này thì ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển dài ngày”, ông Phan Thành Đắc nói.
Trung úy Nguyễn Lê Trúc Thân, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng (Đồn Biên phòng Tuy Hòa), cho biết: “Tính từ ngày 5/1 đến nay có 146 tàu câu cá ngừ đại dương của TP Tuy Hòa xuất bến đánh bắt vụ mới. Trong 3 tàu vừa vào bến, chỉ có tàu PY90151TS của ông Trần Văn Tâm ở phường 6 (TP Tuy Hòa) bị lỗ tổn.
Tàu này xuất bến ngày 5/1 và về bến ngày 26/1 chỉ đánh bắt được 3 con cá ngừ đại dương. Nguyên nhân là do tàu bị hỏng máy nên không thể khai thác. Các tàu câu cá ngừ của TP Tuy Hòa tiếp tục ra khơi, những tàu đang hoạt động trên biển sẽ vào bờ trước Tết Nguyên đán. Qua trao đổi qua bộ đàm, đa số các tàu gặp nhiều thuận lợi, nhiều tàu trúng luồng cá”.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Mục tiêu của năm 2015 của tỉnh là đạt khoảng 5.500 tấn. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; khuyến khích ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá, từng bước đổi mới công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch”.
Có thể bạn quan tâm

Ông kể: Năm 2009, đang lúc loay hoay tìm giống mới để cải tạo vườn, ông được một người bạn giới thiệu giống mít cao sản. Ông lặn lội xuống tận Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) để mua giống về trồng thử. Lúc này, vườn nhà ông đang trồng xoài nhưng sâu bệnh nhiều, hiệu quả không cao.

Cây ngày có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó đã được nhập vào ta từ rất lâu rồi. Trước đây, nó đã được trồng ở nhiều nơi như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang)... Hiện nay, nó được trồng nhiều ở Cao Bằng và Lạng Sơn (nhiều nhất là huyện Tràng Định).

Tại Lâm Đồng, chè được trồng chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 8 (tốt nhất trồng trong tháng 6). Nhiệt độ 18 - 25 độ C, độ ẩm không khí 80 - 85% và lượng mưa hàng năm từ 1.500 - 2.000mm thích hợp nhất cho chè phát triển.

Nên bón thêm phân hữu cơ bởi phân hữu cơ không những cung cấp dinh dưỡng cho cây mà còn cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học trong đất. Nguồn phân hữu cơ bao gồm phân chuồng, phân xanh và các nguyên liệu ép xanh. Sử dụng phân hữu cơ sinh học có thành phần chính: Chất hữu cơ >25%; N 2,5-3%; P205 0,3%; K20 1-1,3%; lượng bón 2,5 tấn/ha/năm. Có thể sử dụng phân chuồng ủ hoai 20 - 25 tấn/ha, bón 3 năm/lần. Phân hữu cơ bón vào đầu mùa mưa, rạch hàng, bón lấp.

Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm. Thị trường vật tư nông nghiệp tương đối ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân đã đi vào nền nếp.