Những Triệu Phú Từ Nghề Ấp Trứng Và Chăn Nuôi Vịt
Không chỉ được biết đến là nơi nghề buôn bán sắt vụn phát triển, nhiều năm qua, những gia đình ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) được nhân dân nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến như một địa chỉ đầu mối chuyên ấp nở và cung cấp con giống. Nghề ấp nở trứng gia cầm, con giống đã giúp cho nhiều nông dân nơi đây vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo.
Được biết, nghề ấp nở trứng gia cầm ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ đã có từ lâu đời, đặc biệt là ấp nở vịt, trứng vịt lộn và chăn nuôi vịt.
Hiện nay, toàn thôn có trên 15 hộ chăn nuôi vịt với tổng số 28 lò ấp, trung bình mỗi ngày những hộ dân ở đây cung cấp ra thị trường hàng nghìn con gia cầm giống và trứng vịt lộn. Không thể phủ nhận, nghề này đã đem lại thu nhập cao cho nhiều nông dân trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Cùng cô Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên thú y xã, chúng tôi đến gặp gia đình ông Dương Văn Lê, một hộ gia đình được cô Tuyết tiết lộ là có quy mô lò ấp nở gia cầm được coi là lớn nhất xã.
Ông Lê cho biết: “Trước kia, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong làng ngoài trông vào mấy sào ruộng ra thì chỉ biết nuôi vài con vịt, con gà. Lại nuôi các con ăn học nên kinh tế gia đình đã khó khăn.” Tuy nhiên, với ý chí thoát nghèo, ông đã mạnh dạn vay vốn từ anh em, họ hàng, bạn bè đầu tư trang thiết bị, lò trứng 2 khoang với giá là 20 triệu đồng/lò, mua lồng, khay để đựng trứng và gia cầm giống…
Để vịt con nở ra được khỏe mạnh, ông Lê cho biết: Những quả trứng phải được chọn lựa kỹ càng, đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào lò ấp. Loại trứng đạt tiêu chuẩn là loại trứng to đều, không mỏng vỏ, không dập vỡ. Điều quan trọng nhất là phải điều chỉnh nhiệt độ trong lò làm sao cho phù hợp, mùa hè nhiệt độ thích hợp nhất vào khoảng 37°5 và mùa đông là 37°8.
Tuy nhiệt độ chênh lệch không đáng kể nhưng đó lại là điều kiện quyết định đến việc cho ra đời những con giống khỏe mạnh, chất lượng. Sau khi đưa vào lò ấp, cứ 3 ngày lại bỏ ra soi trứng, những quả nào không hình thành phôi sẽ được gia đình ông bán lẻ cho người dân trong vùng.
Ngay cả khi vận dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, việc ấp nở trứng gia cầm cũng không chỉ đơn thuần là điều chỉnh các thông số kỹ thuật theo quy trình lắp đặt sẵn mà vẫn phải cần đến công đoạn thủ công của con người.
Điều này giải thích tại sao trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở ấp nở gia cầm nhưng không phải ở đâu cũng được bạn hàng tin tưởng và đánh giá cao như ở Giã Bàng. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, giờ đây gia đình ông Lê đã có tới 8 lò ấp, trung bình mỗi ngày, lò ấp của gia đình ông cung ứng ra thị trường 10.000 con vịt giống và trứng vịt lộn. Tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi vịt, sẵn nguồn vịt đẻ ông lấy trứng ấp thành con giống chứ không phải đi thu mua như trước kia, lúc cao điểm, trang trại của gia đình ông nuôi tới 10.000 con, kinh tế gia đình nhờ vậy ngày càng khấm khá. Hàng năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm cơ sở của gia đình chị Nguyễn Thị Minh, thôn Giã Bàng. Tại cơ sở ấp nở trứng gia cầm của gia đình chị, bất cứ lúc nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh những chú vịt con vừa mới được ấp nở hoặc những khay trứng vịt đang được đưa vào lò cùng những thương lái đến từ khắp nơi đang chọn mua con giống và vận chuyển đi tiêu thụ.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài, khó ai có thể nhận ra người phụ nữ mới ngoài 30, nhỏ nhắn, với làn da ngăm đen và khuôn mặt khắc khổ nhưng lúc nào cũng tươi cười ấy lại là một triệu phú nông dân chính hiệu, vươn lên làm giàu nhờ ấp nở trứng gia cầm và nuôi vịt.
Nói về quá trình thoát nghèo vươn lên làm giàu của gia đình mình, chị Minh không ngần ngại cho biết: “Ban đầu vợ chồng tôi cũng giống như nhiều nông dân khác trong làng, quanh năm chỉ biết trồng rau, trồng lúa và chăn nuôi vài con vịt, con gà.
Nghề ấp nở trứng gia cầm đã có ở Tề Lỗ từ lâu đời nhưng do ít vốn, kinh nghiệm trong thực tế còn thiếu nên hai vợ chồng chỉ có thể mua lại từ những cơ sở ấp trong vùng rồi đem đi giao buôn khắp nơi.” Dần dần tích cóp vốn, vợ chồng chị cũng có tiền đầu tư mua một chiếc lò ấp đầu tiên với giá 20 triệu đồng, được coi tài sản có giá trị nhất trong nhà lúc đó.
Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn nên lượng trứng ấp ra thành con rất ít, bản thân con giống cũng không được to khỏe, nhanh nhẹn như các sơ sở khác, thất vọng và chán nản là điều không tránh khỏi. Không dừng lại ở đó, hai vợ chồng chị Minh vẫ tiếp tục đầu tư mua trứng về ấp, cùng với đó là học hỏi từ các cơ sở trong vùng lẫn tham khảo trong sách vở, báo chí…
Và rồi, khi lứa vịt giống đầu tiên ra đời, nó đã thắp lên niềm hy vọng cho cả gia đình chị. Qua bao năm, kinh nghiệm tích lũy ngày một nhiều hơn và lượng khách hàng ổn định đã giúp cho lò ấp của gia đình chị ngày càng phát triển, chị Minh từ một nông dân chính hiệu đã vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú.
Ăn nên làm ra từ nghề chăn nuôi vịt và ấp nở trứng gia cầm, giờ đây, gia đình chị đã có cơ ngơi 3 tầng khang trang, các con được học hành đầy đủ; với 2 lò ấp trứng 3 khoang, mỗi ngày cơ sở của gia đình chị cung ứng 2500 con gia cầm giống và trứng vịt lộn ra thị trường.
Cùng với đó, vợ chồng chị cũng đầu tư một trang trại rộng gần 1ha, nuôi 2500 con vịt để tạo nguồn trứng ấp chất lượng. Chị Minh cho biết: “ Trước kia, khi nguồn gia cầm giống chưa bị hàng “ngoại nhập” lấn át, các cơ sở ấp nở như chúng tôi luôn tạo được sự tin tưởng với khách hàng trong và ngoài tỉnh và chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay, với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhiều nông dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận đang phải chịu thiệt thòi do con giống mà nhiều cơ sở cung cấp gia cầm giống không đảm bảo rất kém chất lượng, nhiều nơi còn trộn thêm cả loại trứng Trung Quốc để ấp nở do giá thành rẻ hơn trứng nội.
Mà điều quan trọng là người nông dân đi mua cũng vì tâm lý ham rẻ, hoặc không nhận biết đâu là gia cầm giống của Trung Quốc, mua về chăn nuôi.
Cứ thế, trứng Trung Quốc dễ dàng trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều người chăn nuôi và các thương lái. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chăn nuôi, thương hiệu con giống của thôn cung cấp ra thị trường bao năm nay. Cùng với đó, tình hình kinh doanh của nhiều hộ gia đình như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”
Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, thương hiệu con giống Giã Bàng cùng nghề chăn nuôi vịt vẫn phát triển ổn định. Để đảm bảo chất lượng con giống, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh, thay vì đi thu mua từ khắp nơi như trước kia, hiện nay, các lò ấp trứng ở đây đều tự chăn nuôi vịt đẻ trứng, là nguồn cung cấp trứng chất lượng để ấp ra vịt con. Vừa đảm bảo chất lượng trứng, vừa kiểm soát được khâu dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người nông dân.
Trao đổi với phóng viên về công tác thú y của địa phương, cô Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên thú y xã cho biết: “Ngoài công tác tuyên truyền trên loa phóng thanh của xã và 2 đợt tiêm phòng định kỳ được quy định, đợt 1 vào tháng 3-4, đợt 2 vào tháng 9-10, các hộ dân cũng chủ động tiêm phòng dịch cho vịt trước khi đẻ trứng, không ấp nở từ nguồn trứng trôi nổi trên thị trường, tự liên hệ mua thuốc về tiêm phòng cho vịt trước khi có dịch.
Các trang trại đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phun thuốc vệ sinh phòng dịch cho chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột nên dịch bệnh rất ít khi xuất hiện và lây lan.”
Nói về những hộ gia đình phát triển kinh tế ngày càng khấm khá nhờ nghề ấp ở trứng gia cầm và chăn nuôi vịt, ông Nguyễn Ngọc Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cho biết: “Nhân dân Tề Lỗ từ nhiều năm nay đã chuyên chăn nuôi, ấp gia cầm giống và trứng vịt lộn.
Việc các hộ gia đình đã và đang thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi vịt và ấp nở trứng gia cầm là điều không hiếm gặp ở Tề Lỗ, đặc biệt là ở thôn Giã Bàng. Đây cũng là một trong những hướng đi phát triển kinh tế hộ gia đình đạt được hiệu quả tích cực nên Đảng ủy, chính quyền xã rất chú trọng lĩnh vực này.”
Có thể nói, gia đình ông Dương Văn Lê và chị Nguyễn Thị Minh chỉ là hai trong nhiều triệu phú nông dân làm giàu từ nghề ấp nở con giống và chăn nuôi vịt. Nhờ phát huy tính sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất để vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu, nâng cao đời sống, những nông dân chính hiệu này đang ngày càng góp phần thúc đẩy tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Với mô hình nuôi thỏ trên diện tích gần 1.000m2, mỗi năm hợp tác xã nuôi thỏ của những ngư dân thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thu về hơn 1 tỷ
5 năm nay, nhờ xuất khẩu trứng cút sạch đóng hộp sang thị trường Nhật Bản, ông Hai Hồ (Trần Nguyễn Hồ ở Châu Thành, Tiền Giang) đã trở thành tỷ phú.
Là một trong những người làm giàu từ nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, ông Triệu Văn Tấn được nhiều người dân trong vùng nể phục, noi theo.
Những loại cây tưởng chừng chỉ để bỏ đi đã giúp những nông dân Việt Nam có thu nhập "khủng" tiền trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi, trồng trọt và giúp tăng lợi nhuận