Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Nông Sản Chủ Lực

Những Nông Sản Chủ Lực
Ngày đăng: 12/02/2014

Cứ mỗi độ “xuân về tết đến”, nhiều loại nông sản thế mạnh, mang hương vị đặc trưng riêng của vùng đất Hậu Giang như quýt đường Long Trị, chanh không hạt, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc lại được người dân tất bật vun trồng để chuẩn bị cung ứng cho thị trường khắp trên cả nước. Và năm nay cũng vậy !

“Vị ngọt” của trái cây có múi

Một mùa xuân mang “cây lành, trái ngọt” thực sự đến với nhà vườn Hậu Giang khi mà giá cả một số loại trái cây có múi thế mạnh của tỉnh trong năm luôn ổn định ở mức cao. Đặc biệt là những tháng giáp tết, thị trường tiêu thụ bắt đầu tăng mạnh và tiếp tục “lấn sâu” vào hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối khắp trên cả nước.

Điều này như đã góp phần tạo thêm động lực để người trồng chanh không hạt, quýt đường, cam sành ở huyện Châu Thành, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy tập trung chăm sóc vườn cây đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Tuy nguồn cung trong những tháng cuối năm khá dồi dào, nhưng nhà vườn trồng quýt đường xã Long Trị, huyện Long Mỹ vẫn tránh được cảnh “thừa hàng dội chợ”. Bởi theo các nhà vườn ở Long Trị, ngay thời điểm chuẩn bị bước vào mùa quýt tết thì giá đã đạt mức trung bình 25.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ khoảng 5.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, ở ấp 8, xã Long Trị, chia sẻ: “Thông thường giá đợt tết cao hơn so với thời điểm quýt chính vụ. Với mức giá hấp dẫn như thế thì chỉ cần 0,5ha, sản lượng bình quân trên 10 tấn quýt thương phẩm là nhà vườn có thể thu nhập vài trăm triệu đồng ăn tết khỏe re”.

Năm nay được xem là năm “ăn nên làm ra” của người trồng chanh không hạt ở huyện Châu Thành, trong đó có các xã viên HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh. Đơn giản là năng suất, giá cả tăng đáng kể so với năm trước. Hòa cùng không khí lao động hăng say của các xã viên, ông Hai Chiến (Nguyễn Văn Chiến), Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước cũng tất bật sắp xếp, bố trí phương tiện phục vụ cho những chuyến vận chuyển hàng cuối năm.

Ông Hai Chiến khoe rằng: “Nhờ kinh nghiệm sản xuất, kết hợp với thời tiết thuận lợi nên năng suất tăng khoảng 20%, còn giá cả ổn định ở mức cao. Cho nên, năm nay mỗi héc-ta trồng chanh người dân thu lãi từ 350 triệu đồng trở lên”.

Năm nay, mỗi héc-ta đất trồng chanh không hạt, người dân thu lãi từ 350 triệu đồng trở lên.

Đáng kể là càng gần đến Tết Nguyên đán, chanh không hạt thương phẩm hút hàng, giá rục rịch tăng lên trên 15.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của ông Hai Chiến, năm nào cũng vậy, tết đến là thị trường trái cây gia vị như chanh không hạt rơi vào tình trạng “cầu vượt cung”. “Nếu cố gắng thu gom lắm thì mới được trên 2 tấn trái/ngày, vượt mốc tối đa những ngày bình thường. Sản lượng vì thế mà luôn thiếu hụt so với nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong nước, chưa kể là xuất khẩu sang tận Singapore, Trung Đông” - ông Hai Chiến cho biết thêm.

Phát huy giá trị hàng đặc sản

Cùng với đó là danh tiếng cam sành được trồng ở vùng đất Ngã Bảy đã bắt đầu vươn xa. Đơn giản là vì Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa “Cam sành Ngã Bảy”. Nói về ưu thế của hàng có nhãn hiệu tại địa phương mình, ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho rằng: “Có nhãn hiệu hàng hóa, thuận lợi bước đầu đối với trái cam sành Ngã Bảy là dễ dàng quảng bá, tiếp thị sản phẩm ra thị trường. Để rồi từng bước tạo dựng thương hiệu và xác lập chất lượng, hương vị đặc trưng riêng giữa cam sành Ngã Bảy với các địa phương khác trong vùng”.

Còn người trồng khóm Cầu Đúc ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh cũng không kém phần hãnh diện. Bởi thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ, cùng ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh đầu tư nguồn giống sạch bệnh, hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật canh tác mới nhằm chuyển giao quy trình sản xuất khóm Cầu Đúc cho người dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện có khoảng 50ha khóm Cầu Đúc nơi đây đã được cơ quan thẩm quyền công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang, vốn đã bén rễ tại vùng đất phèn mặn Hỏa Tiến trên 80 năm qua.

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh, tập trung với quy mô lớn theo hướng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh bằng cách thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - GAP nói chung cho từng loại cây con chủ lực của tỉnh.

Nhờ vậy mà có thể tiến đến thực hiện mục tiêu duy trì và phát huy giá trị những loại nông sản thế mạnh, mang hương vị, nét đặc trưng riêng của vùng đất thuần nông Hậu Giang như quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi Phú Hữu, cá rô, cá thát lát phát triển bền vững theo cùng năm tháng, nhất là mỗi độ “xuân về tết đến”.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai thực hiện mạnh mẽ các chương trình xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó có giải pháp hình thành hệ thống thu mua các mặt hàng nông sản theo hướng chợ đầu mối để làm đối tác với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng thông tin: Dự kiến có 5 điểm đầu mối chợ trái cây Ngã Bảy, Châu Thành; chợ thủy sản Nàng Mau, Phương Bình; chợ khóm Cái Tư. Đến khi có đủ điều kiện sẽ mở thêm 3 điểm giới thiệu sản phẩm tại 3 chợ đầu mối lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và chợ Long Biên - Hà Nội.

Trước thềm “năm mới tết đến”, các cơ quan chuyên môn của Hậu Giang đã tận dụng tối đa cơ hội giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh thông qua hình thức giới thiệu và tham gia hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh.

Thời gian gần đây, các ngành chức năng tỉnh đã xúc tiến thực hiện đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu cá nhân cho 8 trong số 10 mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, ngoại trừ 2 sản phẩm mía và xoài cát Hòa Lộc.

Đến nay đã có 4 sản phẩm gồm bưởi Năm Roi Phú Hữu Hậu Giang; cam sành Ngã Bảy; chanh không hạt Hậu Giang và cá rô Hậu Giang được cấp bằng công nhận nhãn hiệu hàng hóa; còn lại 4 sản phẩm gồm lúa Hậu Giang 2; quýt đường Long Trị; cá thát lát Hậu Giang; khóm Cầu Đúc Hậu Giang đang chuẩn bị nộp đơn, hoặc được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn trước khi xem xét công nhận.


Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Văn Cang Làm Giàu Nhờ Trồng Dừa Xiêm Lục Ông Trần Văn Cang Làm Giàu Nhờ Trồng Dừa Xiêm Lục

Ông Trần Văn Cang, ngụ xã Tân Hội Đông (Châu Thành) được tiếng khen cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lục mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.

06/09/2014
Tìm Tìm "Chỗ Đứng" Cho Kinh Tế Rừng

Các địa phương miền núi xác định phát triển kinh tế rừng đóng vai trò then chốt, tạo ra đòn bẩy để giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, dấu ấn phát triển kinh tế rừng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đất đai và bộc lộ một số bất lợi cần khắc phục.

04/09/2014
Ngành Đường Cần Minh Bạch Khâu Phân Phối Ngành Đường Cần Minh Bạch Khâu Phân Phối

Nhà máy sản xuất kêu khó khăn, lỗ; các siêu thị, cửa hàng bán lẻ kêu lãi không đáng kể; trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua giá cao hơn nhiều nước trong khu vực, vậy vấn đề nằm ở đâu?

06/09/2014
Trên 7.300ha Lúa Nhiễm Các Loại Sâu Bệnh Hại Trên 7.300ha Lúa Nhiễm Các Loại Sâu Bệnh Hại

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 39 nghìn ha lúa, trong đó diện tích lúa mùa sớm chiếm khoảng 60%. Hiện nay, lúa mùa sớm đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp, lúa mùa trung giai đoạn làm đòng- trỗ bông, lúa mùa muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh.

04/09/2014
Phát Triển Đàn Bò Lai Ở Văn Luông Phát Triển Đàn Bò Lai Ở Văn Luông

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.

06/09/2014