Những nông dân năng động
Từ hai bàn tay trắng, nhưng hiện nay ông Trần Văn Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đã sở hữu hơn 50 công ruộng, hơn 200 con gia súc, gia cầm các loại. Có được điều này là nhờ ông biết áp dụng mô hình đa canh khép kín và tùy vào thời điểm mà có mô hình canh tác phù hợp.
Cụ thể, trên diện tích ruộng, hàng năm, ông sạ 2 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá. Rơm có được từ lúa dùng để chất nấm, phần bờ bao tận dụng trồng dưa hấu, riêng diện tích đất xung quanh nhà, ông làm chuồng thả nuôi gia súc, gia cầm. Với cách làm này đã giúp ông thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Huynh cho biết: “Là nông dân mình phải học hỏi làm sao để có mô hình đa canh, ở đồng thì phải biết trồng lúa trồng màu và chăn nuôi. Ví dụ như nuôi thủy sản, gia súc gia cầm phải nuôi như thế nào để đạt được hiệu quả”. Để có được hiệu quả trong sản xuất, kinh nghiệm của ông là không ngừng học hỏi. Ông cho biết, nơi nào có lớp tập huấn là ông đều tham gia.
Không những vậy, hàng ngày lão nông này còn dành ra khoảng 2 giờ tra cứu thông tin trên mạng để tìm ra những mô hình hay, cách làm sáng tạo, kết hợp với tham quan thực tế, từ đó tùy theo tình hình của địa phương và điều kiện gia đình mà áp dụng. Nhờ không ngừng vượt khó, nên 11 năm liền ông được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. Mới đây ông vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.
Còn với ông Nguyễn Hiền Mẫn, tên tuổi của ông ở Long Mỹ không ai không biết đến, đã thu lợi nhuận cao từ cây sầu riêng. Với hơn 7 công sầu riêng giống Ri 6 và sầu riêng sữa đang cho trái, mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng. Chọn cách để trái chín cây nên dù số lượng không nhiều, nhưng chất lượng sầu riêng luôn đạt cao và bán được giá. Ưa chuộng hương vị sầu riêng chín cây, nên người dân đặt tên là sầu riêng Ba Mẫn. “Hồi trước cũng có nhiều người chở sầu riêng từ nơi khác đến bán tại chợ, nhưng người dân ăn sầu riêng của mình quen rồi, biết được chất lượng của nó như thế nào nên đề nghị mình để tên trên mỗi trái sầu riêng để dễ phân biệt, thấy hay nên gia đình áp dụng. Tôi rất quan trọng chất lượng, sầu riêng mình bán là phải ngon, đây cũng là phương châm canh tác của tôi”, ông Mẫn chia sẻ.
Tuy mô hình sản xuất khác nhau, nhưng những nông dân điển hình trên đều có điểm chung là không ngừng học hỏi, dám nghĩ, dám làm và nghị lực vươn lên. Ở tỉnh Hậu Giang, qua nhiều năm thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hiện đã có hơn 44.800 nông dân được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp vì có mô hình sản xuất hay, hiệu quả và thu nhập từ 100-500 triệu đồng trở lên. Từ phong trào này đã giúp nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Đã bước sang tháng 5, nhưng ở Ninh Thuận vùng nuôi tôm dọc tuyến đường ven biển từ An Hải (Ninh Phước) đến Phước Dinh (Thuận Nam) vẫn còn không khí trầm lắng, khá nhiều ao đìa còn bỏ không. Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận, trong những tháng qua, do xuất hiện bệnh làm tôm nuôi chết rải rác đã khiến các hộ nuôi chần chừ chưa dám thả giống dù đã vào chính vụ.
Nghề trồng nấm rơm đang phát triển mạnh ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tập trung ở các xã: Mỹ Long, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông… Mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nấm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Khi hầu hết thanh niên trong thôn xã đi lao động ở nước ngoài thì anh Hồ Đức Ngọc (29 tuổi, ở thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ở nhà tìm hướng làm kinh tế.
Xác định cây chuối là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nên những năm gần đây diện tích trồng chuối ở xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tăng lên rất nhanh. Cuối năm 2012, toàn xã trồng được 1.000 ha thì đến những tháng đầu năm 2013 nhân dân đã trồng mới thêm 62 ha, nâng tổng diện tích cây chuối trên địa bàn lên 1.062 ha.
Để giúp nông dân từng bước vươn lên làm giàu, đồng thời thay thế bằng những giống mướp đắng mới cho năng suất sản lượng cao, vụ hè thu năm 2012 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Mosanto - Việt Nam xây dựng thành công mô hình trồng cây mướp đắng lai F1 mới CN0244.