Mô Hình Nuôi Tôm - Cua Trong Rừng Ngập Mặn
Nhờ siêng năng chịu khó, tích cực học hỏi, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, những năm qua, nông dân Nguyễn Văn Bé, ấp Hồ Tàu, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã thành công với mô hình nuôi tôm - cua trong rừng ngập mặn, tạo ra mô hình kinh tế ổn định. Mô hình đã được nhiều người học tập và làm theo.
Cách đây gần 30 năm, ông Bé quê xã Long Vĩnh cùng vợ về lập nghiệp ở ấp Hồ Tàu, cuộc sống ban đầu cũng lắm gian nan với nghề đi “đóng đáy, làm đăng” để mưu sinh. Khi tích lũy được số tiền, ông Bé mua vài công đất rừng rồi đánh bắt cá, tôm trong đập để trang trải cuộc sống, nhưng do điều kiện tự nhiên và môi trường không ổn định nên năng suất đánh bắt thủy sản không cao. Ít năm sau, thấy các hộ lân cận đã chuyển đổi nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi tôm - cua trong rừng ngập mặn, nên ông Bé đã thuê lao động tu sửa, nạo vét đất để nuôi trồng thủy sản và liên tục 05 năm liền, ông Bé trúng đậm từ mô hình nuôi tôm - cua trong rừng ngập mặn, từ đó đời sống kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Thấy được hiệu quả kinh tế, khi tích lũy được số vốn, ông Bé mua thêm đất để sản xuất.
Từ nguồn thu nhập này, đến nay ông Bé đã sở hữu được 30ha đất nuôi các loài thủy sản trên diện tích rừng. Ông Bé cho biết: Mô hình nuôi tôm - cua trong rừng ngập mặn vừa đảm bảo thu nhập và phát triển bền vững, vừa đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo ông Bé, tôm nuôi thả với mật độ thưa, lớn nhanh, sạch bệnh, không chứa nhiều kháng sinh, bình quân ông thả 300.000 con tôm sú giống kết hợp với 30kg cua giống chia làm 3 - 4 đợt/năm. Với cách nuôi này, mỗi tháng gia đình ông đều có nguồn thu nhập khá từ tôm - cua, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Ngoài diện tích nuôi tôm - cua trong rừng ngập mặn, những năm gần đây, ông Bé chuyển 0,7ha đất tôm rừng sang nuôi tôm công nghiệp hiệu quả khá cao.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Bé tích cực tham gia tốt công tác xã hội. Ngoài việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng cho những hộ khó khăn để cùng nhau phát triển sản xuất, ông còn dành 18ha đất của gia đình cho những hộ nghèo trong ấp mượn sản xuất sau đó cho luôn. Ông Bé chia sẻ: Trước đây, khi chân ướt chân ráo đến ấp Hồ Tàu sinh sống, gia đình ông cũng thiếu trước hụt sau và được người dân ở đây tận tình giúp đỡ, nay có được cuộc sống dư giả thì giúp lại người nghèo khó đó là niềm vui.
Ông Lê Hoàng Dân, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban nhân dân ấp Hồ Tàu cho biết: Nguyễn Văn Bé là tấm gương nông dân năng động làm kinh tế giỏi, xứng đáng cho mọi người học tập noi theo. Từ hai bàn tay trắng, ông Bé đã học hỏi kinh nghiệm, xây dựng và phát triển thành công mô hình kinh tế tôm - cua trong rừng ngập mặn, nâng cao đời sống vật chất của gia đình. Qua sự nỗ lực trong sản xuất và đóng góp cho xã hội, nhiều năm liền, ông Bé đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, đặc biệt năm 2012, ông vinh dự được nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Bộ NNPTNT vừa ban hành Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020.
Nghề nuôi sò huyết dưới kênh xuất hiện ở Bạc Liêu cách đây hơn 20 năm. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cách nuôi này. Triệu phú, tỷ phú sò huyết xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã ven biển thuộc huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải.
Gia đình ông Vũ Văn Hợi ở thôn Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song - Đắk Nông) có 2 ha tiêu đang phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, năm 2012, đạt hơn 5 tấn/ha. Theo ông thì sở dĩ đạt được kết quả như vậy vì những năm gần đây, được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện, ông đã biết phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trước.
“Tôi khao khát được thấy quê hương đổi mới, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ được bà con. Quê tôi từ cuộc sống bấp bênh nay như bừng tỉnh cả một vùng chiêm trũng, nhà nhà dưới ao đàn cá, trên bờ hàng cây trĩu quả, trong chuồng đàn lợn, đàn gà gối nhau… Nghề cá ở Bình Dương thực sự trở thành mưu sinh của nhiều gia đình”. Đó là lời tâm sự của vị Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bắc Ninh - rất chân thành, rất mộc mạc bởi đơn giản ông cũng là một lão nông lam lũ.