Những Con Số Biết Nói

Hiện nay, Yên Bái đã có trên 860 trang trại, cơ sở chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, trong đó, có 5 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô lớn...
Điển hình như Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao Vinashin, quy mô 200 nái và 1.000 lợn thịt; Trung tâm Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình Minh, quy mô trên 5.000 con; Công ty TNHH Bình An, quy mô 218 nái sinh sản và 1.000 lợn thịt; trang trại chăn nuôi của ông Phùng Quang Hà ở xã Nga Quán (Trấn Yên), quy mô 600 nái; Hợp tác xã Phù Nham (Văn Chấn) với quy mô 75 con bố mẹ và 500 con thương phẩm.
Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa của tỉnh đã tạo “đòn bẩy” cho ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi của nói riêng. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.033 cơ sở, gồm: chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con 364 cơ sở, chăn nuôi lợn nái có quy mô 20 con 337 cơ sở, chăn nuôi lợn nái có quy mô trên 300 con 1 cơ sở, chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con 231 cơ sở. Những con số biết nói trên thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp, sự năng động của các chủ trang trại, gia trại và các hộ nông dân.
Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Bình An luôn đứng tốp đầu của tỉnh về quy mô. Cách làm bài bản từ khâu chăm sóc, vệ sinh, thú y… đã giúp doanh nghiệp vượt qua những thời điểm lợn hơi rớt giá. Hiện nay, trang trại có 220 lợn nái và trên 1.700 con lợn thịt. Bà Đặng Thị Tuyết - Giám đốc Công ty cho biết: "Đầu tư vào chăn nuôi lớn, nếu giá cả ổn định sẽ cho thu nhập cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn VietGAP, vươn tới những thị trường lớn, chúng tôi rất mong có sự quan tâm của tỉnh, thành phố trong việc vay vốn".
Trang trại chăn nuôi của ông Vũ Văn Mỹ ở thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên nhiều năm qua luôn đem lại thu nhập hàng năm từ 200 - 300 triệu đồng. Khu chăn nuôi của gia đình ông được xây biệt lập với 6.000 con gà, 500 con ngan và 200 con lợn. Khu vực chăn nuôi luôn có treo tấm biển “không nhiệm vụ miễn vào” đủ thấy sự cẩn trọng của chủ trại bởi chỉ cần lơ là một chút cũng đủ khiến cả gia tài và bao mồ hôi, công sức đổ xuống sông, xuống biển.
Bằng những chính sách, cơ chế hỗ trợ, tỉnh đã tạo thêm “điểm tựa” giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển bền vững, Yên Bái cần có hướng đi mới trong sản xuất, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; coi trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất và đa dạng hóa vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y, vận động người dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật; kiểm soát chặt chẽ việc nhập giống gia súc, gia cầm vào địa bàn nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ vay vốn và cơ chế chính sách cho vay để các hộ sản xuất đủ điều kiện mở rộng quy mô sản xuất; rà soát, quy hoạch dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần gắn công tác khuyến nông với cập nhật thông tin về thị trường. Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa, điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất năm 2015 và các năm tiếp theo. Về lâu dài, cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Giá cả sản phẩm chăn nuôi đã tăng trở lại, thức ăn chăn nuôi cũng ổn định hơn, người chăn nuôi bắt đầu có lãi sau nhiều tháng thua lỗ. Một năm mới với hy vọng ngành chăn nuôi sẽ có bước đi vững chắc hơn và ngày càng có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân từ lĩnh vực mũi nhọn này.
Có thể bạn quan tâm

Phát triển “nóng” hoạt động chế biến, kinh doanh trong khi diện tích vườn trồng ngày càng giảm, năng suất thấp, khiến ngành điều ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Thấy dịch tai xanh và bệnh lở mồm long móng hay bùng phát nên vợ chồng anh Bảy Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) không dám nuôi heo, bò. Đầu tháng 1 dương lịch vừa rồi, anh Bảy mua 1.000 vịt con về thả nuôi thịt mong kiếm thêm nguồn thu nhập. Nuôi được 2 tuần, lo sợ dịch cúm gia cầm gây hại, anh mua vắc xin tiêm phòng cho toàn bộ số vịt ấy.

Ở thủ phủ cây điều Bình Phước thì Thạch Don không phải là người có nhiều đất. Gia đình anh hiện có 11ha đất, trong đó đã có 3ha cao su, vậy mà bình quân mỗi năm vẫn thu hơn 20 tấn điều nhân.

Ông Văn Bá Năm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, do từ đầu vụ đến nay không có mưa nên mực nước các hồ chứa xuống thấp, sông suối cạn kiệt, hàng trăm héc ta lúa đông xuân trên địa bàn huyện có nguy cơ thiếu nước tưới trong giai đoạn trỗ.

Nằm lọt thỏm giữa thung lũng Ahúch (Tây Giang), nổi bật lên một màu xanh mơn mởn của những ngọn lúa non - cái cây mà người dân nơi đây gọi là “cây no đủ”.