Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Cánh Đồng Trăm Triệu Ở Phúc Thọ (Hà Nội)

Những Cánh Đồng Trăm Triệu Ở Phúc Thọ (Hà Nội)
Ngày đăng: 15/01/2015

Những năm gần đây, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị canh tác với nhiều giải pháp đột phá và chính sách hỗ trợ thiết thực cho nông dân.

Sau một thời gian triển khai, những cánh đồng hoa, rau trái vụ, vùng chăn nuôi tập trung cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm đã xuất hiện ngày một nhiều.
Phát huy thế mạnh

Lâu nay, bà con nông dân vẫn có tập quán sản xuất theo thời vụ, mùa nào thức ấy. Thế nhưng, với sự hỗ trợ đắc lực của các tiến bộ kỹ thuật, mô hình trồng cây trái vụ đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn chính vụ. Điều đó được chứng minh thực tế tại huyện Phúc Thọ.
Vụ mùa 2014, được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, huyện đã triển khai trồng thí điểm 1 sào su hào Pháp trái vụ tại hộ gia đình ông Vũ Văn Sáu, xã Vân Phúc. Sau thời gian 40 - 45 ngày cho thu hoạch, thu lãi khoảng 8 triệu đồng/sào/lứa. Từ thành công này, Phúc Thọ tiếp tục nhân rộng ra nhiều diện tích khác. Đến nay, diện tích trồng su hào trái vụ của Phúc Thọ đạt 2ha, tập trung ở các xã Vân Phúc, Hát Môn, Thanh Đa, Tam Thuấn cho thu lãi hơn 190 triệu đồng/ha.
Ngoài rau trái vụ, Phúc Thọ có 234ha rau an toàn, phân bố ở các xã Thọ Lộc, Sen Chiểu, Võng Xuyên, Vân Phúc, năng suất đạt từ 36 - 38 tấn/ha/vụ. Ước tính giá trị canh tác khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 - 10 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, mô hình trồng hoa chất lượng cao dù mới được đưa vào trồng thí điểm vài năm nay nhưng đang cho hiệu quả vượt xa so với các cây trồng truyền thống.
Ông Phùng Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, diện tích trồng hoa ly của huyện hiện đạt 6ha, chủ yếu ở các xã Tam Thuấn, Thượng Cốc, Thanh Đa, Hát Môn, Tích Giang. Trừ chi phí cho thu lãi 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Về cây ăn quả, mô hình trồng chuối Tây Thái Lan diện tích 30ha ở các xã Vân Nam, Vân Hà cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Về chăn nuôi, trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng hình thành một số trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Cẩm Đình quy mô 10.000 con, thu lãi 700 - 800 triệu đồng/năm; nuôi lợn rừng quy mô hơn 1.000 con, trừ chi phí lãi 400 triệu đồng/năm. Đặc biệt, mới đây, huyện Phúc Thọ còn thí điểm nuôi bò thịt BBB tại xã Thượng Cốc cho thu lãi 10 - 12 triệu đồng/tháng với quy mô nuôi 10 con/hộ...
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo lãnh đạo huyện Phúc Thọ, trong bối cảnh đất sản xuất không thể mở rộng thêm, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản. Do đó, huyện đã chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ cho người nông dân, HTX cũng như các DN.
Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 50% giá trị mua máy cấy và 100% giống ở các diện tích áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy. Đến nay, khâu cơ giới hóa trong khâu làm đất của huyện đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 50% và cấy đạt 8%. Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích thành lập các hội chăn nuôi để các hội viên cùng giúp nhau phát triển sản xuất, hướng tới chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra sản phẩm sạch.
Đáng chú y, huyện còn khuyến khích các DN vào thuê đất, thuê ruộng của nông dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp nhằm tăng lợi nhuận cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Hoàng Gia Đông Dương đã xây dựng và lắp đặt cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi xuất khẩu. Huyện chủ trương tiếp tục tạo điều kiện cho công ty thuê đất của nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu, đáp ứng công suất hoạt động.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực rà soát tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Đồng thời tạo mọi điều kiện thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Sắp tới, huyện Phúc Thọ sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ và triển khai chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Nuôi Cá Nước Ngọt Tăng Diện Tích Nuôi Cá Nước Ngọt Tăng

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, bao gồm các hình thức nuôi như quảng canh trong hồ chứa thủy lợi, nuôi trong ao, nuôi thả lồng trong các hồ chứa, nuôi trong ao lót bạt và nuôi trong ruộng lúa

03/08/2011
Về Làng Bánh Chưng: Sau Tết Vẫn Nhộn Nhịp Về Làng Bánh Chưng: Sau Tết Vẫn Nhộn Nhịp

Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nổi tiếng về nghề làm bánh chưng truyền thống. Nhờ nghề này, Vĩnh Hòa đã trở thành làng giàu có bậc nhất huyện Yên Thành.

21/02/2012
Chăm Sóc Khai Thác Dừa Nước Nam Bộ Chăm Sóc Khai Thác Dừa Nước Nam Bộ

Khai thác dừa nước là một truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á khi mà một bộ phận khá lớn cư dân các vùng duyên hải Tây Thái Bình Dương lấy nước dừa làm nguồn thu nhập chính. Ở Philippines, 93% cồn và rượu được sản xuất chủ yếu từ dừa nước trong năm 1910, sản lượng lúc đó đã lên đến 90.000 lít (Gibbs, 1911). Giấm dừa nước là nguyên liệu tuyệt vời chế biến các món ăn hấp dẫn nơi các nhà hàng Thái Lan và Philippines

13/07/2012
Quý I Thu Hoạch 3.000 Tấn Ngao, Thả 135 Triệu Tôm Sú Giống Quý I Thu Hoạch 3.000 Tấn Ngao, Thả 135 Triệu Tôm Sú Giống

Năm 2012, Tiền Hải (Thái Bình) tổ chức nuôi trồng thủy - hải sản trên tổng diện tích 4.333 ha. Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, trong quý I các địa phương đã chuẩn bị tốt cho vụ nuôi trồng, tiến hành nạo vét kênh mương, cải tạo toàn bộ diện tích ao đầm, lấy nước và đảm bảo cung ứng đủ giống cho người nuôi đúng thời vụ.

20/04/2012
Trồng Lạc Thu Đông Để Làm Giống Trồng Lạc Thu Đông Để Làm Giống

Tuy nhiên, do phải bảo quản giống với thời gian dài (6-7 tháng), mặt khác hạt giống lạc lại có hàm lượng dầu cao dễ biến chất làm mất sức nẩy mầm dẫn đến nhiều khi thiếu giống, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch gieo trồng lạc xuân hàng năm. Từ kết quả đề tài "Nghiên cứu phát triển vụ lạc thu đông với các tỉnh phía Bắc" của Viện KHKTNN Việt Nam đến nay nhiều địa phương đã áp dụng thành công TBKT này nhằm chủ động cung cấp đủ giống lạc cho vụ lạc xuân.

17/07/2012