Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhức nhối đất nông lâm trường

Nhức nhối đất nông lâm trường
Ngày đăng: 27/10/2015

Nhiều giải pháp được các đại biểu đưa ra bàn luận.

Thực trạng ngổn ngang

Báo cáo của Tổng cục Đất đai (Bộ TN-MT) cho thấy, hệ thống các nông lâm trường quốc doanh bắt đầu hình thành từ năm 1955 - 1958, trải qua nhiều chủ trương sắp xếp, đổi mới đến nay trên cả nước có 653 Cty nông, lâm nghiệp, BQL rừng, khu bảo tồn, VQG đang quản lý và sử dụng gần 8 triệu ha đất.

Trong đó 642 nông lâm trường đã được nhà nước thực hiện thủ tục giao đất cho thuê đất với tổng diện tích gần 7,6 triệu ha.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Nguyễn Văn Chiến, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai trong các nông lâm trường hiện là một trong những vấn đề nóng nhất.

Hiện cả nước có 54 nông lâm trường, BQL rừng đang diễn ra tranh chấp với diện tích hơn 18.000 ha.

Ngoài ra, có 76 nông, lâm trường, BQL rừng bị lấn chiếm với diện tích xấp xỉ 60.000 ha.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ông La Văn Thịnh chỉ ra rằng, trong số 642 nông lâm trường đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích gần 7,6 triệu ha (chiếm 95,0% tổng diện tích đang quản lý, sử dụng) thì có 526 nông lâm trường được giao đất không thu tiền sử dụng đất với diện tích hơn 7,1 triệu ha, chiếm 89,1%, bao gồm:

284 BQL, vườn quốc gia, khu bảo tồn quản lý diện tích trên 5,1 triệu ha (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất các nông lâm trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ công ích, không thực hiện SX kinh doanh).

Diện tích này theo quy định của pháp luật từ 2004 - 2014 thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Trên thực tế, không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích này là cần thiết, đúng quy định của pháp luật và đúng yêu cầu thực tế đặt ra đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hiện phần lớn nông lâm trường đóng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, chỉ có một số DN cao su, cà phê làm ăn có lãi, do vậy chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các đơn vị cũng đang vướng phải tồn đọng rất lớn.

Tiếp theo, có 242 nông lâm trường quản lý diện tích gần 2 triệu ha thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, song chưa thực hiện, vì vậy chưa phát sinh hồ sơ thu nộp nghĩa vụ tài chính về đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định.

Kế đến, có 112 nông lâm trường chuyển sang thuê đất với diện tích 472.709 ha; có 4 nông lâm trường đã chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 2.029 ha (chiếm 0,03%) là có thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với nhà nước.

Hiến kế tái cơ cấu

Đóng góp giải pháp để quản lý hiệu quả hơn nữa đất nông lâm trường quốc doanh, lãnh đạo Cty TNHH MTV Cao su Chư Păh (Gia Lai) cho rằng, cần phải có một quy hoạch tổng thể trong việc sử dụng đất của các loại cây trồng, vật nuôi.

Cần có giải pháp giải quyết tận gốc rễ vấn đề đất tại các nông lâm trường quốc doanh

Trong đó, quy hoạch các loại hình SX cho các cây trồng và sau khi đã xác định tính khoa học, tính thực tiễn thì phải tuân thủ.

Đặc biệt, phải coi hành vi phá vỡ quy hoạch là một việc làm vi phạm nghiêm trọng đến quá trình phát triển của xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, cần tái cơ cấu lại đất nông lâm trường theo hướng “đoạn tuyệt” với cơ chế quản lý của Bộ, ngành chủ quản để giảm các khoản đầu tư của Nhà nước.

Nếu Nhà nước cần nắm đất nông lâm trường để SX kinh doanh thì tiếp tục đổi mới, còn nếu không thì dứt khoát phải giao cho DN SX, kinh doanh...

Đặc biệt, khi đã giao đất cho một tổ chức kinh tế nào thì phải ổn định trong thời gian dài, tránh thu hồi phá vỡ quy hoạch chung vì lý do này, lý do kia.

Trừ trường hợp các công trình trọng điểm quốc gia như đường điện, sân bay, bến bãi hoặc những công trình trọng điểm khác...

Ngoài ra, cần tăng cường sự quản lý nhà nước đối với việc quản lý đất đai và hiệu quả sử dụng đất.

Tránh tình trạng “rừng vô chủ”, “đất vô chủ” hoặc sử dụng không hợp lý kéo dài.

Lãnh đạo Cty CP Chè Sông Lô (Tuyên Quang) kiến nghị Bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn xử lý những vướng mắc trong việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng SX và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 01/CP ngày 04/10/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ.

Có chính sách miễn tiền thuê đất cho các DN SX trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để người lao động trong DN được hưởng chính sách như người nông dân.

Riêng với tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo Cty Chè Sông Lô đề nghị cho phép các DN SX trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tiếp tục rà soát thanh lý những vườn cây thuộc nguồn vốn tài sản của Nhà nước có năng suất thấp, để DN cùng các hộ nhận khoán trồng lại bằng các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho DN được vay vốn để phát triển các loại cây trồng thích hợp, nhất là vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Hỗ trợ lãi suất 2 năm đầu cho DN.

Đồng tình quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, Phùng Đức Tiến cho rằng, để loại bỏ tận gốc rễ những tồn tại, bất cập về đất đai nông lâm trường, việc cấp thiết là rà soát lại diện tích đất đai giao khoán, cho thuê, đồng thời tổng kết các mô hình SX kinh doanh có hiệu quả để phổ biến nhân rộng, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, phát triển theo chuỗi giá trị...

"Các nông lâm trường đang gặp khó khăn về vốn đầu tư SX, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, vì thế cần có đánh giá việc tiếp cận chính sách về vốn, tài chính đối với đất đai, nhân lực, hạ tầng phát triển SX...để khuyến khích DN đầu tư trong lĩnh vực này", ông Tiến đề xuất.


Có thể bạn quan tâm

Tỷ phú để tiền trong nhà... người nghèo Tỷ phú để tiền trong nhà... người nghèo

Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Đặng Quang Hữu, thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã gây dựng nên cơ nghiệp trị giá cả tỷ đồng. Không những vậy, mỗi năm anh còn giúp đỡ hàng trăm hộ có công ăn việc làm, có thu nhập...

27/09/2016
Am hiểu bồ câu Pháp, bỏ túi 20 triệu đồng mỗi tháng Am hiểu bồ câu Pháp, bỏ túi 20 triệu đồng mỗi tháng

Nhờ nuôi 1.000 cặp bồ câu Pháp giống, mỗi tháng gia đình ông Hứa Công Lương (55 tuổi, ở thôn An Ngãi Đông, xã Hoà Sơn, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã ăn nên, làm ra, tạo được cuộc sống khấm khá.

27/09/2016
Chuyện làm chè an toàn của Trịnh Xuân Thanh Chuyện làm chè an toàn của Trịnh Xuân Thanh

Mải miết những ý tưởng mới trong sản xuất kinh doanh chè, anh Trịnh Xuân Thanh, chủ cơ sở sản xuất thương mại Duy Phát, thôn 12, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn đau đáu với mô hình sản xuất chè an toàn bằng phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hóa học…

27/09/2016
Tiền Giang Thành công từ mô hình nuôi lươn Tiền Giang Thành công từ mô hình nuôi lươn

Bà con nông dân ở ấp Phú Thuận, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, việc nuôi lươn còn rất mới mẻ, ít được bà con quan tâm. Với quyết tâm học hỏi và sự chí thú làm ăn tìm cách vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Văn Bộ mạnh dạn nuôi lươn thương phẩm từ con giống đẻ tự và đã đạt được hiệu quả ngoài mong đợi.

27/09/2016
Nuôi gà Ai Cập hướng trứng lãi 350 đến 400 triệu đồng mỗi năm Nuôi gà Ai Cập hướng trứng lãi 350 đến 400 triệu đồng mỗi năm

Gia đình bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là một trong vài hộ đầu tiên tại huyện Vĩnh Bảo nuôi gà Ai Cập đẻ trứng.

28/09/2016