Nhức Nhối Chuyện Bán Điều Non Ở Bình Phước
Với hơn 150 nghìn ha, tỉnh Bình Phước được coi là "thủ phủ điều của cả nước". Cây xóa đói, giảm nghèo một thời, nay vì mất giá, cho nên người dân chặt bỏ. Nhiều hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có vốn đầu tư, đất bạc màu là còn chung thủy với cây điều. Nhưng cơn lốc của thị trường, lại nảy sinh tình trạng bán điều non, gây nhức nhối ở các xã vùng sâu tỉnh Bình Phước.
Xót xa cảnh bán điều non
Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bình Phước cho thấy, vài năm gần đây, tình trạng chặt điều bán củi để trồng cây khác, chủ yếu là cây cao-su tăng nhanh, làm cho diện tích điều ngày càng thu hẹp. Nếu cứ đà này, nguy cơ Bình Phước mất danh hiệu "thủ phủ điều" không còn xa. Chỉ còn những vùng đất xấu, đất dốc, hoặc hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu các huyện Bù Gia Mập, Bù Ðăng, Phước Long và Bù Ðốp... là còn gắn bó với cây điều. Những vườn còn lại của các hộ nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thì rơi vào cái cảnh phải bán điều non, hoặc cầm cố cho chủ nợ diễn ra khá phổ biến.
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm địa danh nổi tiếng, trước giải phóng mỗi đêm đều "rộn rã tiếng chày khuya" - nơi bà con dân tộc Xtiêng, đêm đêm giã gạo dưới ánh "đuốc lồ ô", góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - đó là xã Bom Bo, huyện Bù Ðăng. Bom Bo bây giờ đã được thắp sáng bằng lưới điện quốc gia. Máy xát gạo đã thay những bàn tay trần cầm chày giã gạo. Trên khoảng rừng đại ngàn xưa, nay mọc lên nhiều căn nhà khang trang, có cả ngôi trường mới để trẻ em bi bô học chữ.
Dừng chân tại quán cà phê ngay trung tâm xã Bom Bo, đồng thời cũng là nơi môi giới mua bán vườn điều có tiếng của bà H. Sau khi nhâm nhi ly cà-phê, chúng tôi lái vào chuyện muốn mua vườn điều. Không e ngại, bà H đon đả giới thiệu vài mối mà bà cho là chỗ thân tình, tin cậy. Rồi bằng giọng của một người buôn bán, bà H phán:
- Các anh có vốn mà mua như thế thì chết. Muốn chắc ăn, có lãi lớn phải "thầu vườn" - nghĩa là phải bỏ vốn ra "hợp đồng" (thực ra là mua điều non) với chủ vườn, thời gian từ 5 đến 10 năm. Khi có vườn trong tay, các anh mới chủ động đầu tư chăm sóc, trừ sâu bệnh, kích hoa, dưỡng trái... Như thế chắc ăn hơn nhiều.
Bà H cũng không quên tiếp thị và nói có gì cứ gọi điện thoại, tôi sẽ giúp cho.
Theo lời giới thiệu của bà H, chúng tôi tìm đến nhà anh Ðiểu La, thôn 4, xã Bom Bo. Anh này đang cần bán 1,5 ha điều non để trả nợ. Vườn điều ngay sát nhà, tiếc rằng nó vừa được một người ngoài huyện thầu với giá ban đầu là 35 triệu đồng, sau nâng lên 37 triệu đồng, nhưng chỉ đến năm 2016 là hết hạn. "Các bác đến muộn quá" - Anh Ðiểu La phân trần. Gần nhà Ðiểu La là nhà anh Ðiểu Thu, cũng đã bán vườn điều non gần bốn năm nay. Biết bán rẫy điều non là buồn lắm, nhưng không có cách nào khác. Năm 2007, con tôi bệnh nặng, không có tiền chữa, đưa vào viện phải có tiền, bác sĩ bảo thế. "Tôi về nói với vợ bán 1,3 ha điều, bán bốn năm thôi, được 60 triệu đồng để chữa bệnh cho con". Anh Ðiểu Thu ngậm ngùi nói, như bào chữa việc vì sao mình phải bán non vườn điều.
Tình trạng bán điều non ở xã Bom Bo không chỉ dừng lại vài hộ, hay vài chục hộ, mà lên đến hàng trăm hộ. Các lái điều cũng có nghiệp vụ điều tra và lại khá tâm lý, biết nhà nào có người bệnh, nhà nào sắp cưới hỏi, hay đang bí tiền mặt là thăm hỏi, gạ cho vay tiền, sau đó ngã giá mua non vườn điều. Nhiều chủ vườn cũng biết bán thế là thiệt, nhưng sa vào nước cờ bí, đành nhắm mắt đưa chân, nhận tiền và giao non vườn điều. Nếu may mắn qua cơn bĩ cực, mất vài năm rồi chuộc lại vườn. Nhiều nhà còn vay thêm, lãi mẹ đẻ lãi con, đến lúc chịu không nổi phải khăn gói tay trắng ra đi, nhìn vườn điều của mình vào tay người khác mà không khỏi xót xa.
Chưa có lối ra
Trở lại UBND xã Bom Bo, chúng tôi hỏi thêm về việc cầm cố, bán vườn điều non, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ðức Ðăng cho biết, sơ bộ kiểm tra những hộ dân trong xã, bước đầu có 120 hộ do nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau phải bán vườn điều non để mưu sinh. "Họ ngấm ngầm mua bán với nhau, thậm chí nói miệng, khá hơn là tờ viết tay, không cần chứng nhận của UBND xã, làm sao chúng tôi kiểm soát được, ông Ðăng nói như thanh minh.
Ðến xã Ðắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, được coi là vựa điều chính của Bình Phước, một lãnh đạo xã ngại nêu tên trên báo, nói ngắn gọn: "Các hộ trong xã chủ yếu là bà con dân tộc Xtiêng đều dính đến chuyện mua, bán điều non. Các anh cứ xuống thôn 6 thì rõ". Tại thôn 6, khi hỏi về chuyện bán điều non, không ngần ngại, trưởng thôn Lê Cao Hùng cho biết: "Cả thôn có 303 hộ, chủ yếu là đồng bào Xtiêng, thì 240 hộ đã bán điều non, thời gian từ 6 đến 10 năm".
Khung giá chung vườn điều phổ biến là bất kể giá điều năm sau cao hay thấp, nhưng nếu bán non từ một đến hai năm, thì giá 8 đến 11 triệu đồng/ha; từ 4 đến 10 năm giá có thể lên hơn 15 triệu đồng/ha. Giá này còn phụ thuộc vào độ tuổi cây điều, giống điều, đất xấu hay tốt, dốc hay bằng phẳng, gần hay xa. Trong khi đó, với năng suất bình quân 10,5 tạ/ha và theo thời giá hiện nay là 24 nghìn đồng/kg, thì mỗi ha điều mang lại khoảng 25 triệu đồng/năm. Như vậy, với kiểu bán điều non, các hộ chỉ thu được khoảng 40 đến 50% giá trị thật, nói cách khác họ mất đứt một nửa tiền.
Người biết rõ vì sao các hộ đồng bào nghèo tại đây lại có phong trào bán điều non, là ông Ðiểu Mốt, thôn phó thôn 6. Theo lời ông Mốt, chuyện bán điều non và cầm cố vườn điều ở đây có lâu rồi. Nhiều lý do lắm, vì cái nghèo cũng có, chữa cái bệnh cũng có, nhưng cũng có nhiều đồng bào bán điều non lấy tiền để làm đám cưới to..., giống "con gà tức nhau tiếng gáy". Theo "tục lệ cũ" của người Xtiêng, bữa nay tôi giết trâu mời anh, mai anh cũng phải giết bò mời tôi, cứ thế, vì "cái danh hão" chẳng ai nhận nhà mình là nghèo, là khó khăn cả. Hễ có công, có việc ma chay, cưới hỏi là phải rượu, thịt ăn uống linh đình. Mời nhiều người thì cần nhiều tiền, không có tiền thì bán điều non. Mặc dù vào thời điểm giáp hạt, ở đây nhiều hộ phải vay bao gạo, đến mùa trả bao điều, ông Mốt nói như phê phán số người còn bám vào các "hủ tục cũ, lỗi thời".
Thực trạng bán điều non, cầm cố vườn điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ðây là chuyện nhức nhối ở vùng thôn quê nghèo, nơi nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số còn phải chạy ăn từng bữa; thậm chí phải xin chính quyền địa phương cứu đói vào thời điểm giáp hạt. Phó Chủ tịch UBND Bình Phước Nguyễn Huy Phong cho biết, mặc dù tỉnh có nhiều cố gắng cải thiện đời sống của bà con, nhưng với tình trạng bán vườn điều non như hiện nay, thì hàng nghìn hộ đồng bào có thể lại lâm vào hoàn cảnh tái nghèo. Thống kê chưa đầy đủ đã có 389 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, với diện tích gần 700 ha; 631 hộ đồng bào cầm cố sang nhượng quyền sử dụng đất, diện tích 899 ha để lấy tiền chi tiêu. Hai huyện có số hộ bán điều non và cầm cố sổ đỏ nhiều nhất là huyện Bù Ðăng và Bù Gia Mập, tổng cộng là 567 hộ, với diện tích gần 1.000 ha.
Cái vòng luẩn quẩn là nghèo đói, cần tiền thì bán điều non, bán đất. Hết đất thì lại phá rừng làm rẫy, lại kê khai hộ nghèo hưởng trợ cấp và lại xin Nhà nước chia đất sản xuất... Vòng luẩn quẩn này dường như chưa có lối ra và đang làm đau đầu các nhà quản lý, hoạch định chính sách của Bình Phước. Theo ông Ðiểu Mốt, đồng bào thiểu số vốn thật thà, biết giữ chữ tín, cho nên các giao dịch, cầm cố không cần giấy tờ gì, chỉ cần hai bên nói bằng miệng là xong, vì vậy chính quyền bó tay. Muốn biết ai thật sự là chủ vườn điều, ai ở nơi khác đến mua điều non của đồng bào, cứ đến mùa nhặt quả thì rõ.
Ðể ngăn chặn tình trạng mua bán điều non của đồng bào dân tộc thiểu số, từ cuối năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 14, về việc tăng cường các biện pháp quản lý để đồng bào có đất canh tác, ổn định đời sống. Nhưng thực tế tình trạng mua, bán vườn điều non vẫn âm thầm tái diễn và có phần còn phức tạp hơn. Theo báo cáo của Công an huyện Bù Ðăng, huyện này đã xác minh, làm rõ hành vi của một số người lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, lại cần tiền của đồng bào dân tộc thiểu số để mua rẻ vườn điều non, sau đó là thôn tính toàn bộ diện tích đất của các hộ này. Ðây là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Trà Vinh vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ 80 tấn hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Hiện diện tích tôm chết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có dấu hiệu lây lan, phải được khống chế kịp thời, nhưng lượng hóa chất Chlorine của Bộ NN&PTNT cấp cho tỉnh năm 2012 đến nay đã sử dụng hết.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ mãi duy trì kiểu độc quyền xuất khẩu gạo như hiện nay thì chỉ làm cho giá gạo ngày càng xuống thấp và người chịu thiệt vẫn là nông dân
Ngày 06/5/2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Hội Nông dân phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi sò huyết thương phẩm cho bà con nông dân. Tham dự lớp tập huấn có trên 40 hội viên, nông dân tại địa phương.
Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.