Nhu Cầu Muối Châu Á Đang Tăng Mạnh
Phần lớn nhu cầu gia tăng từ nay tới 2018 sẽ đến từ lĩnh vực hóa chất. Các nhà nhập khẩu khó tính rất ưa chuộng muối Việt Nam nhờ sản xuất bằng phương pháp thủ công.
Nhu cầu muối thế giới dự báo sẽ tăng 2,7% mỗi năm từ 2013 đến 2018, và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy nhu cầu tăng trên toàn thế giới.
Nhu cầu muối phần lớn đến từ lĩnh vực hóa chất
Theo báo cáo của hãng Roskill – trụ sở ở London, tiêu thụ muối châu Á dự báo sẽ tăng gần 5% mỗi năm tới 2018, và khi đó khu vực này sẽ chiếm gần một nửa tổng nhu cầu muối toàn cầu.
Phần lớn nhu cầu gia tăng từ nay tới 2018 sẽ đến từ lĩnh vực hóa chất, với sự tăng trưởng sản xuất chloralkali toàn cầu đẩy nhu cầu muối tăng gần 30 triệu tấn trong giai đoạn dự kiến.
Nhu cầu muối trong 5 năm tới cũng sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất soda ash tổng hợp trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tiêu thụ muối ở các thị trường thực phẩm cũng gia tăng, với tiêu thụ ở các nước đang phát triển tăng mạnh sẽ bù lại tiêu thụ trung bình người giảm ở những nước phát triển.
Thị trường muối luôn rất khó dự báo, bởi sản lượng và nhu cầu hàng năm phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết hơn là vào các điều kiện kinh tế, và mức độ dao động trong dự báo có thể lên tới 25%, chẳng hạn như khi thời tiết mùa đông ở Bắc Mỹ và bắc Âu quá khắc nghiệt.
Nhu cầu của Trung Quốc tăng sẽ được đáp ứng bởi công suất sản xuất tăng nhờ cải thiện công nghệ và hiện đại hóa các kỹ thuật sản xuất, mặc dù phần nhập khẩu tăng của Trung Quốc sẽ chủ yếu để phục vụ ngành hóa chất. Các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới như Mexico, Chile, Ấn Độ và Australia cũng đang tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu gia tăng trên toàn cầu, nhất là từ châu Á.
7 nước thống trị ngành muối
Ngành muối thế giới được thống trị chỉ bởi 7 nước sản xuất lớn nhất, chiếm tổng cộng 65% sản lượng toàn cầu. Châu Á là khu vực sản xuất muối lớn nhất thế giới, với thị phần lên tới 35% sản lượng toàn cầu năm 2012. Đó chủ yếu là kết quả của sự gia tăng sản lượng ở Trung Quốc tới 2011, nhưng cũng bởi tầm quan trọng ngày càng lớn của cường quốc sản xuất muối khác là Ấn Độ.
Là nước tiêu thụ muối lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng là nước sản xuất muối lớn nhất, mặc dù sản lượng muối của nước này giảm 3,3% trong năm 2012 so với 2011 sau khi thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới vụ thu hoạch muối và nhu cầu chloralkali giảm sút. Sản lượng muối Trung Quốc năm 2013 ước tính bằng mức năm 2012. Tại Trung Quốc, nhu cầu gia tăng hoàn toàn được đáp ứng bởi muối nhập khẩu từ 6 nước sản xuất lớn kia và 110 nước sản xuất muối khác trên thế giới.
Sản lượng của Bắc Mỹ và châu Âu đã giảm sút trong 5 năm qua. Tuy nhiên, một số nước sản xuất trong khu vực vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết mùa đông - ảnh hưởng tới nhu cầu làm tan muối đóng băng.
Mặc dù sản lượng trong nước cao, Trung Quốc vẫn là nước nhập ròng muối, giống như nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới – Hoa Kỳ. Trong số 5 nước sản xuất muối lớn nhất thế giới, Australia là nước duy nhất có ngành sản xuất muối hoàn toàn hướng tới xuất khẩu. Mexico là nước xuất khẩu muối lớn thứ 2 thế giới, xuất khẩu khoảng 80% sản lượng, trong khi Canada và Đức xuất khẩu lần lượt 40% là 15% sản lượng.
Mậu dịch muối toàn cầu chiếm khoảng 20% sản lượng muối thế giới. Mậu dịch giảm gần 18% trong giai đoạn 2011 tới 2012, do thời tiết quá lạnh giá trong năm 2011 đẩy nhập khẩu muối năm đó gia tăng kỷ lục, trong khi thời tiết mùa đông năm 2012 ấm áp làm giảm mậu dịch muối. Ước tính mậu dịch muối toàn cầu năm 2013 tăng gần 10% so với năm 2012.
Nguồn cung muối thế giới chủ yếu đến từ một số ít hãng sản xuất. Năm 2013, 7 công ty (mỗi công ty có công suất sản xuất 10 triệu tấn/năm) có tổng công suất 114 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 40% sản lượng toàn cầu. K+S là hãng sản xuất muối lớn nhất thế giới với nhiều nhà máy ở châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. CNSIC ở Trung Quốc là hãng sản xuất lớn thứ 2, và Compass Minerals là hãng lớn thứ 3 với nhiều nhà máy ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Muối Việt Nam hấp dẫn nhiều khách hàng khó tính
Sản lượng muối Việt Nam năm 2013 đạt khoảng 1,04 triệu tấn, đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu thụ. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 – 200.000 tấn muối, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc và Australia.
Muối Việt Nam được sản xuất bằng phương pháp thủ công nên giữ được nhiều vi chất từ nước biển, đồng thời có hàm lượng NaCl khá cao (95%), nhờ vậy đã hấp dẫn được nhiều khách hàng quốc tế khó tính. Đặc biệt, người tiêu dùng Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU rất ưa chuộng muối phơi cát Miền Bắc được sản xuất tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Từ lâu, họ đã nhập khẩu số lượng lớn về tiêu dùng thực phẩm trong nước cho dù hàng năm nước họ có thể sản xuất ra hàng triệu tấn muối các loại.
Trong bối cảnh ngành chế biến thực phẩm phát triển nhanh, ngành muối đang tìm tòi nâng cao chất lượng, năng suất và khả năng chế biến để vừa đáp ứng nhu cầu cần muối phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước, đồng thời đủ sức cạnh tranh với muối ngoại nhập, góp phần phát triển ngành muối bền vững và cải thiện đời sống cho người làm muối.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, Tiền Giang xây dựng được vùng trồng chuyên canh dừa gần 15.000 ha, vượt gần 3% so kế hoạch cả năm và tăng 2% so cùng kỳ năm trước. Diện tích dừa tập trung tại các huyện ven biển nhiều khó khăn phía Đông: Tân Phú Đông, Chợ Gạo, Gò Công Tây… Tỉnh tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhằm tạo thêm nguồn hàng hóa cung ứng thị trường, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Từ hiệu quả kinh tế cây chuối mô mang lại, năm 2015 nông dân thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai (Mường Khương - Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư trồng mới thêm 25 ha cây chuối mô, nâng tổng diện tích cây chuối mô tại huyện Mường Khương lên hơn 304 ha.
Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.
Viện khoa học nông nghiệp Tây Nguyên đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu bảo quản lạnh trái bơ sau thu hoạch". Chủ nhiệm đề tài, KS. Hoàng Mạnh Cường cho biết, thời gian bảo quản dài nhất đạt được đối với trái bơ qua các thí nghiệm là 18 ngày, trong đó giữ những khay/hộp trái bơ trong kho bảo quản có nhiệt độ duy trì 8 độ C trong 15 ngày và trưng bày trên kệ của cửa hàng có nhiệt độ không khí 20 độ C 3 ngày chờ khách mua.
Tiếp theo vải thiều Bắc Giang, vải Thanh Hà (Hải Dương), vụ nhãn 2015 nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm "tiến vua" sẽ lần đầu tiên được xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ và các nước.