Nhộn nhịp vùng mía

Không khí mùa vụ đang nhộn nhịp tại vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, khẳng định: “Tính đến thời điểm này của vụ mía năm nay, nông dân sản xuất có lãi ít nhất 30 triệu đồng/ha”.
Cũng theo ông Tự, năm nay, huyện Phụng Hiệp xuống giống được hơn 7.800ha mía, giảm 500ha so với năm ngoái.
Do diện tích giảm nên sản lượng mía nguyên liệu cũng giảm theo, từ đó, các nhà máy đường đã đẩy giá mua lên nhằm thu gom mía nguyên liệu dẫn đến nông dân được lợi.
Hiện tại, thương lái cân mía tại ruộng có giá từ 1.100-1.200 đồng/kg (giống ROC 16) và 950-1.000 đồng/kg (giống ROC 11, 13), tăng 200 đồng/kg so với đầu vụ (giữa tháng 9).
Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng mía có được nguồn lợi nhuận từ 30-70 triệu đồng/ha (tùy theo năng suất cao hay thấp).
Và đây được xem là nguồn lợi nhuận cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Đang xem công nhân cân mía cho thương lái, ông Phạm Văn Bảy, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, vừa ghi sổ vừa tươi cười chia sẻ: “Sau nhiều năm chỉ biết tiền cũ đổi tiền mới, năm nay, người trồng mía đã tìm lại được nụ cười khi cây mía đã có được “vị ngọt” đúng với bản chất của nó”.
Cùng niềm vui trên, anh Nguyễn Văn Bé, ở ấp Tân Phú B2, xã Tân Phước Hưng, khoe: “Tôi vừa bán xong 6 công mía (giống ROC 16) với giá 1.100 đồng/kg, năng suất 15 tấn/công, sau khi trừ chi phí ước lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.
Nếu giá mía vẫn giữ được mức như thế này thì nông dân trồng mía năm nay sống khỏe”.
Cùng với giá cả, một niềm vui khác mà người trồng mía cũng đang hồ hởi là năng suất mía năm nay tăng khoảng 15-20 tấn/ha so với vụ mía trước.
Theo lý giải của bà con, thời tiết vụ này tương đối thuận lợi cho cây mía phát triển, đặc biệt nước lũ ít nên không bị áp lực đốn mía chạy lũ, mía thu hoạch đúng ngày tuổi, cộng với việc nhân công đốn được sát gốc trong quá trình thu hoạch nên năng suất theo đó nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Đặng, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, thông tin: “Do khu vực này là vùng trũng nên mọi năm vào thời điểm này, nước đã ngập khỏi mặt liếp khá cao.
Sau khi nước rút, tôi phải chở khoảng 10 tấn mía (1ha) còn sót lại trong quá trình đốn về làm củi.
Nhưng năm nay, tình trạng này không còn, mía được đốn tận gốc, năng suất tăng, trong khi giá mướn nhân công lại rẻ”.
Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bước vào vụ thu hoạch mía của niên vụ 2015-2016 được hơn 1 tháng, với diện tích thu hoạch toàn tỉnh hơn 3.500/11.587ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.
Nếu không khí có phần trầm lắng vào đầu vụ thu hoạch, thì hiện không khí mùa vụ ở nhiều địa phương có mía đang thu hoạch trở nên sôi động hơn khi mía được mùa, bán được giá.
Thực tế, khi chúng tôi dạo quanh nhiều tuyến kênh chính và nội đồng trên địa bàn vùng mía huyện Phụng Hiệp, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh nông dân thu hoạch, vận chuyển và cân mía đưa xuống ghe trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Nguyên nhân là do giá mía trong những ngày gần đây đã tăng khoảng 200 đồng/kg so với đầu vụ.
Cùng với đó, hiện thương lái cũng triển khai thu mua nhiều hơn nên bà con đang tranh thủ bán mía với nguồn lợi nhuận cao.
Cũng ghi nhận tại vùng mía Phụng Hiệp, bình quân mỗi ngày, bà con nơi đây đốn từ 80-100ha mía, lượng ghe thu mua dao động từ 200-250 ghe.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Nhờ tổ chức phân vùng, chia thời điểm xuống giống, khi bước vào thu hoạch rộ đã sắp xếp nhà máy thu mua theo phân vùng này, nên tránh được tình trạng thu hoạch rộ cùng thời điểm dễ bị ép giá”.
Cùng với chính quyền địa phương trong việc phối hợp khoanh vùng thu hoạch mía để đạt hiệu quả, năm nay, lần đầu tiên Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã hỗ trợ 50 máy đo chữ đường tại rẫy mía, trong đó, Sở NN&PTNT tỉnh 10 máy; lực lượng khuyến nông, tổ kỹ thuật và chủ nhiệm các CLB và HTX nằm trong vùng mía nguyên liệu của công ty là 40 máy.
Việc hỗ trợ này nhằm giúp cho cán bộ, người nông dân có thể tự kiểm tra, xác định chữ đường trước một bước tại rẫy mía của mình, từ đó quyết định thời gian đốn mía cho phù hợp.
Đây được xem là một việc làm thiết thực nhằm ổn định và nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu của Casuco trong thời gian tới.
Hiện nay, người trồng mía trên địa bàn tỉnh bước vào vụ thu hoạch không lâu, việc diện tích mía giảm ở nhiều nơi, giá đường đang ở mức cao, đường tồn kho giảm mạnh,… sẽ là những động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua mía nguyên liệu.
Dự báo thời gian tới, tình hình tiêu thụ mía nguyên liệu sẽ tiếp tục khả quan, cả về tiến độ thu hoạch lẫn giá bán.
Từ đó, không khí mùa vụ sẽ càng nhộn nhịp hơn, đây là những gì mà người dân trồng mía luôn kỳ vọng mỗi khi vụ thu hoạch về…
Có thể bạn quan tâm

Anh Lê Thành Huy - cán bộ khuyến nông xã cho biết, chuối mốc là một trong những loại cây trồng chủ lực của xã. Ngoài chất lượng thơm, ngọt, dẻo, chuối mốc Suối Cát khi chín có màu vàng sáng với lớp phấn trắng mốc bên ngoài, các nhánh đều nhau, trái to đều, chưng bàn thờ ngày Tết rất đẹp nên được người dân ưa chuộng.

Ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên cũng xác nhận tình trạng xoài chết cây tại các vườn xoài thuộc khu vực đồi, núi. Đồng thời khuyến cáo, các chủ vườn cần chú ý theo dõi, chủ động phòng ngừa thích hợp để tránh thiệt hại, nhất là tăng cường giải pháp dinh dưỡng cho cây xoài; hạn chế xử lý kích thích ra hoa liên tục.

“Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) là huyện có lượng mưa rất ít, chỉ rộ 2 - 3 tháng một năm, độ ẩm trong không khí lại thấp, nước tưới cho thanh long chủ yếu từ nguồn nước ngầm, nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hạn hán là nông dân chúng tôi lại đau đầu vì thiếu nước, mà cây trồng thiếu nước một mùa thì ba mùa vực chưa lại.

Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn đón nhận tin vui, anh Lê Văn Chía, một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở Tổ 13, ấp 5, xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã nhân thành công giống vú sữa bản địa mới, đó là: Vú sữa bơ hồng cơm vàng. Giống vú sữa này vừa đoạt được giải Nhì tại “Hội thi Trái ngon - an toàn và củ quả lạ quý hiếm Đồng bằng sông Cửu Long - Cần Thơ năm 2013”.

Đó là mô hình độc đáo trên đồi đất dốc, mà ông Trần Văn Danh (ấp An Thạnh, xã An Hảo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã biến khó khăn trở nên lợi thế, đưa đến thành công trong việc trồng quýt đường của miệt Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Năm đầu tiên, ông thu hoạch được trên 25 tấn trái, bán với giá 13.000 đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập gia đình…