Nhộn Nhịp Ngày Mùa
Tại huyện Chiêm Hóa, đồng chí Trần Văn Tú, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết, vụ mùa này toàn huyện phấn đấu gieo cấy 5.631 ha lúa; 902 ha ngô; 828 ha lạc...
Tại một số xã, mặc dù nhiều diện tích lúa xuân chưa thu hoạch nhưng bà con đã chủ động gieo mạ sớm để khi thu hoạch xong vụ xuân sẽ khẩn trương làm đất, tiến hành gieo trồng vụ mùa. Dự kiến thời điểm gieo trồng của các giống cây ngắn ngày sẽ kết thúc trước ngày 30-7, với giống cây dài ngày thì thời điểm gieo trồng có thể kết thúc trước tiết lập thu (tức là ngày 8/8/dương lịch), riêng cây ngô đồi thì thời điểm gieo trồng kết thúc trong tháng 8.
Để bảo đảm thời vụ sản xuất diễn ra đúng thời gian, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn và các địa phương vận động nhân dân tập trung làm đất, gieo mạ trong cuối tháng 6 đầu tháng 7 - thời điểm lúa xuân ở giai đoạn cúi bông, vào chắc và triển khai gieo cấy xong trong tháng 7. Huyện cũng lưu ý, để bảo đảm thời vụ gieo cấy, không chờ lúa xuân gặt xong mới gieo mạ, người dân cần chủ động gieo mạ trên nền đất cứng (trên sân, ruộng rau, ruộng màu) để khi gặt xong lúa xuân có thể triển khai cấy vụ mùa.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương khuyến cáo, vận động nhân dân chủ động sử dụng các giống lúa, ngô ngắn ngày để bảo đảm kịp thời vụ cho sản xuất vụ đông. Các giống lúa chủ yếu gieo cấy vụ mùa này, là: Syn 6, Lai 2 dòng, DV108, Khang dân 18, HT1, nếp...; đối với cây ngô là các giống: CP919, NK54, NK66, NK4300, Bi9698, nếp; với lạc là giống L14; với đậu tương là giống DT84, DT90, DT96, VX9-3. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã cày ải được trên 5.400 ha, gieo mạ đủ cấy cho diện tích 5.600 ha (bằng 90,5% kế hoạch), triển khai gieo cấy được gần 49% diện tích chủ yếu tập trung ở các xã thuộc vùng trung tâm và vùng phía đông của huyện.
Nà Nhoi là thôn có tiến độ làm đất xong sớm nhất xã Tân Mỹ. Trên khắp các cánh đồng bà con nông dân đang hối hả cày bừa, ủ phân, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để gieo cấy vụ mùa. Chị Hoàng Thị Máy, thôn Nà Nhoi cho biết, vụ xuân vừa qua gia đình chị cấy 2.000 m2 lúa, do thời tiết khắc nghiệt mạ lần một chết hết, chị phải gieo lại lần 2 bằng giống lúa thuần nhưng rất may lúa lại được mùa. Đến 12-6 gia đình chị đã thu hoạch xong lúa xuân đồng thời tiến hành sản xuất vụ mùa ngay để kịp giành đất cho sản xuất vụ đông. Bà Tề Thị Biên, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Nhoi bảo, toàn thôn có 28 ha lúa chia cho 100 hộ gia đình, vụ xuân này thu hoạch được khoảng 15 tấn thóc nên bà con ai cũng phấn khởi làm vụ mùa. Đến ngày 15-6, toàn bộ diện tích 28 ha đã gặt, tiến hành đổ ải xong, thôn quyết tâm giành vụ mùa thắng lợi.
Bà Quan Thị Niềm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, vụ mùa này xã Tân Mỹ có kế hoạch gieo cấy 405 ha lúa, trong đó cấy 40% diện tích lúa lai. Đến ngày 7-7, 90% diện tích gieo cấy vụ mùa của xã đã được đổ ải. Với mục tiêu giành thắng lợi vụ mùa, xã bảo đảm đầy đủ 4 khâu trong sản xuất nông nghiệp, gồm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Tại huyện Sơn Dương, những ngày này, bà con nông dân cũng đang nô nức xuống đồng, làm đất, gieo mạ, phấn đấu hoàn thành gieo cấy vụ mùa trong khung thời vụ, qua đó kịp thời giải phóng đất trồng cây vụ đông. Đến nay một số xã đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa, như: Đại Phú, Ninh Lai, Thiện Kế...
Chủ tịch UBND xã Đại Phú Nguyễn Văn Mỵ phấn khởi cho biết xã đã hoàn thành gieo cấy 398 ha lúa mùa, đạt 100% kế hoạch. Trong đó một số thôn hoàn thành cách đây hai tuần như các thôn Dũng Vi, Hải Mô, Đồng Cảo... Ông Dương Văn Chuyền, Trưởng thôn Dũng Vi nói, thôn có diện tích lúa mùa nhiều nhất xã với hơn 30 ha nhưng bà con trong thôn đã cấy xong hơn chục ngày nay. Có được kết quả trên là do ngay từ đầu vụ xã đã chỉ đạo bà con nông dân tiến hành rà soát toàn bộ diện tích gieo cấy lúa vụ xuân theo từng trà, từng nhóm giống và khả năng giải phóng đất; bố trí gieo cấy trà mùa sớm để kịp gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, lạc, đậu tương. Ông Nguyễn Ngọc Vi, thôn Dũng Vi cho biết, 8 sào ruộng nhà ông đã cấy xong cách đây 2 tuần. Hoàn thành gieo cấy lúa mùa sớm để còn kịp trồng cây vụ đông. Bởi năm nay thời vụ chậm hơn năm ngoái gần 1 tháng nên ngay khi thu hoạch xong lúa xuân ngay lập tức gia đình ông bắt tay vào làm đất, gieo mạ và khi mạ đủ tuổi tiến hành cấy luôn.
Tại xã Thượng Ấm, hàng chục chiếc máy cày cùng với hàng trăm nông dân đang tấp nập trên khắp các thửa ruộng. Họ vừa rôm rả trò chuyện, vừa thoăn thoắt tay cấy. Tính đến nay xã đã gieo cấy 90% diện tích. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói, điều kiện thuận lợi về giao thông, thủy lợi đã giúp cho sản xuất nông nghiệp của xã phát triển. Ngoài ra, toàn xã có gần 100 máy làm đất nên thời gian làm đất giảm đi nhiều lần. Xã phấn đấu hoàn thành gieo cấy chậm nhất vào 20-7.
Trên các cánh đồng của thị trấn Sơn Dương hầu hết phủ kín màu xanh lá mạ. Hiện nay bà con đang tập trung chăm sóc lúa mùa, khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng, chủ động tiêu nước khi mưa lũ đến, đồng thời tích nước tại các ao, hồ đập để chủ động nước cho vụ mùa. Anh Hoàng Mạnh Hà, cán bộ khuyến nông thị trấn Sơn Dương nói, ngay từ đầu vụ các cán bộ khuyến nông các tổ nhân dân đã xuống từng tổ tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa xuân, làm đất, gieo mạ trồng cây vụ mùa, khơi thông hệ thống kênh mương, hồ chứa để chủ động tiêu úng khi có mưa lũ. Vì vậy đến nay bà con đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa.
Vụ mùa 2011, Sơn Dương có kế hoạch gieo cấy 6.270 ha lúa, năng suất phấn đấu đạt 60,1 tạ/ha, sản lượng 38.000 tấn. Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, ngay từ vụ sản xuất đông xuân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung triển khai sớm kế hoạch sản xuất vụ mùa và chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất như: Lúa giống, phân bón. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành gieo cấy 60% diện tích. Toàn huyện phấn đấu chậm nhất đến 25-7, hoàn thành toàn bộ việc gieo cấy lúa mùa.
Có thể bạn quan tâm
Người dân vùng ngọt Cà Mau từ trước đến nay trải qua nhiều thăng trầm với con cá bổi. Cũng có người thu về tiền tỷ và cũng có người phải lâm nợ từ vật nuôi này.
Sau khi bão số 14 (Haiyan) vừa đi qua, ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung lại chuẩn bị ngư cụ, hối hả vươn khơi đánh bắt, với hy vọng bù lại thiệt hại của những chuyến biển dở dang vì bão.
Sau gần 1 năm triển khai, đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa” đã ghi nhận những kết quả bước đầu: tạo được nguồn giống nhân tạo, đạt hiệu quả khá cao về kinh tế.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá đối trong ao nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Thấy rõ hiệu quả, năm 2013 bà con ngư dân mở rộng diện tích nuôi, không những cải thiện môi trường ao nuôi mà còn cho lợi nhuận cao.
Đã có một thời, người ta gọi làng nuôi cá giống An Hòa Xương là làng của những người giàu, bởi nhà nào cũng có xe cúp, xe dream, tivi, tủ lạnh, ruộng đất mênh mông vì trúng cá tra, basa giống… Còn nay, làng này trở nên đìu hiu sau nhiều năm làm ăn thất bát!