Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Truy Xuất Nguồn Gốc Tôm Thẻ Chân Trắng Bố Mẹ Tại Thái Lan

Truy Xuất Nguồn Gốc Tôm Thẻ Chân Trắng Bố Mẹ Tại Thái Lan
Ngày đăng: 25/11/2013

Nhằm tăng cường công tác quản lý giống, nhất là giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu, từ ngày 20 – 25/10/2013, Tổng cục Thủy sản đã cử đoàn công tác đi kiểm tra truy xuất nguồn gốc tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại một số cơ sở sản xuất giống tại Thái Lan. Đoàn do ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, làm Trưởng đoàn.

Đoàn đã có cuộc làm việc với Tổng cục Thủy sản Thái Lan (DOF) và Viện Nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản, đơn vị được Tổng cục Thủy sản Thái Lan giao nhiệm vụ kiểm dịch tôm thẻ chân trắng bố mẹ trước khi xuất khẩu. Đoàn đã đến làm việc và kiểm tra cơ sở sản xuất giống của Công ty CP, Công ty SyAqua và Công ty Winaiphonoi. Đây là những công ty xuất khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ vào Việt Nam.

Theo kết quả làm việc và khảo sát tại các cơ quan quản lý thủy sản, Thái Lan hiện có 2 cơ quan cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đều thuộc DOF, đó là Viện Nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản tại Băng Cốc và Viện Nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản tại Phuket. Hai cơ quan này có chung một mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch. Các đơn vị này cũng thực hiện kiểm tra bệnh theo yêu cầu của khách hàng phía Việt Nam. Kết quả kiểm dịch được lưu vào cơ sở dữ liệu để quản lý. Mỗi Giấy chứng nhận kiểm dịch có mã số riêng. Vì thế, chỉ cần nhập mã số Giấy chứng nhận kiểm dịch có thể biết đơn vị nào cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch, người yêu cầu kiểm dịch, số lượng tôm bố mẹ kiểm dịch và các loại bệnh kiểm tra.

Tại Thái Lan, các bệnh bắt buộc kiểm dịch bao gồm: Bệnh đốm trắng (White Spot Disease - WSD); Bệnh đầu vàng (Yellowhead Disease - YHD); Hội chứng Taura (Taura Syndrome - TSV); Bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (Infectious Hypodermal and Haematopoetic Necrosis - IHHNV); Bệnh hoại tử cơ hay bệnh đục cơ do vi rút (Infectious Myo Necrosis Virus - IMNV).

Theo quy trình kiểm dịch tôm thẻ chân trắng của Thái Lan, trước khi xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ thông báo cho Viện nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản tại Băng Cốc hoặc Phuket để tiến hành thu mẫu kiểm tra bệnh. Các mẫu và hồ sơ được lưu trữ đầy đủ tại đây. Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra hồ sơ lưu tại Viện nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản tại Băng Côc, kết quả cho thấy, Giấy chứng nhận kiểm dịch đã cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ sang Việt Nam đều đúng với hồ sơ xin cấp phép của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực địa tại các cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trăng bố mẹ của Công ty CP (có địa chỉ tại 6/3 Moo, 1.T.Noen Kho, A.Klang, Rayong); Công ty Winaiphonoi (có địa chỉ tại 58/38 Moo Rawaisub, Muang, Phuket); Cơ sở nghiên cứu chọn tạo tôm thẻ chân trắng bố mẹ của công ty SyAqua và thăm Trung tâm nghiên cứu Tôm của Thái Lan (RCS) tại tỉnh Phuket; Cơ sở sản xuất thương mại tôm thẻ chân trắng của công ty SyAqua tại tỉnh Suratthani. Kết quả cụ thể:

- Công ty CP có 2 hệ thống: Hệ thống nuôi giữ, hệ thống chọn lọc di truyền và trung tâm cảm nhiễm bệnh tách biệt; Hệ thống sản xuất thương mại tôm thẻ chân trắng bố mẹ; có 3 trung tâm sản xuất tôm bố mẹ. Hiện tại, Công ty có 2.800 gia đình.

Tôm bố mẹ được tuyển chọn, thu thập từ 15 quần đàn ở các khu vực khác nhau, đã có F12. F12 tập trung vào kháng bệnh EMS và hội trứng Taura (TSV), chưa chú ý đến tốc độ tăng trưởng. Tại Trung tâm sản xuất tôm bố mẹ, hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín, an toàn sinh học. Tôm bố mẹ đạt 150 con/kg. Công ty CP không cung cấp tôm thẻ chân trắng bố mẹ cho các công ty tại Thái Lan.

- Công ty SyAqua có 2 cơ sở: Cơ sở nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ tại Phuket và cơ sở sản xuất thương mại tại Suratthani. Đối với cơ sở nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ, Công ty có khoảng 100 gia đình (50 – 500 tôm bố mẹ/gia đình).

Các gia đình được chọn lọc dựa trên các chỉ tiêu: tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số thức ăn, khối lượng. Hệ thống chọn tạo tôm bố mẹ gồm: bể ương từ PL15 đến tôm đạt kích cỡ 1 - 1,5g, từ 1 - 1,5g đến 7 - 10g và từ 7 - 10g đến tôm bố mẹ. Hoạt động của khu chọn tạo tôm bố mẹ đều đảm bảo an toàn sinh học. Tại cơ sở sản xuất thương mại tôm thẻ chân trắng bố mẹ của công ty SyAqua, khi có đơn đặt hàng, PL12 sẽ được chuyển từ cơ sở nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ về nuôi thành tôm bố mẹ để cung cấp cho khách hàng.

Năm 2012, SyAqua đã cung cấp tôm thẻ chân trắng bố mẹ cho các nước như Inđônêxia, Xingapo và Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Công ty cung cấp cho các doanh nghiệp: Lộc An, BIM và Thông Thuận. Từ đầu năm 2013, Công ty xây dựng quy trình sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn sinh học nên đang đầu tư mở rộng, sửa chữa và nâng cấp hệ thống bể, máy bơm, hệ thống lọc nước... Do vậy, Công ty ngừng cung cấp tôm cho các nước và Việt Nam. Dự kiến đầu năm 2014, Công ty sẽ cung cấp tôm thẻ chân trắng đáp ứng yêu cầu của khánh hàng.

- Trung tâm nghiên cứu Tôm của Thái Lan (RCS) có 1 cơ sở nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ và 2 cơ sở sản xuất giống. Tôm có nguồn gốc từ OI, Trường đại học Gum, Thái Lan và SIS. Hiện Trung tâm có 20 gia đình F4, sản xuất 1,8 tỷ tôm PL12/năm và 12.000 tôm bố mẹ/năm. Tôm bố mẹ được cung cấp cho 2 cơ sở sản xuất giống của Trung tâm. Trung tâm chỉ bán tôm PL cho cơ sở ương nuôi thương phẩm tại Thái Lan. Thời gian nuôi từ PL1 đến cỡ tôm bố mẹ (con cái >42g, con đực >38g) khoảng 9,5 tháng, tỷ lệ sống đạt 60%. Thức ăn cho tôm bố mẹ là thức ăn hỗn hợp dạng viên. Tại Trung tâm có phòng xét nghiệm bệnh và có gửi mẫu đến các phòng xét nghiệm khác để đối chứng. Hoạt động của khu chọn tạo tôm bố mẹ đảm bảo an toàn sinh học.

- Công ty Winaiphonoi có 20 bể nuôi tôm bố mẹ và cho đẻ. Công ty không có quy trình chọn tạo tôm bố mẹ, không có phòng xét nghiệm bệnh. Tôm bố mẹ được chọn lựa từ các ao nuôi tôm thương phẩm, ương khoảng từ 1 đến 2 tuần rồi xuất bán. Ngoài ra, Công ty còn bán tôm giống.

Trong năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Công ty Winaiphonoi có 4 doanh nghiệp bao gồm: Công ty TNHH Echo Việt Nam (có địa điểm sản xuất tại Mỹ Hiệp, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), Công ty Cổ phần Tân Việt Thái (tại thôn Hòa Thạnh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh thuận), Công ty TNHH Việt Nam Marine (tại thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) và Công ty TNHH Nghiên cứu sản xuất và dịch vụ thủy sản Việt Thắng (tại Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).

Từ kết quả khảo sát, kiểm tra, đoàn công tác kết luận, trong 3 Công ty xuất khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ vào Việt Nam, hai đơn vị là Công ty CP và Công ty SyAqua có quy trình nghiên cứu chọn tạo, lưu giữ các gia đình và sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ đảm bảo chất lượng. Riêng Công ty Winaiphonoi không thực hiện quy trình chọn tạo tôm bố mẹ, chủ yếu lấy từ ao nuôi tôm thương phẩm, nuôi khoảng 1 - 2 tuần xuất bán. Về công tác quản lý giống thủy sản tại Thái Lan, cơ quan quản lý chỉ thực hiện cấp Giấy kiểm dịch theo quy định chung của IOE còn chất lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ các doanh nghiệp tự chủ động công nghệ. Vì thế, về hồ sơ kiểm dịch, Công ty Winaiphonoi vẫn đạt yêu cầu khi xuất khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ không đảm bảo chất lượng vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến sản xuất, Tổng cục Thủy sản đề nghị cho tạm dừng việc nhập khẩu tôm thẻ chân trăng bố mẹ từ Công ty Winaiphonoi vào Việt Nam. Thông báo cho DOF Thái Lan về kết quả kiểm tra và yêu cầu có biện pháp quản lý các doanh nghiệp sản xuất tôm giống không đảm bảo chất lượng.

Qua chuyến công tác này, hai bên thống nhất thiết lâp đường dây nóng để kiểm tra các đơn vị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ sang Việt Nam về số lượng, chất lượng. Đại diện phía Việt Nam là Tổng cục Thủy sản. Đại diện cơ quan quản lý Thái Lan là Viện Nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản tại Băng Cốc.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục thành lập đoàn công tác kiểm tra tại các nước có hoạt động xuất khẩu tôm thẻ chân trắng vào Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Sản lượng chè búp tươi tăng đột biến Sản lượng chè búp tươi tăng đột biến

Đến thời điểm này, sản lượng chè búp tươi của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đạt 729 tấn. Hiện tổng diện tích chè trên toàn huyện Bát Xát là 526 ha, tập trung ở các xã: Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Dền Thàng, Nậm Chạc, A Mú Sung…

25/08/2015
Bất ổn thanh long Bình Thuận Bất ổn thanh long Bình Thuận

Diện tích tăng chóng mặt, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc và bị thương lái “đè” giá… nên thanh long Bình Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn.

25/08/2015
Giá chanh giảm mạnh Giá chanh giảm mạnh

Nông dân trồng chanh tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang rất lo lắng khi giá chanh trái đã giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm những tháng đầu năm 2015 và đang có mức giá rất thấp.

25/08/2015
Chi Lăng mùa na chín Chi Lăng mùa na chín

Vùng na dai Chi Lăng (Lạng Sơn) có hơn 1.200 ha, với sản lượng năm nay ước đạt hơn 8 nghìn tấn. Hàng năm, cây na bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 9. Tại các xã: Quang Lang, Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, Mai Sao... nhiều hộ dân trồng từ 0,5 - 3 ha, cây na đem lại giá trị kinh tế cao, đạt hơn 75 triệu đồng/ha, là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi đây.

25/08/2015
Nông dân xã Liên Nghĩa thành triệu phú nhờ nghề ươm cây giống Nông dân xã Liên Nghĩa thành triệu phú nhờ nghề ươm cây giống

Với sự năng động, nhạy bén của bà con nông dân, những năm gần đây xã Liên Nghĩa, Văn Giang (Hưng Yên) nổi tiếng với nghề ươm các loại giống cây ăn quả. Cây giống Liên Nghĩa theo chân thương lái đến mọi miền đất nước mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

25/08/2015