Nhóm hàng rau quả, thủy sản sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị toàn thể Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG) 2015 với chủ đề “Việt Nam gia nhập TPP-Triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp” diễn ra tại Hà Nội ngày 6/11.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam có mức thuế bằng 0%.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết một cơ hội khác lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận tham gia Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải chịu sức ép cạnh tranh lớn với hàng nhập khẩu ngay trên thị trường trong nước.
Tuy cắt giảm thuế nhưng nhiều nước vẫn còn hàng rào phi thuế cao.
Các quy định khác của TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y), lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường cũng rất chặt chẽ.
Đặc biệt, đối với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau.
Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, Việt Nam cam kết đưa khoảng 98% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan với các lộ trình từ xóa bỏ ngay, từ năm thứ 3, từ năm thứ 8, năm thứ 11 đến năm thứ 12 hoặc năm thứ 13 tùy sản phẩm.
Việt Nam giữ được lộ trình xóa bỏ tương đối dài với hai nhóm hàng nhạy cảm là thịt lợn và thịt gà mặc dù Việt Nam đã có cam kết mở cửa tại các hiệp định tự do ASEAN và ASEAN+.
Đồng thời, duy trì mức bảo hộ đối với 3 mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan tại WTO có cải thiện về ưu đãi thuế suất là đường, trứng, muối.
Các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định sẽ mở ra các cơ hội thị trường lớn hơn cho nông lâm thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trưởng xuất khẩu quan trọng hàng đầu đối với nông lâm thủy sản Việt Nam.
Với Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98% và 99% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản; 92,68% và 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.
Với Nhật Bản, mặc dù đồng ý để Nhật Bản loại trừ mặt hàng gạo khỏi cam kết, Việt Nam đã đạt được mức cải thiện đáng kể so với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA).
So với VJEPA, Việt Nam cải thiện được trên 38% dòng hàng hóa, xóa bỏ thuế quan ngay đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản; cải thiện hơn 64% dòng hàng hóa thủy sản, xóa bỏ thuế quan ngay đối với gần 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam; cải thiện khoảng 17% dòng gỗ, xóa bỏ thuế quan ngay đối với gần 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản.
Để tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại, giảm thiểu tác động của các thách thức đã và đang phải đối mặt, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam.
Cần tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động, phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành.
Ngành nông nghiệp cũng cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Nhiều đại biểu cho rằng định hướng phát triển sản xuất cũng như trong công tác tuyên truyền của ngành nông nghiệp cần gắn với Hiệp định TPP.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho hay với Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp cần có giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng.
Những nội dung chi tiết của Hiệp định cần được phổ biến rộng rãi tới tận doanh nghiệp, địa phương cũng như cả nông dân để cùng chủ động trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm khai thác và tận dụng triệt để tiềm năng của đất đai, người dân xã Cao Trĩ (Ba Bể, Bắc Kạn) đã trồng xen cây rau bồ khai dưới tán cây cây hồng, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Đây cũng được xem là một hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng của địa phương.
Trứng gà của cơ sở Minh Đạt (Tiền Giang) đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay, xây dựng thương hiệu "Trứng gà Minh Đạt" hướng đến sản xuất trứng gà an toàn, sạch. Đặc biệt, trứng gà sạch thương hiệu Minh Đạt đã có mặt tại Siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho và trở thành sản phẩm trứng gà địa phương duy nhất ở siêu thị này.
Được đưa vào trồng từ năm 2006, đến nay, đu đủ đã trở thành cây trồng chủ lực nhằm chuyển đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả canh tác của người dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Thời điểm này, người trồng đu đủ xã Dị Nậu bước vào mùa thu hoạch.
Năm nay được coi là năm thành công đối với những nông dân trồng ớt. Vào thời điểm thu hoạch vụ ớt Đông Xuân thì giá ớt luôn nằm từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg ớt tươi. Trừ chi phí thì mỗi công (1.000m2) ớt, người nông dân lời trên dưới 10 triệu đồng.
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM xã Quang Lộc ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã tăng cường vận động nhân dân du nhập thêm những đối tượng nuôi mới. Nuôi chồn nhung là mô hình đang có triển vọng và đạt hiệu quả kinh tế cao người dân.