Bắc Giang chống nóng bảo vệ vật nuôi, cây trồng
Chi hàng chục triệu đồng làm mát cho lợn, gà
Về huyện Lạng Giang những ngày này, nơi có khá nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà, chúng tôi được chứng kiến việc chống nóng của bà con cho vật nuôi “nóng” hơn bao giờ hết. Ông Giáp Văn Lợi ở thôn Chung, xã Tân Thanh (Lạng Giang) nuôi lợn đã nhiều năm nay. Lúc nào trong chuồng nhà ông cũng có 600 con lợn thương phẩm, lợn nái và lợn giống, trừ chi phí thu lãi 300 - 500 triệu đồng/năm.
Để đối phó với nắng nóng, ông đã đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống phun mưa tạo mát trên mái, bên dưới căng lưới tản nhiệt, lắp nhiều quạt thông gió và đặt quạt cây ở xung quanh chuồng. Ở mỗi dãy chuồng ông còn để nhiệt kế theo dõi nhiệt độ, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Nhờ vậy mà nhiệt độ trong chuồng lợn của nhà ông những ngày nắng nóng luôn thấp hơn so với ngoài trời 5 - 7 độ C.
Cùng xã với ông Lợi, anh Hà Văn Tuấn ở thôn Châu nuôi 500 con gà đẻ trứng cũng lắp đặt 7 - 8 quạt treo tường, tận dụng những cành vải vừa đốn tỉa sau vụ thu hoạch che lên mái và phun nước thường xuyên tạo mát cho gà. Ngoài ra, anh Tuấn còn sử dụng chế phẩm sinh học thường xuyên xử lý chất thải và quét dọn sạch nền chuồng, giảm khẩu phần giàu prô-tê-in trong thức ăn để hạn chế sinh nhiệt trong chuồng nuôi.
Phủ bèo trên mặt ao là một trong những biện pháp giảm nắng nóng cho thủy sản.
Tại huyện Yên Thế, gia đình chị Phan Thị Hạnh ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến thường xuyên nuôi 20 nghìn con gà nhưng vào thời điểm nắng nóng, chị giảm đàn còn 5.000 con. Theo chị Hạnh, từ cuối tháng 6 đến nay, trời nắng gắt, gia cầm giảm ăn từ 30 - 40% và tăng cân chậm vì thế ngày nào chị cũng phải bổ sung thêm chất điện giải, vi-ta-min C để tăng sức đề kháng, hạn chế gà bị mắc bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Hầu hết các hộ chăn nuôi gà quy mô lớn ở Yên Thế cũng đang tích cực áp dụng các biện pháp chống nóng như gia đình chị Hạnh để bảo vệ đàn gà.
Nắng nóng không chỉ gây bất lợi cho các hộ chăn nuôi, các cơ sở ấp nở giống gia cầm cũng như đang “ngồi trên chảo lửa” vì lo trứng bị hỏng, gà con chết. Vì vậy, nhiều chủ lò đã phun nước lên mái các nhà đặt máy ấp trứng, bật quạt làm mát 24/24 giờ, gà con mới nở thì lập tức giãn đàn để tránh nóng và cho uống thêm chất điện giải.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa… hầu hết các hộ chăn nuôi với quy mô lớn đang tích cực áp dụng các biện pháp chống nóng như: lắp đặt hệ thống giàn phun mưa, quạt thông gió, lưới tản nhiệt, che bạt, phủ cây xanh trên mái chuồng nuôi.
Cùng với chống nóng cho gia súc, gia cầm, nhiều hộ dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong tỉnh như xã Song Mai (TPBG), Nghĩa Trung (Việt Yên), Song Vân, Cao Thượng (Tân Yên) cũng bơm nước giếng khoan vào ao vào những lúc nhiệt độ ngoài trời lên cao để giảm độ nóng. Đối với cây trồng, nhiều hộ chủ động lấy nước nước tưới cho rau màu. Bà Phạm Thị Hà, thôn Thân, thị trấn Đồi Ngô cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 sào dưa lê và mướp đắng. Vào ngày nắng to, sáng sớm là tôi bơm nước cho đất ẩm, sau đó tháo ngay để cây không thối rễ, héo dây”.
Chú trọng phòng bệnh
Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tình trạng nắng nóng từ 38 - 40 độ C kéo dài, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của gia súc, gia cầm giảm, dễ mắc bệnh và tỷ lệ chết do nóng tăng lên. Thủy sản bị mắc bệnh nấm mang có thể chết hàng loạt. Trong các ao nuôi cá của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã An Dương, Ngọc Châu (Tân Yên), Thái Đào (Lạng Giang) đã có cá chết rải rác vì mắc bệnh nấm mang. Mạ và lúa mới cấy chậm phát triển.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn gửi các huyện, thành phố đề nghị tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ biện pháp chống nóng. Các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh sạch chuồng trại, thu dọn chất thải, giảm mật độ nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi làm thoáng chuồng; tăng cường che chắn, lắp đặt giàn phun, quạt thông gió làm mát chuồng và tắm cho vật nuôi.
Bổ sung đầy đủ thức ăn và nước uống, cho gia súc, gia cầm thành nhiều bữa trong ngày khi thời tiết mát mẻ, giảm thức ăn tinh và tăng cường rau xanh để hạn chế sinh nhiệt. Không thả gia súc, gia cầm từ 10 giờ đến 16 giờ trong ngày vào những ngày trời nắng to vì dễ bị cảm nóng và chết đột ngột. Các ao nuôi thủy sản cần bổ sung nguồn nước sạch, ổn định mực nước trong ao từ 1,8 m trở lên để hạn chế dao động nhiệt độ; bơm thêm nước giếng khoan để giảm nhiệt khi trời nắng to, bố trí máy phun nước, máy quạt nước hoặc sục khí để tạo ô xy hòa tan cho cá.
Đối với cây trồng, hiện nay đang vào vụ mùa, các hộ tranh thủ cấy vào lúc sáng sớm và chiều mát để mạ không bị héo lá do bốc hơi nước. Nên duy trì đủ độ ẩm ở các ruộng rau, không để ngập nước vì nước nóng sẽ gây thối rễ.
Từ giữa tháng 6 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 9.000 con gia súc, gia cầm mắc các bệnh: cảm nóng, tụ huyết trùng, tiêu chảy, ecoli, viêm phổi, trong đó có gần 1.000 con chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. (Nguồn: Chi cục Thú y).
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục Thủy lợi, đến ngày 9-8, toàn tỉnh Bắc Giang còn khoảng 1 nghìn ha lúa ở huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên tiêu bằng hệ thống tự chảy vẫn bị ngập úng do mực nước sông cao. Ước tính, toàn tỉnh có hơn 2 nghìn ha lúa mất trắng sau đợt mưa lũ vừa qua.
Mô hình liên kết sản xuất ngô lai thương phẩm mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.
Trước thực trạng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) liên tiếp gặp khó khăn trong tiêu thụ những niên vụ gần đây; đặc biệt là giá trị thị trường luôn rớt xuống ở mức rất thấp mỗi khi bước vào vụ thu hoạch rộ, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp trước thềm niên vụ hành sắp tới.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, bà con nông dân trong tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Qua đó, nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Trồng cỏ voi, cỏ sả để nuôi bò, nhất là bò lai, cho thu nhập khá. Mấy năm gần đây, trồng cỏ nuôi bò đã trở thành phong trào rộng khắp của bà con nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định).