Nhiều Rào Cản Phát Triển Ngành Giống
Mấy năm trở lại đây ngành giống cây trồng (GCT) Việt Nam đã có bước phát triển tốt với quy mô tăng mạnh và đạt khoảng 340 triệu USD trong năm 2013. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành này vẫn bộc lộ nhiều yếu kém. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết thực trạng hiện nay của ngành giống?
Ngành GCT Việt Nam hiện mới xếp ở mức trung bình so với khu vực, sức cạnh tranh thấp, mới chỉ tập trung cây lúa và ngô. Về quy mô doanh nghiệp (DN), cả nước hiện có trên 300 đơn vị sản xuất, kinh doanh GCT và hàng ngàn tổ, đội, HTX sản xuất giống nông hộ.
Trong số trên chỉ có vài ba đơn vị có tiềm lực mạnh, đầu tư bài bản, số còn lại đều là DN vừa và nhỏ, sản xuất manh mún. Điều đáng nói không phải đơn vị sản xuất giống cây trồng nào cũng làm tốt chức năng của mình vì trên thực tế rất ít DN chịu kết hợp với các viện để đầu tư vào nghiên cứu các giống mới do chi phí cao, cho nên thay vì đầu tư lâu dài, phần lớn chỉ tập trung nhập khẩu hạt giống về bán để hưởng chênh lệch giá.
TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam
Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất của ngành giống?
Ngành GCT Viêt Nam hiện tồn tại ba rào cản lớn. Rào cản thứ nhất là đội ngũ nhân lực. Trong suốt nhiều năm qua, việc chọn tạo nguồn giống mới chủ yếu được các viện trường và trung tâm nghiên cứu thực hiện. Nhưng bản thân các đơn vị này luôn khó khăn về tài chính.
Thêm vào đó trình độ nghiên cứu ở các đơn vị này cũng mới chủ yếu dừng lại ở khoa học mô tả chứ chưa làm được khoa học phân tử. Vì thế mới chỉ làm chủ được một số loại giống lúa, ngô, cao su, cà phê, tiêu…, còn lĩnh vực rau củ quả và hoa, thì chưa thể sản xuất được.
Rào cản thứ hai là vấn đề xây dựng thương hiệu. Tại một số đơn vị nghiên cứu sản xuất giống trong nước hiện nay với sự kết hợp giữa viện, trường và DN đã có thể nuôi cấy mô, nhân giống thành công các loại hoa nguồn gốc châu Âu với giá rẻ hơn nhiều lần so với nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa nghiên cứu được những loại giống có chất lượng cao và chỉ tập trung vào hai loại chính là lúa, ngô, các loại khác như hoa quả vẫn phải nhập từ Thái Lan, Mỹ…
Và rào cản cuối cùng là tiềm lực của DN. Như đã nói ở trên, hầu hết các đơn vị sản xuất giống vẫn là quy mô vừa và nhỏ do đó họ yếu về tài chính cũng như ít có sự đầu tư cho các nghiên cứu giống mới cho thị trường.
Thời gian qua, một số DN lớn của ngành giống đã bị “thâu tóm” bởi các DN ngoài ngành, ông nhận định thế nào về việc này?
Theo tôi đó là một hướng đi tất yếu khi ngành giống đang ngày một lợi nhuận cao nên những DN có tiềm lực tài chính sẽ bị thu hút và họ đầu tư vào. Chẳng hạn Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN) đang sở hữu 55% vốn tại Công ty CP Giống Cây trồng Trung ương (NSC) hay Công ty CP đầu tư FIT đang sở hữu 80% vốn điều lệ tại Công ty CP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC)…
Việc các DN này đầu tư vào ngành giống cũng có thể xem là một hướng đi mới. Bởi nếu họ có thể bắt tay được với các tập đoàn giống nước ngoài để cùng làm ăn và học hỏi dần công nghệ thì cũng đã là một cơ hội tốt. Song ngoài lợi ra thì cũng có những bất cập như: DN ngoài ngành không am hiểu sâu về ngành giống nên ít có đầu tư chuyên sâu cho giống mới, họ đầu tư vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận…
Để phát triển bền vững, ngành giống cần làm những gì thưa ông?
Muốn phát triển bền vững, có tính cạnh tranh ngành giống cần phải xây dựng thương hiệu riêng, xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng mẫu và đầu tư cho nhân lực. Trong đó, việc xây dựng cánh đồng mẫu cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã với DN, nông gia và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho cả ba thành phần liên kết trên.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/73430/nhieu-rao-can-phat-trien-nganh-giong.htm#.VIaNyo0cTDc
Có thể bạn quan tâm
Trong thời điểm dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lan rộng, một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lại chuẩn bị tái đàn vì cho rằng, “hậu dịch” giá sẽ tăng. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp đã đưa ra cảnh báo: không nên tái đàn vào thời điểm hiện nay vì sẽ tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra diện lớn.
Thời gian gần đây, do dịch cúm gia cầm khiến người tiêu dùng lo sợ nên giá các sản phẩm gia cầm liên tục giảm. Tại nhiều chợ trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng giá giảm, sức mua giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới cả người sản xuất và kinh doanh gia cầm.
Năm 2000, hưởng ứng phong trào “Đưa cây màu xuống ruộng”, ban đầu chỉ có vài hộ nhỏ lẻ, có vốn, mạnh dạn đầu tư trồng màu, cây cà chua là cây màu chủ lực lúc bấy giờ.
Cứ đến mỗi vụ thu hoạch lúa, thường xảy ra tình trạng “cò” (người môi giới) máy gặt đập liên hợp. Thực trạng này đang nổi lên thành xu hướng ở nhiều địa phương và chính điều này đã làm tăng thêm chi phí sản xuất cho người trồng lúa.
Từ giữa tháng 2, nhiều cánh đồng ở Vĩnh Long vào cao điểm thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Máy gặt đập liên hợp, xe kéo lúa hoạt động rôm rả khắp nơi… Thương lái cũng vào tận đồng mua lúa tươi. Nhiều nông dân hồ hởi: “Chưa năm nào lúa trúng mùa, trúng giá đậm như năm nay”.