Nhiều Nông Dân Nghèo Bị Lừa Do Cả Tin Trong Mua Bán Nông Sản

Thời gian qua, việc thương lái lợi dụng lòng tin của người dân để lừa gạt xảy ra khá phổ biến tại đồng bằng sông Cửu Long với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Mới đây, đường dây nóng VTV Cần Thơ nhận được phản ánh của nhiều nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh về việc thương lái thu mua đậu phộng của hàng chục hộ dân không trả tiền. Đây lại là những nông dân nghèo, chất phác.
Hộ bà Kiên Thúy Hòa với 5 nhân khẩu, sống nhờ vào 6 công đậu phộng. Vụ vừa qua, gia đình bà trúng đậm, những tưởng sẽ giải quyết được khoản nợ ngân hàng, phân bón gần 20 triệu đồng, cũng như có tiền tái sản xuất. Nhưng mọi tính toán của bà đã tan biến. Nợ không giải quyết được mà vốn tái sản xuất cũng không có, chỉ vì quá tin tưởng thương lái.
Theo người dân, số hộ bị thương lái chiếm đoạt tiền tại xã Ngũ Lạc lên đến gần 40 trường hợp, với số tiền gần 1 tỷ đồng, đa số đều là hộ nghèo. Việc mua bán của họ trước nay chỉ giao kèo miệng. Sau nhiều vụ mua bán trót lọt, thương lái đã mua đậu phộng với số lượng lớn rồi bỏ trốn. Khi người dân tìm đến đòi tiền, đối tượng này đã chối cãi với lý do là mình không mua đậu phộng của dân.
Tại các vùng nông thôn, người dân thường cả tin, bán trả chậm nông sản cho các thương lái quen biết. Mọi việc chỉ căn cứ trên cơ sở là đã làm ăn chung nhiều năm và chữ tín của cơ sở thu mua. Chính vì vậy, không ít lần, thương lái lợi dụng lòng tin để lường gạt, chiếm đoạt tài sản.
Việc thương lái thu mua nông sản rồi bỏ trốn không phải lần đầu mà đã diễn ra nhiều lần tại ĐBSCL. Trước đây, nhiều hộ nuôi cua ở Cà Mau cũng bị thương lái lừa gạt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Chiêu trò lừa gạt không phải mới. Tuy nhiên, để phát hiện, ngăn chặn người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời cũng rất cần sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương trong việc hợp pháp hóa các hợp đồng mua bán.
Có thể bạn quan tâm

Dự án “Phát triển chăn nuôi lợn rừng Thái Lan lai quy mô nông hộ tại huyện Phổ Yên (Thái Nguyên)” nằm trong Chương trình Phát triển nông nghiệp nông thôn miền núi do Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên triển khai trong 2 năm (từ tháng 1/2011 đến hết năm 2012) đã mang lại hiệu quả rõ nét. Dự án đã tạo ra những mô hình điểm về chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chỉ với 500m2 rau xanh, bình quân mỗi tháng anh Huỳnh Văn Hương (trong ảnh), thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn thu được gần 4 triệu đồng.

Bệnh chồi cỏ hại mía xuất hiện ở Tân Kỳ (Nghệ An) mới vài năm nay nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù ngành nông nghiệp Nghệ An đã thực hiện các mô hình để diệt chồi cỏ song hiệu quả không cao. Trước tình hình đó, Công ty mía đường Sông Con hướng dẫn nông dân xử lý bệnh bằng vôi bột, hiệu quả thấy rõ…

Trong những tháng đầu năm, do điều kiện thời tiết diễn biến không thuận lợi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao, một số nơi bị ô nhiễm nguồn nước nên tình hình tôm nuôi của bà con trên địa bàn huyện Giá Rai gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng cho thấy, hiện có 86ha tôm nuôi theo mô hình kết hợp bắt đầu xuất hiện tôm nuôi chết rải rác ở một số nơi, chủ yếu tập trung ở thị trấn Giá Rai và xã Tân Thạnh.

Đơn Dương là huyện phía Nam của cao nguyên Lâm Viên, chỉ cách TP. Đà Lạt chừng 30km. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Đơn Dương hoàn toàn có thể tin tưởng về một vùng chuyên chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên đất Tây Nguyên.