Nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi đặc sản cá chiên
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có lợi thế là có dòng sông Lô chảy qua.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã đã tận dụng lợi thế này để đầu tư nuôi cá chiên - một loài cá đặc sản, quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ nghề nuôi cá chiên lồng, nhiều gia đình ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Thôn Ba Luồng được coi là trung tâm nuôi cá lồng của xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên.
Bên bờ sông là hàng chục bè nuôi cá lồng nối nhau san sát.
Ông Vương Văn Hùng, một trong những người tiên phong nuôi cá chiên lồng cho biết: cá chiên là loài cá đặc sản nên có giá trị kinh tế rất cao.
Hiện nay trên thị trường, giá cá chiên dao động từ 450 nghìn đến 500 nghìn đồng/kg.
Nếu mỗi lồng nuôi từ 100 đến 120 con cá chiên giống, sau 12 tháng chăm sóc cá đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg, trừ chi phí người nuôi có thể thu lãi khoảng 50 đến 60 triệu đồng/lồng.
Hiện gia đình ông Hùng đang nuôi 8 lồng cá chiên, đến cuối năm ước tính cho thu nhập trên 400 triệu đồng.
Theo ông Hùng, cá chiên là loài sống ở khu vực nước sạch, nước chảy mạnh, nơi có nhiều khe đá, thức ăn của cá chiên là các loại cá nhỏ.
Khi chăm sóc cá, người nuôi phải đảm bảo môi trường sạch sẽ cho cá.
Cũng như gia đình ông Hùng, gia đình ông Trịnh Văn Công, ở thôn Ba Luồng có thâm niên 7 năm nuôi cá chiên lồng.
Trước khi nuôi cá lồng, gia đình ông Công làm ruộng, nhà đông con nên kinh tế rất khó khăn.
Năm 2008, thấy được hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá chiên lồng, ông Công đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, vay tiền của anh em bạn bè đầu tư lồng, bè.
Năm đầu tiên nuôi cá chiên gặp nhiều khó khăn, ông phải đi tìm mua từng con cá giống từ những người thuyền chài, đánh bắt cá trên sông Lô, gom góp được trên 100 cá chiên giống.
Sau hơn 1 năm chăm sóc, ông Công xuất bán đàn cá và thu lãi gần 50 triệu đồng, từ đó kinh tế phát triển, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, gia đình ông Công đã có 4 lồng cá chiên, trung bình mỗi năm cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.
Sau vài năm nuôi cá chiên, ông Công đã xây được nhà khang trang.
Bà Trần Thị Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, xã Thái Hòa có 28 hộ nuôi cá chiên với hơn 120 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở các thôn Ba Luồng và Bình Thuận.
Nhờ nuôi cá chiên mà người dân ở các thôn này có điều kiện kinh tế khá giả hơn, tỷ lệ hộ nghèo cũng thấp hơn so với các thôn khác trong xã.
Hiện, xã đang tập trung xây dựng thương hiệu cá chiên Thái Hòa, định hướng giúp người dân tìm thị trường tiêu thụ và nguồn cá giống ổn định.
Nghề nuôi cá chiên đã và đang đem đến cho người dân ở xã Thái Hòa huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cuộc sống đầy đủ hơn.
Nhưng để duy trì và phát triển nghề nuôi cá chiên lâu dài, không chỉ cần sự kiên trì gắng sức của chính người dân, mà còn cần sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp, các ngành liên quan về chính sách và nguồn vốn.
Related news
“Mô hình thanh long ruột đỏ (tím hồng) ở ấp 1, xã Long Điền Đông A, đã khẳng định được hiệu quả. Đến nay đã có 5 hộ trồng, trong đó hộ ông Nguyễn Văn Hiền trồng 450 trụ, thu lợi nhuận 60 triệu đồng/năm”, ông Trần Hùng Cường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết.
Những năm qua, người dân huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi bò vỗ béo nhưng với phương thức đơn giản như nuôi từ lúc bò mẹ đẻ ra đến lúc thịt, một số khác thì mua bò, bê về nuôi chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm của ngành trồng trọt, có bổ sung thức ăn tinh nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng tăng trọng của bò, thời gian nuôi kéo dài nên hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, việc ứng dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp làm cho phụ phẩm rơm rạ sau khi thu hoạch bị phun rải trên đồng ruộng khiến việc thu gom rất khó khăn. Bên cạnh đó, để giảm chi phí sản xuất, ở một số địa phương, bà con tiến hành đốt rơm để vệ sinh đồng ruộng, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí. Do vậy, việc đầu tư thiết bị máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết.
Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, chuyển đổi diện tích nuôi tôm lâu năm kém hiệu quả sang nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá mặn lợ ở địa phương, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình phối hợp cùng Trạm Khuyến nông thị xã Ba Đồn triển khai nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm với quy mô 2.000m2 tại phường Quảng Thuận.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn, UBND xã Mỹ Bằng tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà Ri lai an toàn trên nền đệm lót sinh học.