Nhiều Lợi Ích Từ Mô Hình Nuôi Gà Thả Đồng

"Cái hay của việc nuôi gà thả đồng sau mỗi vụ thu hoạch là tận dụng được những hạt thóc rơi, thóc vãi…Ngoài ra, gà còn tìm bắt côn trùng sẵn có ngoài đồng như sâu, trâu trấu để ăn nên gà chóng lớn, mà lại tiết kiệm được chi phí chăn nuôi. Đặc biệt, gà nuôi ở đây rất ít khi bị dịch bệnh, người nuôi chỉ cần tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ là có thể đảm bảo” - chị Quách Thị Hoài - một trong những hộ nuôi gà thả đồng điển hình ở xóm Lạng, xã Kim Bình cho biết.
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa thứ hai trong năm, nhiều hộ nông dân ở Kim Bình (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) lại đưa gà ra ngoài đồng ruộng để chăn thả, nhà ít thì 100 - 200 trăm con, nhà nhiều thì 500 con. Nuôi gà thả đồng ở đây đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hoài cho biết: “Gia đình nuôi gà đã 5 năm, nhưng các năm trước nuôi với số lượng ít khoảng 200 con/lứa. Năm nay, có vốn lên gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi nhiều hơn”.
Nhìn đàn gà 500 con nhà chị Hoài, con nào con nấy to và rất đều, hiện tại gà đạt trọng lượng trung bình khoảng 1 – 1,2 kg/con. Đàn gà này của gia đình chị nuôi đến tết bán là vừa đẹp. Không chỉ chăn nuôi gà mà gia đình chị Hoài còn nuôi thêm lợn nái, lợn thịt và làm đậu phụ. Năm vừa rồi, gia đình chị thu về gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi.
Rời hộ chị Quách Thị Hoài chúng tôi qua hộ ông Bùi Văn Đông, thuộc xóm Lạng, xã Kim Bình, có đàn gà nuôi 200 con. Ông Đông hồ hởi cho biết: “Nuôi gà ở xóm Lạng này như một phong trào, đến nay có rất nhiều hộ nuôi. Gia đình tôi năm vừa rồi cũng thu lãi 13 triệu đồng/lứa (1 lứa 200 con). Đặc biệt, Gà ở xã Kim Bình được ưa chuộng, bởi gà chạy nhảy nhiều nên thịt rất săn chắc, thơm ngon và quan trọng nhất là gà sạch, không bị dịch bệnh nên bán rất được giá”.
Mô hình nuôi gà thả đồng là bước đi mới, mạnh dạn, sáng tạo của người dân Kim Bình trong việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, nâng cao thu nhập, nhiều hộ còn làm giàu từ mô hình này.
Nuôi gà thả đồng có rất nhiều lợi ích như, tận dụng được nguồn thức ăn ngoài đồng ruộng; hạn chế dịch bệnh, tránh xa được khu dân cư nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, gà thả ngoài ruộng sẽ thải ra một nguồn phân rất lớn cho đất, làm cho đất tơi xốp.
Chuồng nuôi gà ngoài đồng ruộng được thiết kế làm sao phải đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Tùy theo số lượng gà nhiều hay ít mà xây dựng chuồng cho phù hợp với mỗi hộ. Không nên để gà nằm đất, mà phải làm sàn chuồng để gà nằm tránh rét, tránh chuột và các con vật khác tấn công. Bên cạnh đó người nuôi dựng thêm một “túp lều tranh” cạnh đó để dễ quản lý đàn gà của gia đình mình.
Nhiều hộ nuôi gà nhiều năm ở cách đồng Bãi Đa cho biết, nuôi gà thả đồng vừa dễ lại không tốn công chăm sóc, hiệu quả thu về lại cao. Nuôi gà ngoài đồng ruộng rất nhàn, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 3 bữa thức ăn cám công nghiệp, ngô. Ngoài ra, gà còn tự kiếm tìm thức ăn thêm như rau, cỏ ngoài ruộng…
Có thể bạn quan tâm

Sau thắng lợi của vụ đậu đen năm trước, vụ Đông Xuân này nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã chủ động mở rộng diện tích đậu đen lên tổng số khoảng 530 ha, tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Thuận với 265 ha, Vĩnh Kim 135 ha… Tuy nhiên, do nắng hạn, phần lớn diện tích đậu đen bị mất mùa.

Năm 2011, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thực hiện mô hình “Tổ hợp tác sản xuất chè vụ đông có sử dụng công nghệ tưới phun mưa tự động”. Đây là một trong những phương pháp sử dụng công nghệ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm được áp dụng rộng rãi trên Thế giới và mang lại hiệu quả cao.

Những năm trước cứ sau mỗi mùa vụ, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) lại đưa ra dự báo sản lượng hồ tiêu giảm, còn năm nay tổ chức này đưa ra dự báo sản lượng hồ tiêu vào khoảng 150.000 tấn, tăng khoảng 30.000 tấn so với năm trước.

Từ hiệu quả của mô hình trồng nấm linh chi và nấm bào ngư của HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Kiến 2 (HTX Bình Kiến 2), hiện nay nhiều hộ dân ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã học tập, đầu tư; bước đầu cho kết quả khả quan, mang lại nguồn thu nhập khá.

Để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã triển khai mô hình cải tạo vườn tạp và bước đầu đã mang lại hiệu quả.