Nhiều Hộ Gia Đình Chính Sách Được Vay Vốn Ưu Đãi Phát Triển Kinh Tế
Những năm qua, thông qua nguồn vốn của các chương trình, nhiều thương, bệnh binh, chính sách trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định.
Điển hình như năm 2008, ông Trần Văn Minh, bệnh binh hạng 3/4, ở thôn Đắk Thanh, xã Đắk Sô (Krông Nô) được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng.
Với số vốn này, gia đình ông đầu tư vào xây dựng chuồng trại và mua 3 con bê về nuôi. Hàng năm, tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào từ các phế phẩm nông nghiệp, đàn bê gia đình luôn phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt.
Đến năm 2011, sau khi trả được món nợ cũ 30 triệu đồng, gia đình ông lại được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường và giải quyết việc làm. Được vay vốn, ông lại tiếp tục đầu tư mở rộng đàn bò. Đến nay, trong chuồng nuôi, gia đình ông luôn duy trì được 12 con bò. Trung bình, mỗi năm ông bán 2 lứa, mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng.
Ông Minh chia sẻ: “Có được như ngày hôm nay, một phần nhờ vào nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Bởi bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, các bộ tín dụng, chính quyền địa phương còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn gia đình tiếp tục đầu tư mô hình đang mang lại hiệu quả”.
Tương tự, năm 2009, ông Trần Xuân Cải, thương binh hạng 2/7, ở thôn 7, xã Nam Bình (Đắk Song) được địa phương bình xét, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước từ Ngân hàng CSXH thông qua chương trình giải quyết việc làm.
Bằng số vốn ban đầu, gia đình ông đã đầu tư thâm canh cà phê trên diện tích 5 sào. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hàng năm, sau khi thu hoạch cà phê, ông lại lấy lợi nhuận mở rộng thêm diện tích và chăn nuôi để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Đến nay, với hơn 1 ha cà phê, cộng với nuôi gà, heo, mỗi năm, ông thu được lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh thì để giúp những hộ gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn, đầu tư vào sản xuất, thời gian qua, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn rà soát, thống kê danh sách những gia đình thuộc diện ưu đãi để làm cơ sở giải ngân nguồn vốn.
Công tác xét duyệt hồ sơ, thủ tục, bình xét đúng đối tượng, mức vay đã được đơn vị thực hiện hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm hộ thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách được tiếp cận vốn thông qua 10 chương trình cho vay, với mức dư nợ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Chỉ tính riêng qua hai chương trình cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, toàn tỉnh có hơn 800 thương, bệnh binh, cũng như con em gia đình chính sách được tiếp cận, với nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng.
Điều đáng mừng, sau khi tiếp cận được nguồn vốn, các hộ gia đình đều phát huy hiệu quả, trả lãi, nợ gốc đúng kỳ hạn. Nhiều mô hình, cách làm ăn mới đã được các thương, bệnh binh đưa vào sản xuất, qua đó, từng bước đưa cuộc sống vượt qua khó khăn và ngày càng khấm khá hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi tôm nước lợ mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp, cùng với đó là thời tiết diễn biến khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng nuôi tôm. Chính vì vậy, việc áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học VietGAP được xem là giải pháp đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Ở Phú Quý (Bình Thuận), trước đây cá chình chẳng có giá trị nhiều về mặt kinh tế. Thỉnh thoảng ngư dân bắt làm mồi lai rai. Gần đây, cá trở nên có giá nhờ vào xuất khẩu. Một số hộ dân đã “phất” lên nhờ nuôi chình.
Nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng bè lồng của gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk đang là một trong những mô hình được mọi người quan tâm học hỏi, bởi giá trị kinh tế cao, thu nhập hàng năm lên tới cả tỷ đồng.
Ngoài khó khăn do chi phí tăng cao, phải cho tàu nằm bờ, hiện các tập đoàn đánh cá lớn ở Hải Phòng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ.
Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Bình Thuận (ACP) vừa phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất (CPTM&SX) Thái Việt Mỹ, hội thảo về ứng dụng chế phẩm sinh học Chitosan trong sản xuất thanh long. Đây là chuyên đề thuộc hợp phần A dự án ACP Bình Thuận, về tăng cường công nghệ nông nghiệp.