Nông Dân Xuống Đồng Cấy Lúa Mùa

Cùng với khẩn trương thu hoạch nốt lúa xuân còn lại, hiện bà con nông dân thành phố Tuyên Quang bắt tay vào việc làm đất, gieo mạ, đắp bờ khởi động cho một vụ mùa mới thắng lợi.
Vụ mùa năm nay, thành phố đặt mục tiêu cấy 1.312 ha lúa, trong đó lúa lai 505 ha, lúa thuần hơn 800 ha, năng suất phấn đấu đạt 57 tạ/ha. Để đạt mục tiêu trên hiện thành phố đã giao chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất cụ thể đến các xã, phường, các HTX nông nghiệp trên địa bàn.
Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, HTX nông nghiệp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân theo mùa vụ; hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, triển khai thực hiện mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao tại xã Thái Long. UBND các xã, phường căn cứ kế hoạch sản xuất trên và điều kiện thực tế ở cơ sở để xây dựng kế hoạch gieo trồng đến từng xứ đồng, đội sản xuất.
Ông Đoàn Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Tràng Đà cho biết: Vụ này, xã phấn đấu gieo cấy 69,5 ha lúa. Hiện nay mạ đã gieo xong, làm đất được hơn 40 ha. Ngày 25-6, toàn xã xuống đồng cấy lúa mùa và phấn đấu kết thúc khâu gieo cấy trước ngày 10-7. Ông Trần Văn Hùng, xóm 3 hồ hởi nói:
Vụ đông xuân vừa qua, gia đình ông gieo cấy 7 sào lúa, năng suất khá cao, khoảng 3 tạ/sào. Thu hoạch xong lúa xuân, gia đình ông lại tranh thủ làm đất gieo mạ ngay, chỉ khoảng vài ba ngày nữa là có thể xuống đồng cấy. Theo kinh nghiệm, vụ mùa cấy sớm ngày nào hay ngày đó, bởi có những năm, lúa mùa ngoài đồng đã chín, chưa kịp gặt, tưởng chừng ăn chắc, bất ngờ gặp mưa bão là mất ăn.
Tại phường Ỷ La, không khí làm đất cũng đang diễn ra khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La cho biết, để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, hiện HTX đang chỉ đạo bà con xã viên gieo cấy đúng cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng. Việc làm đất phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chậm nhất sau 15 ngày diện tích lúa đã thu hoạch phải được làm đất ngay; kiểm tra, đôn đốc nông dân thực hiện gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật.
Ngoài ra, HTX cũng triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão, tăng cường công tác bảo vệ đê và các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Chuẩn bị đủ lượng thóc dự phòng bằng các giống ngắn ngày đảm bảo có đủ giống cấy hết diện tích khi có lũ lụt xảy ra. Kiểm tra rà soát các công trình thủy lợi, xây dựng kế hoạch tu sửa, nạo vét kênh mương. Xây dựng phương án tưới tiêu khoa học, tiết kiệm, đảm bảo nước tưới cho toàn bộ diện tích gieo trồng cây vụ đông.
Tập trung cao cho sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm này toàn thành phố đã làm đất được hơn 500 ha, đạt hơn 40% kế hoạch. Một số xã có tiến độ làm đất nhanh như Đội Cấn 145 ha, Thái Long 62 ha, An Khang 60 ha, Lưỡng Vượng 60 ha, Tân Hà 55 ha... Lượng mạ đã gieo là gần 15.000 kg. Các giống lúa được sử dụng chủ yếu là Tạp giao 1, Hoa ưu số 2, Việt lai 20, Bắc thơm số 7, BC15, KM18, TQR6... Hiện không khí làm mùa diễn ra nhộn nhịp trên tất cả các xứ đồng của các xã, phường. Tất cả cùng nỗ lực phấn đấu gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong những năm gần đây ở xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều gia đình khá lên nhờ mô hình nuôi cá bống tượng trong lồng bè. Trong số đó phải kể đến anh Lương Ngọc Hải - một trong số những người đầu tiên nuôi cá bống tượng.

Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Chánh Thành, Chủ tịch Hội nông dân xã An Hòa (Trảng Bàng - Tây Ninh) thu hoạch đợt lươn cuối, với giá sang cho thương lái tại nhà ông là 110.000 đồng/kg. Sau hơn 8 tháng thả nuôi, trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Thành còn lãi được khoảng 80 triệu đồng từ việc nuôi lươn. Đây cũng là mức lợi nhuận bình quân mà gia đình ông Thành đạt được trong mỗi đợt nuôi lươn của những năm gần đây.

Sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn - Bình Định) cải tạo ao, hồ nuôi tôm bằng cách đổ đất, cát nâng đáy hồ và lót bạt (người dân địa phương gọi là hồ nổi) để tiếp tục nuôi tôm với hy vọng hạn chế được dịch bệnh, nâng cao thu nhập.

Sáng ngày 15/6, cơ quan chức năng của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã cưỡng chế tịch thu 26 tấn khoai tây Trung Quốc mang đi tiêu hủy vì có chứa chất độc hại.

Tại phiên chất vấn vừa qua với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, đại biểu (ĐB) Quốc hội đã nêu thực trạng một số địa phương chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng.