Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhiều Biện Pháp Phòng Trừ Sâu Bệnh Lúa Xuân

Nhiều Biện Pháp Phòng Trừ Sâu Bệnh Lúa Xuân
Ngày đăng: 27/05/2014

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh đến năng suất, chất lượng lúa, phấn đấu hoàn thành thắng lợi vụ xuân năm 2014, ngành nông nghiệp Hà Nội đã kịp thời tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Sâu bệnh gây hại cục bộ

Ông Nguyễn Văn Quân - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Mỹ Đức cho biết, tính đến trung tuần tháng Năm, trên địa bàn huyện có 46ha nhiễm bệnh đạo ôn; 18ha nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn; rầy nâu, rầy lưng trắng 6ha; sâu cuốn lá 20ha; khô vằn 240ha.

Tại huyện Phúc Thọ, bệnh đạo ôn cổ bông hiện đang gây hại cục bộ trên trà lúa giai đoạn trổ bông - chín sữa. Đặc biệt, bệnh gây hại nặng trên giống lúa nếp nhung ở các xã: Phúc Hòa, Long Xuyên, Phụng Thượng...

Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm cũng xuất hiện rải rác ở các xứ đồng. Thời gian qua, do thời tiết diễn biến bất thường,... là môi trường thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Bên cạnh đó, hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn TP hiện nay đều có biểu hiện thừa đạm, lúa rậm rạp, lá xanh đậm, lá áp đòng và lá đòng dài, nằm ngang.

Trước thực trạng một số diện tích lúa xuân xuất hiện, phát sinh các loại sâu bệnh hại, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các phòng, ban chức năng của các huyện phối hợp các xã, thị trấn và bà con nông dân chủ động tăng cường kiểm tra, thăm đồng để kịp thời phát hiện, xử lý. Đồng thời, tập trung phun trừ sâu bệnh, nhất là khi cây lúa trong giai đoạn trỗ bông - chín sữa.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các xã, thị trấn ở các huyện đều triển khai thực hiện phun thuốc phòng trừ sâu bệnh tương đối tốt. Song, một số nơi bà con đã không tiến hành phun đồng loạt theo hướng dẫn của trạm BVTV.

Không chủ quan

Theo Chi Cục BVTV Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến việc phát sinh sâu bệnh hại là do thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao. Hơn nữa, các bệnh thường phát sinh trên các chân ruộng giàu chất dinh dưỡng do nông dân bón phân không cân đối. Mặt khác, ruộng khô hoặc ngập úng đều dễ bị sâu bệnh hại nên các giống lúa không có khả năng kháng bệnh.

Hiện, tuy bệnh đạo ôn tạm dừng nhưng sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang ra rộ, rầy nâu, rầy lưng trắng hại nhẹ, bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại và bệnh khô vằn gia tăng hại tương đối trên những chân ruộng bón thừa đạm, cấy dày. Mặt khác, giai đoạn lúa tập trung trỗ từ 10 - 15/5 đúng thời điểm thời tiết có mưa dông xen kẽ nắng nóng là môi trường rất thuận lợi cho các bệnh, sâu hại lây lan rộng.

Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo, từ nay đến cuối vụ, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường nên các địa phương không chủ quan trước diễn biến tình hình sâu bệnh hại.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các phòng ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phun trừ sâu bệnh đúng cách, hiệu quả; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại cụ thể trà lúa, giống lúa, xác định mật độ sâu ở những diện tích lúa bị nhiễm bệnh để hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu.

Đồng thời, các địa phương thường xuyên kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chi cục BVTV Hà Nội khuyến cáo, đối với bệnh đạo ôn, bà con nên dùng Vista 72,5WP, Filia 525 SE để phun trừ trên các diện tích bị nặng bà con đã vơ lá bệnh đem tiêu hủy (phun 2 lần). Với bệnh khô vằn bà con dùng: Nevo 330EC; Tilsuper: 300EC; Validamycin3DD để phun trừ.

Bệnh đốm sọc vi khuẩn hiện tại chưa có thuốc đặc trị nên phun phòng bằng một số loại thuốc: Ải vân 6.4SL, Hỏa tiễn 50SP, Starner 20WP... Do lúa đang trong giai đoạn trỗ bông nên phun thuốc vào buổi chiều mát (sau 15 giờ chiều); phun đúng nồng độ khuyến cáo trên bao bì, phun đủ 25 - 30 lít nước thuốc đã pha/sào.


Có thể bạn quan tâm

Ngọt Ngào Bưởi Lương Phong Ngọt Ngào Bưởi Lương Phong

Những ngày này, khách hàng tấp nập về xã Lương Phong (Hiệp Hoà- Bắc Giang) thu mua bưởi Diễn đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Những trái bưởi vàng tươi, thơm ngát giữa cái rét đậm cuối năm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.

21/11/2013
Đảng Viên Phạm Văn Xô Gương Mẫu Đi Đầu Đảng Viên Phạm Văn Xô Gương Mẫu Đi Đầu

Là đảng viên trẻ, gánh vác trọng trách tuyên truyền, vận động nông dân phát triển kinh tế, anh luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, tìm hướng đi mới cho kinh tế của thôn, trong đó phát triển mạnh các loại cây rau màu chế biến xuất khẩu. Cùng đó, anh lãnh đạo nhân dân duy trì sản xuất lạc đông, trực tiếp tổ chức sản xuất, thu mua và bao tiêu sản phẩm.

21/11/2013
Quyết Chí Lập Nghiệp Trên Quê Hương Quyết Chí Lập Nghiệp Trên Quê Hương

Cần cù lao động, không ngừng tìm hiểu đưa vào thị trường những sản phẩm mộc dân dụng mới, Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh đã góp phần xây dựng vùng quê Trung Đồng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ngày càng trù phú. Anh vinh dự là một trong ba gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012 do Trung ương Đoàn trao tặng.

21/11/2013
Đồng Tâm Xây Dựng Nông Thôn Mới Đồng Tâm Xây Dựng Nông Thôn Mới

Ngồi trò chuyện cùng tôi, ông Xưởng nguyên là Trưởng phòng Hành chính Nông Trường Yên Thế nhắc tới một câu chuyện gợi lại một thời khốn khó của Nông Trường mà cũng là khó khăn chung của cả đất nước. Nông Trường Yên Thế được thành lập ngày 3-1-1966, với tên gọi ban đầu là Nông Trường Quốc Doanh Yên Thế (tách ra từ Nông Trường Quốc Doanh Bố Hạ). Trải qua bao thăng trầm, tới ngày 6-11-2008 thì Nông Trường giải thể để thành lập xã Đồng Tâm. Để có cái tên Đồng Tâm là cả một sự trăn trở của bao người. Anh Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã tâm sự cùng tôi: “Đảng ủy bàn bạc tìm được tên rồi còn tranh thủ xin ý kiến của các đảng viên lão thành, những cán bộ chủ chốt của Nông Trường nay đã về hưu.” Mọi người thống nhất với tên mới Đồng Tâm. Một cái tên gợi lên bao điều: Là ý chí quyết tâm của Đảng bộ với 200 đảng viên; là sự đồng lòng chung sức của cả một xã mới với 788 hộ và 2.651 nhân khẩu.

21/11/2013
Phụ Nữ Làm Kinh Tế Giỏi Phụ Nữ Làm Kinh Tế Giỏi

Cùng với việc xây dựng ổn định đời sống văn hóa, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Một trong những tấm gương đó là chị Nguyễn Thị Huấn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang Chị Nguyễn Thị Huấn bắt đầu chuyển đổi từ nghề nông sang nghề trồng hoa, trồng đào từ năm 2005. Được biết, trước kia kinh tế gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Sau khi Thành phố mở rộng thu hồi đất, gia đình chị bắt đầu đi thuê đất làm kinh tế gia đình, và chuyển sang trồng đào, trồng hoa mỗi năm thu được gần trăm triệu đồng.

21/11/2013